Giáo dục và kinh tế

TP - Giáo dục đã được đưa vào nhóm các ngành kinh tế. Đối với xã hội hiện đại, giáo dục không còn là một lĩnh vực phúc lợi mang tính nhân văn mà đã trở thành một lĩnh vực kinh doanh đầy tiềm năng.  

Mới đây, tổ chức cung cấp thông tin nhân lực PayScale cho biết để sở hữu một tấm bằng Đại học Harvard danh tiếng của Mỹ, một sinh viên phải tốn tối thiểu là 280.000 USD, cao gấp 35 lần GDP bình quân đầu người của Trung Quốc. 

Giá cả đắt trên trời nhưng chính những trường đắt nhất lại là những trường thu hút lượng sinh viên nước ngoài ghi danh nhiều nhất, trong đó đáng chú ý là sinh viên đến từ các nước châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ. Hầu hết các sinh viên sở hữu tấm bằng của các trường đại học lớn Mỹ đều tìm được những công việc phù hợp với mức lương hậu hĩnh, khoảng 100.000 USD/năm.

Rõ ràng các bậc phụ huynh đã có tính toán kinh tế khi quyết định cho con cái vào các trường danh tiếng. Bản thân các trường đại học đó, để có thể tiếp tục duy trì sức hút khách hàng nước ngoài, họ cũng liên tục cải tiến chất lượng giáo dục với mục tiêu là đào tạo được những sinh viên đáp ứng yêu cầu của các nhà tuyển dụng lao động hàng đầu thế giới.

Đối với các trường đại học nổi tiếng của Mỹ, giáo dục đã trở thành một ngành kinh doanh hấp dẫn. Còn đối với các bậc phụ huynh, đầu tư vào giáo dục cho con cái chính là đầu tư chắc chắn cho thế hệ tương lai.

Tuy nhiên, một khi giáo dục ngày càng nghiêng mạnh về xu hướng kinh doanh thì các mục đích nhân văn của ngành “kinh tế” đặc thù này lại bị thu hẹp. Các sinh viên nước ngoài sau khi tốt nghiệp, chăm chăm mục đích thu lại vốn đầu tư, hầu hết đều không về nước mà tìm cách kiếm việc tại các quốc gia phát triển. Bên cạnh đó, việc phụ huynh đổ xô cho con cái ra nước ngoài học tập cũng khiến cho ngành giáo dục nước nhà thất thu một khoản đầu tư lớn.

Tình trạng “tị nạn giáo dục” dẫn đến “chảy máu chất xám” thực sự đang trở nên báo động tại nhiều quốc gia châu Á, nơi nổi tiếng là quê hương của những sinh viên chăm chỉ và cầu tiến.

Lời giải cho bài toán này chính là chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, đây là việc không hề dễ dàng vì đi kèm theo nó còn một loạt các điều kiện, trong đó quan trọng nhất là tạo ra thị trường lao động chất lượng. Đây chính là thách thức không nhỏ đối với các nhà quản lý.