Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam: Không nên bỏ 'phao cứu sinh'

0:00 / 0:00
0:00
Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam: Không nên bỏ 'phao cứu sinh'
TPO - Đánh giá học sinh để công nhận và cấp bằng tốt nghiệp THPT chỉ dựa vào các bài thi tốt nghiệp cuối khóa học lớp 12 là chưa đủ. Do đó, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam, ông Hà Thanh Quốc cho rằng không nên bỏ 30% điểm học bạ lớp 12 trong xét tốt nghiệp THPT.

Theo ông Hà Thanh Quốc, đánh giá học sinh phải xem xét đầy đủ 3 năm học THPT. Có như thế, độ chính xác mới cao và đây cũng là ghi nhận nỗ lực của học sinh trong suốt thời gian học. Nếu chỉ dựa vào 1 kỳ thi để công nhận và cấp bằng tốt nghiệp THPT là chưa đủ. Do đó, không nên bỏ tỷ lệ 30% điểm học bạ lớp 12 trong xét tốt nghiệp THPT cho học sinh.

Vì, thời gian học trước khi thi là cơ sở đánh giá tinh thần, thái độ, quá trình cố gắng học tập của học sinh cùng với điểm thi tốt nghiệp sẽ ổn hơn việc chỉ lựa chọn 1 chỉ số. Ông Quốc cho hay, có ý kiến cho rằng không nên giữ lại tỷ lệ này do không thực chất. Tuy nhiên, quy định đưa ra chỉ đạt giá trị tương đối. Chủ trương đưa ra phải tin vào cái chung. Ông Quốc khẳng định với những địa phương coi thi nghiêm túc, giảng dạy nghiêm túc thì thấy cần thiết có tỷ lệ 30% này để đảm bảo đánh giá toàn diện học sinh khi cấp bằng tốt nghiệp.

Mặt khác, người đứng đầu Sở GD&ĐT Quảng Nam chia sẻ, việc tổ chức tuyển sinh đầu vào đại học hiện nay rất khác xưa. Nhiều học sinh THPT thi tốt nghiệp THPT chỉ là điều kiện vì các em đã trúng tuyển bằng các phương thức riêng của các trường ĐH. Hoặc nếu có đi thi thì chỉ cố gắng những môn xét ĐH, các môn khác chỉ cố gắng đỗ tốt nghiệp. Hơn nữa, tỷ lệ tuyển sinh đầu vào cấp THPT của mỗi địa phương cũng khác nhau.

Ví dụ Hà Nội chưa đến 70% đối với trường công lập nhưng các tỉnh khác là 90%... Điều kiện kinh tế của các địa phương cũng khác nhau. Ở vùng núi, phần lớn là con em dân tộc thiểu số khó khăn nên việc xếp thứ hạng các tỉnh dựa vào điểm trung bình tốt nghiệp là không hợp lý, không nói được điều gì và không đánh giá được toàn diện chất lượng đào tạo ở mỗi địa phương.

Chất lượng giáo dục dựa vào những yếu tố nào?

Nói về chất lượng giáo dục, ông Hà Thanh Quốc cho hay điều này phụ thuộc vào 3 yếu tố. Trong đó quan trọng nhất là yếu tố con người gồm đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên.

Chất lượng giáo dục tùy thuộc vào sự tâm huyết rất nhiều của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý. Nếu thầy cô giáo không thay đổi nhận thức, chuyển đổi được trái tim mình để tạo cảm hứng cho học trò trong quá trình truyền dạy kiến thức thì mọi thứ sẽ không thay đổi.

Vì vậy, vấn đề cốt lõi là con người, tâm huyết trách nhiệm của thầy cô giáo. Theo ông Quốc, Sở GD&ĐT Quảng Nam cũng đang kiên trì theo kiểu mưa dầm thấm lâu để hầu hết thầy cô giáo đều thay đổi; giáo viên đi dạy phải đầu tư, có phương pháp kỹ năng dạy học tốt để học sinh không bị áp lực.

Học sinh thấy thích, tâm lý thoải mái khi vào tiết học; không còn thấy khoảng cách giữa thầy và trò, thầy cô phải là người học trò tin tưởng nhất để chia sẻ; cách tổ chức dạy học, phương pháp dạy học không xơ cứng để tạo cảm hứng cho học trò. Đổi mới cách dạy, cách học, học sinh không chỉ nắm được kiến thức mà còn rèn được kỹ năng.

Thứ hai không nên xem nhẹ những cột điểm kiểm tra thường xuyên, định kỳ. “Những cột điểm này phải là thật, không cần chờ đến điểm thi tốt nghiệp. Chờ đến lúc đó thì đã muộn. Những con điểm kiểm tra thường xuyên, định kỳ phải là những con điểm đánh giá đúng được năng lực học tập của các em một cách đúng đắn. Nếu xuê xoa, không nghiêm túc, đề thi không bám với yêu cầu mục đích sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo. Ở đây cũng nói đến tâm của người thầy”, ông Hà Thanh Quốc nhấn mạnh.

Thứ ba mạnh dạn thay đổi điều chỉnh hình thức kiểm tra, đánh giá. Cố gắng giữa dạy học và kiểm tra đánh giá, thi cử, yêu cầu của đề thi đánh giá được năng lực, khả năng của học sinh. Còn nếu thi cử chỉ phải nhớ, học thuộc thì chất lượng giáo dục không thay đổi.

“Muốn thế, đề thi phải mở theo hướng phát huy năng lực của học sinh, khả năng tiếp thu bài giảng, nắm được kiến thức vận dụng khi làm bài kiểm tra để thấy được năng lực của học sinh”, ông Quốc nói. Theo ông, mấy năm gần đây, Bộ GD&ĐT cũng đã định hướng đổi mới theo hướng này. Đây cũng là giải pháp để từ đó triệt tiêu học thêm dạy thêm.

Bên cạnh đó, ông Hà Thanh Quốc cho rằng, cũng cần chú ý đến việc đầu tư cơ sở vật chất, giảm sĩ số học sinh trên lớp về đúng chuẩn quy định để đảm bảo điều kiện đủ cho giáo viên đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giáo dục.

MỚI - NÓNG