Nghệ thuật rơm, tre giật giải ở Mỹ

Bộ poster vở tuồng cổ San Hậu được làm từ nghệ thuật trúc chỉ của Đặng Thị Bích Ngọc (ảnh nhỏ) giật giải thưởng American Graphic Design Award 2017 ở hạng mục Student design (ảnh lớn).
Bộ poster vở tuồng cổ San Hậu được làm từ nghệ thuật trúc chỉ của Đặng Thị Bích Ngọc (ảnh nhỏ) giật giải thưởng American Graphic Design Award 2017 ở hạng mục Student design (ảnh lớn).
TP - Đặng Thị Bích Ngọc (23 tuổi, quê Quảng Ngãi) vừa giật giải thưởng American Graphic Design Award 2017 (Giải thiết kế đồ họa Mỹ) ở hạng mục Student design (sinh viên thiết kế), bằng bộ poster liên hoàn vở tuồng cổ San Hậu được làm từ trúc chỉ.

Sau chiến thắng đầy tự hào này, Ngọc có cuộc trao đổi với Tiền Phong quanh câu chuyện tìm tới và đưa nghệ thuật do người Việt sáng tạo ra thế giới.

Từ bài tốt nghiệp không hoàn hảo

Ngọc đến với nghệ thuật trúc chỉ như thế nào?

Đồ án Tốt nghiệp ngành Thiết kế đồ họa (Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng) của em có tên gọi “Thiết kế cụm poster quảng bá đêm nhạc truyền thống Nhạc cửa Đình”. Đề tài là phải thể hiện được đặc trưng nghệ thuật sân khấu, và chất truyền thống. Thử nhiều phương án mà vẫn không nhận được sự đánh giá cao từ thầy cô, thế nên em tìm hiểu và biết có một loại hình nghệ thuật tiếp biến từ truyền thống, đó là trúc chỉ.

Giáo viên hướng dẫn đồ án - thầy Trần Thanh Bình, giảng viên ĐH Nghệ thuật Huế, hết sức ủng hộ khi em đề xuất thể hiện poster bằng trúc chỉ. Em đến Huế bắt tay vào học và làm đồ án trong thời gian suốt 3 tháng.

Bước chân vào loại hình nghệ thuật mới mẻ này, hẳn rất khó khăn?

Hoàn toàn như vậy. Mơ hồ, lạ lẫm. Cho tới khi được tiếp xúc, trải nghiệm thực tế em mới thông quy trình lao động kỹ thuật và nghệ thuật để tạo nên một tác phẩm.

Thầy Phan Hải Bằng - người sáng lập ra trúc chỉ đã chỉ dẫn quy trình, các anh chị trong Vườn Trúc Chỉ (đường Nguyễn Phúc Nguyên, Thừa Thiên - Huế) hướng dẫn trực tiếp từng công đoạn. Những lần đầu, em không biết cách seo giấy, điều chỉnh lực, cách hướng cánh tay khi cầm khung seo, cách điều chỉnh áp lực nước - phun nước trên các hình ảnh, hoa văn, họa tiết đã được cắt trổ - để bóc dần từng lớp bột giấy, tạo các sắc độ cho hình ảnh muốn thể hiện trên đó. Em phải làm đi làm lại rất nhiều lần mới tạm ổn.

Vậy cơ duyên nào đưa một “tân binh” như Ngọc đến với cuộc thi?

Khi kết thúc đồ án và đưa lên mạng, thầy Nguyễn Tri Phương Đông (ở Mỹ) đã chỉ rõ đề tài đồ án rộng, thiếu thực tế, hình tượng chưa thật cô đúc. Thầy khuyên chỉ thiên về một loại hình nghệ thuật, và em đã chọn Tuồng. Thầy giúp em định hướng lại và khuyến khích hãy tham gia một số cuộc thi quốc tế, với bộ môn Thiết kế đồ họa. Khi đó em cảm thấy cơ hội này rất đáng để thử sức và trải nghiệm.

Bản sắc Việt tỏa sáng

Tại sao em lại chọn vở San Hậu và hình thức poster?

Thật ra em có tìm hiểu thêm tác phẩm Nghêu Sò Ốc Hến. Tuy nhiên cuối cùng chọn San Hậu vì nó có tuyến nhân vật đặc trưng, tính ước lệ đồ họa rõ ràng, hiệu quả diễn đạt đắc địa hơn với trúc chỉ.

Nghệ thuật truyền thống vẫn đang âm ỉ tồn tại và phát triển. Những sự kiện âm nhạc truyền thống được phục dựng, tổ chức giữa nhịp sống hiện đại nhưng ít người biết và quan tâm. Poster sẽ là một trong những cách tham gia hay để tiếng nói truyền thống đến được với mọi người, do ấn tượng hình ảnh trực tiếp của nó.

Trúc chỉ có lợi thế gì khi thể hiện tác phẩm đậm chất truyền thống này?

Trúc chỉ sử dụng chất liệu dân dã tre, mía, rơm... kết hợp cùng kỹ thuật làm giấy thủ công, bản thân chính là linh hồn dân dã, với các ý niệm đậm chất truyền thống. Biết được ý nghĩa này, em nghĩ đã tìm ra tiếng nói chung giữa trúc chỉ và đề tài của mình, chính là tiếp biến truyền thống.

Nói đến nghệ thuật ca kịch cổ truyền, người ta nghĩ ngay đến những nhân vật, hình tượng nghệ thuật tỏa sáng dưới ánh đèn sân khấu, vì thế tác phẩm phải thể hiện được cái hồn của sân khấu. Một khi tác phẩm diễn đạt qua ánh sáng và trúc chỉ, những hình ảnh, sắc thái sẽ hiện lên một cách chân thực nhất.

Mang tác phẩm đậm chất “nhà quê” ra thế giới, em có tự tin không?

Em quan niệm, tác phẩm của mình phải có tính đặc trưng dân tộc, phải tỏ rõ bản sắc Việt. Bản sắc Việt em muốn nói là những chất liệu tre, rơm, mía bước vào nghệ thuật thông qua kỹ thuật truyền thống và có thể mang theo tiếng nói của một loại hình nghệ thuật khác. Đó là sự kết hợp những nghệ thuật bình dân, cổ truyền, được người Việt sáng tạo nên. Không chỉ tự tin mà còn rất tự hào.

Các loại hình, giá trị nghệ thuật truyền thống thường ít được sự quan tâm của công chúng, từ thành tích vừa rồi, em muốn gửi gắm thông điệp gì?

Nghệ thuật dân tộc còn rất nhiều cái hay, cái đẹp để tìm hiểu, sáng tạo, làm mới.  Mong các bạn trẻ tiếp xúc nhiều hơn với nghệ thuật truyền thống và góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy.

* Cuộc thi American Graphic Design Award năm 2017 được tổ chức trên mạng internet, quy tụ hàng ngàn thí sinh khắp nơi tham dự, với 23 hạng mục (catalogue, logo, ấn phẩm, bao bì, thương hiệu, lịch, web...). Đây là cuộc thi nằm trong top 15 các cuộc thi thiết kế khu vực Bắc Mỹ.

* Nghệ thuật Trúc chỉ là loại hình nghệ thuật mới của Huế, do họa sỹ Phan Hải Bằng, giảng viên ĐH Nghệ thuật- ĐH Huế cùng các cộng sự nghiên cứu, sáng tạo nên: Kết hợp nghề giấy thủ công truyền thống và nguyên lý nghệ thuật đồ họa; xuất phát từ ý niệm làm cho giấy thoát khỏi thân phận làm “nền”, để trở thành một tác phẩm độc lập.

MỚI - NÓNG