Gian nan cuộc chiến chống doping

Cử tạ là môn thi đấu các VĐV hay bị phát hiện dương tính với doping
Cử tạ là môn thi đấu các VĐV hay bị phát hiện dương tính với doping
TP - Ông Hoàng Quốc Vinh, Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao 1 (Tổng cục TDTT) cho biết, công tác phòng, chống doping của thể thao Việt Nam đối diện với nhiều khó khăn và thách thức lớn, sau nhiều trường hợp VĐV bị phát hiện dương tính với chất cấm trong năm 2020.

Ông đánh giá như thế nào về công tác phòng chống doping của thể thao Việt Nam hiện nay? Đâu là nguyên nhân dẫn đến việc ngày càng nhiều trường hợp VĐV Việt Nam dính doping?

Việc phòng chống doping cho VĐV luôn là yếu tố quan trọng tiên quyết ảnh hưởng trực tiếp đến thành tích của VĐV. Chúng ta đã ký công ước quốc tế từ năm 2010 về việc gia nhập và hưởng ứng việc chống sử dụng doping trong thể thao. Trong năm 2021, ngành thể thao sẽ thường xuyên tiến hành kiểm tra doping tại các giải vô địch quốc gia và trẻ quốc gia, theo các phương thức ngẫu nhiên, đột xuất, ngoài thi đấu.

Về nguyên nhân dính doping của VĐV nói chung trên thế giới, không riêng gì ở Việt Nam thông thường theo đường chủ quan, và khách quan. Thứ nhất, VĐV sử dụng các nguồn thực phẩm có quá nhiều chất kích thích mà không biết, hoặc đồ uống có chứa chất cấm…Nguồn thứ hai là do sử dụng thuốc chữa bệnh thông thường như cảm cúm hay các loại thuốc có chứa chất giảm đau thiếu hướng dẫn và chỉ định của bác sỹ.

Cuối cùng là HLV, VĐV cố ý sử dụng các loại thuốc tăng trưởng cơ bắp trong giai đoạn thi đấu…và các loại này đều nằm trong danh mục cấm của WADA.
Như vậy, có thể thấy được vai trò của HLV, VĐV về nhận thức và hiểu biết về việc ăn uống, sử dụng thuốc trong thể thao là vấn đề hết sức trách nhiệm và vô cùng quan trọng.

Sau khi nhiều trường hợp các VĐV cử tạ Việt Nam bị phát hiện vi phạm doping trong năm 2020, ngành thể thao có các biện pháp nào trong cuộc chiến chống doping, nhất là trong bối cảnh SEA Games 31 năm 2021 được tổ chức trên sân nhà?

Trong bối cảnh SEA Games 31 đang đến gần, công tác phòng chống doping được đặt lên ưu tiên hàng đầu. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục cho HLV, VĐV nâng cao ý thức chuyên nghiệp trong tập luyện, thi đấu, và ăn uống dinh dưỡng; khuyến cáo HLV, VĐV mỗi khi sử dụng thực phẩm dinh dưỡng đều cần hỏi ý kiến bác sỹ và tham khảo trước khi sử dụng; mở các lớp bồi dưỡng kiến thức về phòng chống và tác hại của doping cho HLV, VĐV; nêu cao tinh thần thể thao trong sạch, fairplay, giữ gìn hình ảnh của VĐV và đoàn thể thao Việt Nam trong các kỳ đại hội.

Việc sử dụng hình ảnh hoặc các tờ rơi… cũng được chú trọng, giúp các HLV, VĐV hiểu rõ hơn và phòng tránh được các nguồn nhiễm doping (các chất trong danh mục cấm của WADA) hoặc các chất có từ nguồn thực phẩm tiềm ẩn chứa các chất doping như các loại thịt đỏ có chất tăng trọng…

Ngoài ra, Bộ cũng đã ban hành sửa đổi thông tư về phòng chống doping trong hoạt động TDTT năm 2015. Việc này có ý nghĩa cập nhật và phổ biến kịp thời các quy định quốc tế, và Việt Nam trong tình hình hiện nay. 

Trung tâm Doping và Y học thể thao (trực thuộc Tổng cục TDTT) hiện nay hoạt động như thế nào? Có khó khăn gì trong việc kiểm tra các VĐV có liên quan đến doping không?

Trung tâm Doping và Y học thể thao vẫn đang hoạt động tích cực, thường xuyên cử bác sỹ cùng các đội tuyển tập huấn ở các trung tâm, cũng như đi vào các giải thi đấu trong hệ thống quốc gia để kiểm tra lấy mẫu xét nghiệm cho các VĐV. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tư vấn cho các VĐV về việc sử dụng dinh dưỡng, thực phẩm, thuốc chữa bệnh một cách an toàn và hiệu quả.

Quy trình lấy mẫu của Trung tâm thông thường chỉ giới hạn khoảng vài trăm mẫu tại các giải đấu và ở các môn Olympic, Asiad hay các VĐV vô địch nhiều năm để kiểm nghiệm. Vì kinh phí không đủ để kiểm tra hết hàng nghìn VĐV, nên chỉ chọn ngẫu nhiên các VĐV đạt thành tích cao.

Khó khăn nhất hiện nay chính là nguồn nhân lực thiếu để thực hiện việc kiểm tra lấy mẫu xét nghiệm cho hàng nghìn VĐV theo quy chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, như đã nói ở trên, kinh phí để xét nghiệm rất đắt đỏ, tốn kém trung bình khoảng 120 USD đến 150 USD/mẫu và phải gửi ra nước ngoài như Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Cu Ba….

Xin cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG