Giải thưởng Văn học Tuổi 20 lần 7: Vẫn không có giải Nhất

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ngày 24/5, tại NXB Trẻ TPHCM, giải thưởng Văn học Tuổi 20 (VHT20) lần 7 đã công bố và trao giải. Điều đáng nói, đây là lần thứ 2 liên tiếp không có tác phẩm được trao giải Nhất của cuộc thi.

Theo đánh giá của Ban giám khảo, trong lần dự thi này các tác phẩm đều thể hiện được cái nhìn của người trẻ về cuộc sống hôm nay giống như chủ đề giải thưởng nêu ra: “Tuổi 20 hôm nay - cuộc sống và góc nhìn”. Tuy nhiên, giữa việc nhìn cuộc sống ngoài đời và nhìn cuộc sống bằng trang viết lại là một cánh cửa lớn để từ đó văn chương được bước ra. Điều khá thú vị, mỗi tác phẩm đoạt giải đều phải có “cái gì đó đáng đọc”, “đáng để suy ngẫm”... và toát ra hơi thở, sức sống của người trẻ.

Giải thưởng Văn học Tuổi 20 lần 7: Vẫn không có giải Nhất ảnh 1

Các tác giả cùng Ban Giám khảo, BTC cuộc thi chụp hình kỷ niệm

Theo đánh giá của BTC, qua 7 lần tổ chức, cái được lớn nhất của Văn học tuổi 20 chính là sự phát hiện, đánh thức, gọi tên một lực lượng sáng tác trẻ, góp cho văn đàn một tài sản có ý nghĩa, với hơn 50 tác giả được vinh danh và 63 tác phẩm được trao thưởng. Những cái tên như Nguyên Hương, Nguyễn Ngọc Tư, Trần Thị Hồng Hạnh, Trương Anh Quốc, Nguyễn Ngọc Thuần, Phan Việt, Dương Thụy, Phong Điệp, Võ Diệu Thanh, Trang Hạ, Nhật Phi v.v… đã tiếp tục khẳng định bút lực và cá tính sáng tạo, khẳng định sức sống của một giải thưởng văn học.

Giải Nhì (Không có giải Nhất) thuộc về 2 tác phẩm: Vụn ký ức (Tác giả Yang Phan), Nửa lời chưa nói (Tác giả Duy Ân); Giải Ba thuộc về 2 tác phẩm: Vệt sáng của bụi (Lê Quang Trạng), Chuồng cọp trên cao (Nguyễn Thu Hằng); Giải Tư thuộc về 3 tác phẩm: Có thú dữ trong thành phố (Nguyên Nguyên); Bảy bảy bốn chín (Hoàng Công Danh); Chopin biến mất (Hiền Trang).

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư nhận định: “Có thể có những tác phẩm chỉ ‘đánh ùm một tiếng rồi thôi’, nhưng cái vòng tròn lan rộng từ những tiếng ‘đánh ùm’ đó đã giúp đời sống văn chương có những biến chuyển”… Nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần nói: “Không có cuộc thi Văn học Tuổi 20, có lẽ tôi cũng không biết mình có thể viết”.

Theo báo cáo qua 7 lần tổ chức cuộc thi Văn học tuổi 20, tổng số tác phẩm dự thi là 2.133 tác phẩm; lần thứ 7 này có số lượng bài dự thi nhiều nhất, với 511 tác phẩm, các tác giả đa số ở lứa tuổi 9X. Đây là một kỳ giải hết sức đặc biệt, năm 2020, 2021 đất nước phải trải qua đại dịch, tất cả mọi người đều ít nhiều bị ảnh hưởng. “Chúng tôi thấu hiểu rằng quãng thời gian đó không phải là thời điểm lý tưởng nhất để sáng tác, khi mà đại dịch đã thay đổi rất nhiều thứ… Nhưng cùng nhau, chúng ta đã đi đến đích để có mặt trong lễ tổng kết và trao giải hôm nay”- Ông Nguyễn Thành Nam, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Trẻ, thành viên Ban tổ chức cho biết.

Cũng theo ông Nam, năm nay các tác phẩm đoạt giải đều đã phản ánh được phần lớn cuộc sống và quan tâm của tuổi 20 hôm nay. Đó là cuộc sống khi đi du học hay sinh sống nơi đất khách, phải nỗ lực vươn lên; Trách nhiệm của người trẻ trước cuộc sống và xã hội; Vấn đề môi trường, chữa lành tâm lý; Những thân phận dưới đáy xã hội, áp lực của cuộc sống công sở, hay cuộc mưu sinh nơi thành thị. Tất cả được các tác giả thể hiện qua lối viết khá đa dạng, chỉn chu, mới mẻ và hiện đại.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.