Bài dự thi “Phòng chống TNGT - thái độ của bạn?”

Giảm thiểu TNGT: Kinh nghiệm từ Nhật Bản

Giảm thiểu TNGT: Kinh nghiệm từ Nhật Bản
TP- Việt Nam và Nhật Bản có sự tương đồng về văn hóa; tình hình tai nạn giao thông (TNGT) ở VN hiện nay có những nét giống với Nhật Bản vào những năm 1960.
Giảm thiểu TNGT: Kinh nghiệm từ Nhật Bản ảnh 1
CSGT xử lý vi phạm Luật giao thông trên QL 1A Ảnh: Phạm Yên

Nhật Bản là nước có nhiều thành công trong giải quyết các vấn đề ATGT. Vì vậy, tìm hiểu kinh nghiệm giải quyết ATGT là việc làm cần thiết.

1- Về tuyên truyền giáo dục ATGT: 

 Do nhận thức sớm về sự nguy hiểm và hậu quả của TNGT đối với người dân và xã hội, Nhật Bản đã đề ra các giải pháp hữu hiệu: Sớm thành lập các cơ quan chuyên trách về công tác ATGT; Giáo dục ATGT là một trong những giải pháp cơ bản để giảm thiểu TNGT; Nhà nước và xã hội đầu tư vào ATGT với nguồn lực lớn.

Giáo dục ATGT là trách nhiệm của toàn xã hội (nhà nước có trách nhiệm lãnh đạo, quản lý. Các tổ chức xã hội, gia đình và người dân phải có nghĩa vụ và tự giác tham gia thực hiện).

Giáo dục ATGT phải kiên trì, thường xuyên, liên tục, rộng khắp và không có hồi kết; Giáo dục cho người dân từ khi còn bé cho đến khi về già, với mọi thành phần tham gia giao thông; Giáo dục trong trường học, gia đình, các tổ chức xã hội, thông qua đài phát thanh, truyền hình, báo chí.

 Nội dung giáo dục phù hợp với từng lứa tuổi. Coi trọng giáo dục tuyên truyền ATGT là biện pháp đặc biệt quan trọng, vì con người là nhân tố quyết định để tạo ra một môi trường giao thông an toàn. 

2- Đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác ATGT:

Có mục tiêu, chương trình cụ thể rõ ràng, hướng theo nhu cầu đòi hỏi thực tế của xã hội; Chú ý tập trung đào tạo theo phương châm chuyên môn hóa về nghề nghiệp cao; Việc lựa chọn bố trí, sắp xếp đào tạo nguồn nhân lực tham gia đảm bảo ATGT có sự tính toán khoa học hợp lý, phù hợp với trình độ năng lực, bậc học của người học, kết hợp với lý thuyết và thực hành; Xã hội hóa trong giáo dục bồi dưỡng nhận thức của người tham gia giao thông trên phạm vi toàn xã hội. 

3 - Điều hành, cưỡng chế giao thông:

Điều hành giao thông của Nhật Bản chủ động vì: Tại Trung tâm đèn hiển thị bản đồ giao thông của toàn thành phố và trên các tuyến phố chính, các đường cao tốc; Đài phát thanh thông báo cho các lái xe ô tô biết nơi nào ùn tắc để đi đường khác, báo lực lượng chức năng đến giải quyết; Có nhiều camera theo dõi tình trạng giao thông ở các ngã tư trọng điểm; Trang bị công cụ hỗ trợ cảnh sát giao thông là hiện đại và đầy đủ, như: Máy đo tốc độ gắn trên ôtô có thể đo cả ban đêm, chụp ảnh xe chạy quá tốc độ.

Các thiết bị khác như thử nồng độ cồn, dụng cụ khám nghiệm cũng rất hiện đại. Điều tra các vụ TNGT đều do cảnh sát giao thông lập hồ sơ ban đầu. Các dữ liệu về TNGT được gửi tới một cơ quan chuyên trách nghiên cứu, phân tích, đây là một cơ quan độc lập, có nhân viên, phương tiện chuyên dùng khám nghiệm TNGT và trực tiếp cùng khám nghiệm với CSGT. Trung tâm sát hạch lái xe đáp ứng nhu cầu thi bằng lái xe cơ giới (ôtô, môtô).

Cưỡng chế giao thông đối với xe ôtô đỗ sai quy định được giao cho tổ chức quần chúng và cơ quan cảnh sát trang bị máy ảnh, máy ghi biên lai phạt. Hàng ngày, lực lượng này mặc đồng phục theo quy định tuần tra trên các tuyến đường bằng xe đạp, khi phát hiện xe ôtô đỗ sai quy định tiến hành lập hồ sơ, chụp ảnh, xác định vị trí xe đỗ và in biên lai dán vào kính xe.

Sử dụng xe môtô cảnh sát có các thiết bị chuyên dụng tuần tra trên đường cùng chiều với xe có tốc độ quá quy định để xác định cụ thể tốc độ xe cần xử lý và có thiết bị in ngay tốc độ của xe đó. Sau đó, cảnh sát tiến hành kiểm tra xử lý. Sử dụng máy đo tốc độ đặt trên xe ôtô tại 1 điểm để ghi hình biển số và xác định tốc độ xe vi phạm và thông báo máy vô tuyến cho chốt cảnh sát thứ hai kiểm tra xử lý.

4 - Cơ sở hạ tầng giao thông:

Đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân vì: Hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt được đầu tư lớn, đồng bộ và thường xuyên. Trong các thành phố có: Hệ thống giao thông trên mặt đất, trên cao và các cầu vượt; Hệ thống đường tầu điện ngầm; hệ thống đường tầu hỏa; hệ thống các bến bãi để phương tiện giao thông. Chính phủ luôn đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông.  

MỚI - NÓNG