Bộ Giáo dục công bố chương trình giáo dục phổ thông mới

TPO - Bộ GD&ĐT đã hoàn thành việc xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT), gồm Chương trình tổng thể và 27 chương trình môn học, hoạt động giáo dục. 

Theo đó, chương trình GDPT mới được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực mà nhà trường và xã hội kì vọng.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho biết, chương trình hiện hành và các chương trình giáo dục phổ thông trước đây trả lời cho câu hỏi: “học xong chương trình, học sinh biết được những gì?”. Còn chương trình giáo dục phổ thông mới tập trung trả lời câu hỏi: “Học xong chương trình, học sinh làm được những gì?”.

Chương trình GDPT mới phân biệt rõ hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).

Theo Bộ GD&ĐT, Chương trình giáo dục phổ thông mới đã giảm tải so với chương trình hiện hành là giảm số môn học, giảm số giờ học, chọn lọc nội dung giáo dục thiết thực, đổi mới phương pháp giáo dục, tạo điều kiện để học sinh được lựa chọn môn học, chủ đề học tập và tăng cường các hoạt động thực hành.

Trước đó, vào tháng 11/2013, Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo được ban hành. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.

Sau một thời gian dài xây dựng dự thảo cũng như xin ý kiến các chuyên gia và công luận, tháng 7/2017 Bộ GD&ĐT chính thức thông qua chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Nửa cuối tháng 10/2017, công bố dự thảo để xin ý kiến rộng rãi của các chuyên gia và các tầng lớp nhân dân. 

Tháng 1/2018: Công bố dự thảo chương trình môn học và hoạt động giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, xin ý kiến các chuyên gia và công luận.

Sau khi chương trình được ban hành, Bộ GD&ĐT sẽ tập trung chỉ đạo việc tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa (SGK) đảm bảo công khai, minh bạch.

MỚI - NÓNG