PV Báo SGGP đã trao đổi với ông Lê Văn Học, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, về vấn đề này.
Phóng viên: Thưa ông, sau khi Luật Giáo dục Đại học có hiệu lực, từ 2013, một số trường ĐH có thể tự tuyển sinh. Dù đòi hỏi phải đổi mới tuyển sinh, nhưng có người vẫn lo liệu giao trường ĐH tự chủ tuyển sinh có ổn?
Ông Lê Văn Học: Tuyển sinh riêng sẽ gắn với uy tín riêng của từng trường. Các năm trước, trường ĐH đã từng tuyển sinh riêng, tự ra đề, tự chấm thi. Tất nhiên, trong mấy trăm trường, có thể có trường làm chưa đúng quy chế, ví dụ có thể vì số lượng được tuyển sinh mà họ ra đề dễ hơn một chút so với các trường khác. Nhưng tôi cho là không có vấn đề gì trong việc để các trường tự tuyển sinh.
Xã hội đang lo ngại là nếu giao tự chủ cho các trường mà buông lỏng hậu kiểm thì hệ quả rất đáng lo. Vì vậy nếu kiểm định không kịp thời thì..?
Ông Lê Văn Học. |
Không nên quá lo lắng như thế. Giáo dục ĐH khác với phổ thông, đó là uy tín của trường ĐH quyết định số phận của nó. Một trường ĐH mà có chuyện gì đó thì gần như cả xã hội sẽ quay lưng ngay.
Đặc biệt, người học không bao giờ vào học trường mà có sự cố như thi cử bát nháo, không có giáo trình, thầy cô giáo vay mượn, yếu kém. Hiện nay sức lan tỏa của người học rất lớn, rất quan trọng. Một em đi học về nếu trường không tốt cả làng sẽ biết, sẽ không có ai vào học nữa. Vì bây giờ người ta đi học để đi làm chứ không phải để chơi.
Dĩ nhiên, ĐH Việt Nam hiện nay vẫn phải kết hợp 3 mục tiêu: học để đào tạo nguồn nhân lực ra làm việc, nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài. Trong đó, học ĐH ra để làm việc vẫn là chủ yếu. Nếu bỏ tiền ra đi học mà không xin được việc làm thì người này sẽ rỉ tai người kia, họ biết hết. Thực tế vừa qua đã chứng minh điều này rồi. Nền kinh tế thị trường sẽ tự điều chỉnh điều này. Theo tôi Nhà nước chỉ nên can thiệp ở một mức độ nào đó, không thể phá vỡ quy luật khách quan.
Khi Luật Giáo dục Đại học có hiệu lực, ông cho là luật sẽ có tác động như thế nào?
Lần đầu tiên nền giáo dục Việt Nam mới có luật này. Tất cả các quy định về giáo dục đại học đã được luật hóa, đó là cơ sở rất quan trọng để các trường ĐH phát triển. Luật lần này cũng đã đề cập đến hầu hết tất cả các vấn đề quan trọng của giáo dục đại học như quyền tự chủ, hội đồng trường, giảng viên, cơ sở vật chất...
Nhưng để luật đi vào cuộc sống còn phải có cả quá trình. Có nhiều vấn đề để thi hành ngay 1-2 năm tới cũng khó chứ không đơn giản. Một số khái niệm mới vẫn phải tiếp tục nghiên cứu. Ví dụ như thế nào là một cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia, Nhà nước phải quy định rất cụ thể. Hoặc phân tầng ĐH như thế nào, thế nào là ĐH định hướng nghiên cứu, thế nào là ĐH định hướng thực hành? Cái này thế giới đã có nhưng nếu áp dụng các tiêu chí thế giới thì Việt Nam sẽ không có trường nào như vậy.
Điều này rất khó. Rồi phải hiểu khái niệm thế nào là phân tầng ĐH, ở đây tầng không có nghĩa là số tầng của một căn nhà, vì vậy nghị định của Chính phủ sẽ phải làm rõ. Chắc chắn sẽ phải có nhiều hội thảo để xác định các tiêu chí phân tầng ĐH.
