Giáo dục là cuộc sống

Giáo dục là cuộc sống
TP - Giáo dục là cuộc sống, hay chỉ là sự chuẩn bị cho cuộc sống? Tùy vào câu trả lời, sẽ có các mô hình giáo dục khác nhau hoàn toàn về bản chất. Nhưng giáo dục Việt Nam chưa làm được việc này.

Khi nhận xét về việc học ở Việt Nam, những người có điều kiện trải nghiệm nền giáo dục bên ngoài hầu hết đều có chung những nhận xét: Học sinh Việt Nam phải học quá nhiều, học quá nặng, bị nhồi nhét, học những thứ không sử dụng được…

Sở dĩ xảy ra tình trạng này là vì một số sai lầm trong quan niệm về giáo dục. Trong đó nặng nề nhất là cho rằng: Giáo dục chỉ là giai đoạn chuẩn bị cho học sinh bước vào đời, chứ không phải là chính cuộc đời của học sinh lúc đó.

Chính vì cho rằng giáo dục chỉ là sự chuẩn bị nên đã xảy ra tình trạng nhồi nhét sao cho hành trang vào đời càng nặng càng tốt. Hoạt động giáo dục vì thế chỉ dừng ở sự chuẩn bị, nhồi nhét kiến thức và thường xa rời cuộc sống thực.

Tính tự chủ và sáng tạo của học sinh bị tước đoạt. Thay vào đó, học sinh được yêu cầu phải nhồi nhét trăm thứ bà rằn theo tiêu chuẩn của một nhóm người chịu trách nhiệm về chương trình giáo dục, thay vì được sống cuộc đời học tập của chính mình.

Việc đánh giá cũng tất nhiên sẽ được tiến hành theo kiểu kiểm tra xem mỗi học sinh đã nhồi nhét được bao nhiêu trong túi hành trang của mình.

Điều này tất yếu dẫn đến việc thi cử hình thức nặng nề. Việc dạy và học cũng bị biến tướng thành dạy và học chỉ để thi cử. Học để thi, chứ không phải học để sống và làm việc như một người tự do có trách nhiệm.

Người giỏi khi đó sẽ được hiểu là học giỏi chứ không phải làm giỏi. Xã hội sẽ tổn phí rất nhiều nguồn lực vào việc dạy và học những điều không cần thiết, thay vì làm ra những sản phẩm sáng tạo, hữu ích cho đời sống thực.

William Butler Yeats cho rằng: “Giáo dục là thắp sáng một ngọn lửa, chứ không phải là đổ đầy một bát nước”. Điều đó có nghĩa, khơi dậy sự sáng tạo và tài năng tiềm tàng của học sinh là nhiệm vụ chính của giáo dục, chứ không phải là sự nhồi nhét kiến thức thuần túy.

Chưa kể, những kiến thức này, khi vào sách giáo khoa thì thường đã phải đi một chặng đường dài và trong nhiều trường hợp đã trở nên lạc hậu.

Mỗi học sinh, hay mỗi con người nói chung, cần được đối xử như một chủ thể sáng tạo. Giáo dục cần khơi dậy tiềm năng sáng tạo đó của người học.

Nếu không, việc học khi đó sẽ trở thành hư học. Còn việc dạy sẽ đánh mất bản chất khơi gợi dẫn dắt thiêng liêng để thoái hóa thành việc nhồi nhét tri thức thuần túy, di hại rất nhiều cho việc phát triển của học sinh sau này.

Trong thời đại ngày nay, với kho thông tin vô tận của internet và các mạng xã hội, việc nhồi nhét đã trở thành vô nghĩa. Con người ngày nay không thiếu thông tin như vài chục năm về trước, mà đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thừa thông tin. Nhiều người đã ví sự khủng hoảng này như một trận lụt mà nếu không biết cách xử lý, mỗi người có thể sẽ bị chết ngộp bởi sự ngập ứ và tàn phá của việc lụt thông tin này.

Vì thế, thay vì nhồi nhét những thông tin và tri thức cụ thể, giáo dục cần dạy cách làm chủ và xử lý nguồn thông tin ngày mỗi ngày nhiều thêm. Học cách học, học cách xử lý tri thức trở nên quan trọng hơn việc học các kiến thức cụ thể rất nhiều. Khi đó, người giỏi sẽ được quan niệm là người làm giỏi, chứ không phải là học giỏi.

Muốn như vậy, giáo dục phải được coi là bản thân cuộc sống của người học, với mọi tình huống, thách thức và được đánh giá bởi những tiêu chuẩn của cuộc sống thực sự chứ không phải chỉ là sự chuẩn bị.

Những năm tháng đi học phải được coi là chính cuộc đời của học sinh, thực với mọi thách thức và kỹ năng cần phải trang bị, chứ không phải chỉ là sự chuẩn bị cho học sinh bước vào đời. Chỉ với cách đó, giáo dục mới có thể lấy lại được sức sống vì vị thế khơi gợi dẫn dắt thiêng liêng của mình.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
TPO - Sáng nay (15/11), giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh theo giá thế giới. Giá vàng nhẫn giảm từ 500.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/lượng về mốc 81 - 82 triệu đồng/lượng, tuỳ từng thương hiệu vàng.