Giải quần vợt Vietnam Open 2017: Đìu hiu khán giả

Ngay cả sự có mặt của Hoàng Nam cũng không đủ để giúp Vietnam Open 2017 có đông khán giả.
Ngay cả sự có mặt của Hoàng Nam cũng không đủ để giúp Vietnam Open 2017 có đông khán giả.
TP - Giải quần vợt Vietnam Open 2017 đang diễn ra ở TP.HCM dù quy tụ nhiều tên tuổi lớn của làng tennis thế giới nhưng phải chịu cảnh đìu hiu trên khán đài.

Trong khi đó, sau 2 chuyến du đấu Việt Nam của Arsenal (năm 2013) và Man City (năm 2015), không doanh nhân Việt Nam nào còn có ý định đưa thêm một đội bóng châu Âu nào khác tới đây. Phải chăng mức độ hâm mộ thể thao của người Việt Nam là sự bí hiểm ngay cả với chúng ta?

Hãy bắt đầu từ giải quần vợt Vietnam Open 2017 với những ngôi sao như Mikhail Youzhny, cựu số 8 thế giới và mới cách đây 2 tháng còn bắt Roger Federer phải đánh tới 5 set ở vòng 2 giải US Open 2017. Hay như Taylor Fritz, cựu số 1 trẻ thế giới đã từng đánh bại cả Marin Cilic, Jeremy Chardy hay Marcos Baghdatis, từng lên tới vị trí 53 thế giới và trở thành hiện tượng mới của quần vợt Mỹ vào năm 2016. Rồi còn Stephane Robert, Go Soeda, John Millman hay Peter Polansky, những gương mặt đã quá quen thuộc với sân chơi ATP, và có cả Alize Lim, cô gái gốc Việt từng nổi đình đám từ Roland Garros 2015. Và không thể bỏ qua Lý Hoàng Nam, cây vợt số một Việt Nam hiện tại, cùng Sumit Nagal, đối tác người Ấn Độ đã cùng Hoàng Nam đoạt chức vô địch trẻ Wimbledon năm 2015.

Với chừng ấy cái tên như vậy, cộng với việc tennis đang trở thành môn thể thao phổ biến thứ 2 ở Việt Nam sau bóng đá, người ta cứ ngỡ rằng Vietnam Open 2017 sẽ chật kín khán giả, nhưng sự thực lại không phải như vậy. Ngoại trừ Hoàng Nam, sức hút của các cây vợt ngôi sao khác với khán giả là gần như không đáng kể, và ngay cả Hoàng Nam cũng chỉ có người cổ vũ ở nội dung đánh đơn, còn khi Hoàng Nam đánh đôi cùng Sumit Nagal thì cũng chẳng có mấy CĐV tới sân.

Mà giá vé chắc chắn không phải là vấn đề của Vietnam Open 2017, vì thậm chí BTC đã giảm giá vé ban ngày xuống còn 90.000 đồng (năm ngoái là 120.000 đồng) ở những trận đấu có cả hạt giống số 1 và 2, và đây là mức giá hoàn toàn có thể chấp nhận được ở một trung tâm kinh tế năng động hàng đầu cả nước như TPHCM. Tuy nhiên, cụm sân Lan Anh những ngày diễn ra Vietnam Open 2017 vẫn vắng như chùa Bà Đanh, và có những trận thậm chí người ta còn có thể đếm được từng khán giả trên khán đài. Với tình hình này, BTC Vietnam Open 2017 cầm chắc lỗ nặng, bởi kinh phí tổ chức giải năm nay ước chừng khoảng 5 tỷ đồng, trong đó riêng tiền thuê sân trong vòng 1 tuần là 1 tỷ đồng, nhưng khoản thu được kỳ vọng nhất là từ bán vé lại coi như bằng không.

Cũng có ý kiến cho rằng nếu giải Vietnam Open 2017 được đưa ra Hà Nội thì tình hình có thể sẽ khác, nhưng vấn đề nằm ở chỗ không riêng gì Hà Nội mà cả khu vực miền Bắc hiện nay không có cụm sân nào đủ điều kiện về cơ sở vật chất để tổ chức được một giải đấu quốc tế nằm trong hệ thống ATP Challenger như Vietnam Open 2017. Không những thế, bản thân Hà Nội cũng từng đăng cai tổ chức những sự kiện thể thao lớn, cụ thể là chuyến du đấu của 2 đội bóng châu Âu là Arsenal (năm 2013) và Man City (năm 2015) nhưng chưa bao giờ nhà tổ chức có lãi, nếu không nói thẳng là chỉ có lỗ và lỗ.

Theo tính toán thì chi phí để đưa một đội bóng châu Âu nổi tiếng sang Việt Nam là không dưới 2 triệu EUR, tương đương 50 tỷ đồng, và để bảo đảm mục tiêu tối thiểu là hòa vốn thì đơn vị tổ chức cần phải bán vé với giá cao nhất là khoảng từ 2,5 triệu đồng cho tới 3 triệu đồng. Tuy nhiên, thực tế là khi Arsenal sang Việt Nam năm 2013 hay Man City sang Việt Nam năm 2015 thì giá vé cao nhất của 2 CLB này "chỉ" là 1,5 triệu đồng và 1,8 triệu đồng. Cụ thể, có 3 mức vé để xem Arsenal ở Việt Nam là 400.000, 700.000 và 1,5 triệu đồng, còn con số này với Man City là 600.000, 1 triệu, 1,5 triệu và 1,8 triệu đồng. Thế nhưng, vì nhiều lý do khác nhau, đơn vị tổ chức không sao thu hồi được vốn từ bán vé, dù ở cả 2 trận đấu này sân Mỹ Đình đều không còn một chỗ trống.

Vì thế, mùa hè vừa qua, khi một đại gia khác của giải Ngoại hạng Anh là Chelsea ngỏ ý có thể sẽ ghé thăm Việt Nam vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8, sau khi đá xong trận cuối cùng trong khuôn khổ ICC Cup tại Singapore vào ngày 29/7, thì tất cả các doanh nhân Việt Nam khi được mời chào đều lắc đầu, nhất là khi con số mà Chelsea yêu cầu là 2,2 triệu EUR++ chứ không phải chỉ dưới 2 triệu EUR như Arsenal hay Man City.

Và bởi vậy, sẽ không quá lời nếu nói rằng Việt Nam xứng đáng được mệnh danh là quốc gia thể thao bí hiểm nhất nhì thế giới!

MỚI - NÓNG