Và cũng không có nghĩa là anh ở tầng nào thì tương đương với chất lượng của anh. ĐH nghiên cứu nhưng chất lượng chưa chắc đã bằng ĐH ứng dụng, đó là chuyện bình thường vì thế giới cũng vậy. Phân tầng, xếp hạng ĐH ở Việt Nam chủ yếu để quy hoạch, để phân tầng đầu tư, để Nhà nước đầu tư có trọng điểm là chính. Chứ uy tín của ĐH Việt Nam không thể so sánh với ĐH thế giới mà người ta đã phân loại.
Theo ông, tiêu chí phân loại, xếp hạng các trường ĐH phải theo hướng nào?
Đầu tiên phải theo luật, tức phải dựa vào vị trí, chức năng của trường đó, cơ cấu ngành nghề đào tạo, tỷ lệ tiến sĩ, thạc sĩ, giáo sư - phó giáo sư, chất lượng các công trình khoa học của trường, giải thưởng của giáo viên, sinh viên; chất lượng đội ngũ giảng viên, chất lượng kiểm định…
Trong đó, kiểm định là vấn đề mới của giáo dục đại học Việt Nam vì tổ chức chưa hoàn thiện, tiêu chí cũng cần phải xem xét một cách phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Nếu lấy tiêu chí kiểm định của thế giới để áp vào thì các trường của chúng ta chưa đạt yêu cầu, thậm chí chưa đạt ngay cả so với tiêu chí của Việt Nam chứ đừng nói đến thế giới. Hệ thống tiêu chí xếp hạng các trường ĐH của Việt Nam phải được Nhà nước ban hành một cách chính thống, phù hợp.
Để Luật Giáo dục Đại học đi vào cuộc sống cần thời gian, cần một quá trình triển khai cẩn trọng, có lộ trình, có nhiều hội thảo, xem xét, thậm chí có nhiều nội dung vẫn cần phải thí điểm, chưa thể làm ngay được.
Nội dung nào cần phải thí điểm?
Ví dụ kiểm định chất lượng giáo dục đại học chẳng hạn. Bây giờ mà bảo đồng loạt kiểm định thì sẽ kiểm định kiểu gì? Theo tôi, những trường đã thành lập 30-40 năm, có chất lượng ổn định thì nên được kiểm định trước để xem chất lượng đó đã ổn chưa, liệu đã công bố được chưa, vì nếu kiểm định xong mà không công bố thì quá dở. Vì vậy cần thí điểm để xem quy trình kiểm định đó đã ổn chưa, cách làm đã ổn chưa, các tiêu chí đã phù hợp chưa và đặc biệt là phải xem dư luận xã hội, người học, phụ huynh đánh giá về kết quả kiểm định đó.
TS Nguyễn Cảnh Đương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội: Việc dừng mở các ngành tài chính, kinh tế, ngân hàng mà xã hội đang dư thừa lao động là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với thực tế. Có thể coi đây là một trong những bước đi cần thiết để “tái cấu trúc” quy hoạch nguồn nhân lực trong tương lai, từng bước khắc phục tình trạng phát triển mất cân đối trong đào tạo nguồn nhân lực thời gian qua. Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT cần siết lại để quản lý chặt chẽ các cơ sở đang đào tạo các ngành này, chỉ cơ sở nào đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ mới được phép tiếp tục tuyển sinh, đào tạo. Cần rút bớt chỉ tiêu, thậm chí đình chỉ tuyển sinh đối với những cơ sở không bảo đảm chất lượng đào tạo. Cần chấn chỉnh mạng lưới các trường ĐH-CĐ trong nước để từng bước khắc phục tình trạng phát triển “nóng” trong thời gian qua. |
Theo Lâm Nguyên
Sài gòn giải phóng