Ngày hen toàn cầu 2014:

Giải pháp cho quản lý hen ở Việt Nam

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
TPO - Các nghiên cứu gần đây cho thấy đã có nhiều biện pháp điều trị rất có hiệu quả cho hen, tuy nhiên các biện pháp kỹ thuật này vẫn còn chưa mang lại kết quả mong đợi cho người bệnh vì những trở ngại cả về phía thầy thuốc và người bệnh. 

Như vậy, vấn đề cần giải quyết ở đây là tính sẵn có và khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ chăm sóc quản lý hen.

Để giải quyết “khoảng trống” ngăn cách giữa các biện pháp chẩn đoán và điều trị sẵn có với khả năng tiếp cận của người bệnh, một mặt cần có giải pháp về tổ chức thực hiện phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta, đó là mô hình quản lý và điều trị các bệnh phổi mạn tính ở các tuyến, mặt khác cần truyền thông hiệu quả để người bệnh và cộng đồng hiểu và thực hành đúng các biện pháp kiểm soát bệnh hen.

Gánh nặng và các thành tựu trong quản lý hen ở Việt Nam

Hen là bệnh dị ứng do rất nhiều nguyên nhân gây nên, bệnh phát sinh ở mọi lứa tuổi, diễn biến lâu dài, có nhiều biến chứng ảnh hưởng đến đời sống và khả năng lao động của người bệnh nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng. Theo báo cáo của WHO, hiện thế giới có khoảng 300 triệu người mắc hen và khoảng 250.000 ca tử vong do hen. Trong những năm gần đây, tỷ lệ hen gia tăng ở nhiều nước, đặc biệt ở khu vực Đông Nam Á trong đó có nước ta.

Thực tế cho thấy chi phi khám chữa bệnh hen phụ thuộc vào mức độ kiểm soát của từng bệnh nhân, liên quan đến các cơn cấp. Các nghiên cứu cho thấy, đa số người hen có thể sống bình thường hoặc gần bình thường và các chi phí trên có thể giảm một nửa nếu người bệnh được phát hiện, điều trị, quản lý và dự phòng đúng hướng. Có thể ngăn ngừa được 70 – 80 % các trường hợp tử vong do hen.

Ước tính cả nước sẽ có khoảng 5 triệu người mắc hen, trong đó khoảng 2,3 triệu người đang cần điều trị để đạt được kiểm soát hen. Như vậy những chi phí gián tiếp cho hen là một gánh nặng không nhỏ với gia đình và xã hội.

Phác đồ GINA đề xuất đã được cụ thể hóa trong “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hen” do Bộ Y tế ban hành năm 2010. Các phác đồ tối ưu, phác đồ thay thế tùy theo từng điều kiện cụ thể, điều trị ban đầu, tăng giảm bước điều trị và khi nào ngừng điều trị cũng đã được hướng dẫn. Tuy nhiên thực tiễn kiểm soát hen trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng cũng vẫn ở một mức rất khiêm tốn. Nói chung mới chỉ có khoảng 5% số bệnh nhân hen được kiểm soát tốt.

Hệ thống y tế: Việt Nam có một hệ thống y tế khá tốt so với các nước cùng mức phát triển kinh tế, bên cạnh tuyến tỉnh, khu vực và Trung ương thì tuyến y tế cơ sở bao gồm tuyến huyện và tuyến xã gắn liền với chăm sóc sức khỏe ban đầu đóng vai trò rất quan trọng.

Hiểu biết về hen của người dân còn rất hạn chế. Khoảng 78% người dân thủ đô được hỏi không biết hen có thể kiểm soát được, 55 % số thầy thuốc cơ sở được hỏi không biết hen được quản lý theo dõi như thế nào. Do vậy, đây là một trở ngại rất lớn cho việc quản lý hen và COPD có hiệu quả ở nước ta.

Với ước tính có khoảng 5 triệu người mắc hen là con số không nhỏ, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước. Với những thành tựu của y học chúng ta có thể điều trị kiểm soát được hen. Tuy nhiên để người bệnh có thể tiếp cận với các biện pháp đó rất cần có những giải pháp hữu hiệu của hệ thống y tế Việt Nam.

Hiện nay, nước ta có một Mạng lưới phòng chống Lao và Bệnh phổi, đầu ngành là Bệnh viện Phổi Trung ương, hầu hết các tỉnh thành đều có Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, tất cả các quận huyện đều có đơn vị chống lao tuyến huyện và các trạm y tế xã đều có cán bộ phụ trách về phòng chống lao. Bệnh viện 71 trung ương, Bệnh viện 74 Trung ương và Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch là các bệnh viện chuyên khoa được giao nhiệm vụ của tuyến trung ương. Bên cạnh đó, các trung tâm dị ứng miễn dịch lâm sàng, hệ thống bệnh viện đa khoa từ trung ương, tỉnh đến huyện sẽ cùng tạo lên một mạng lưới rộng khắp nếu được sử dụng tốt sẽ mang lại một hiệu quả tích cực cho việc quản lý các bệnh phổi mạn tính trong đó có kiểm soát hen.

Về mặt kỹ thuật, Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình chống Lao Quốc gia đã xây dựng hướng dẫn thực hành xử trí tốt bệnh hô hấp bao gồm 4 chuẩn thực hành lâm sàng Hen, COPD, Viêm phổi và Lao. Tại đây, có Đơn vị quản lý bệnh phổi mạn tính chịu trách nhiệm quản lí, tư vấn cho người bệnh, đào tạo và giám sát hỗ trợ các đơn vị quản lý bệnh phổi mạn tính tuyến tỉnh. Bệnh viện cũng đã xây dựng và triển khai thí điểm “Thực hành xử trí tốt bệnh hô hấp - PAL” từ năm 2009, bước đầu đã thu được kết quả tốt, tăng cường năng lực cho tuyến y tế cơ sở bao gồm cả y tế tư nhân, tăng phát hiện lao, quản lý tốt hen, COPD, viêm phổi và giảm tỷ lệ chuyển tuyến trên. Chương trình chống lao quốc gia, Bệnh viện Phổi trung ương đã lập kế hoạch áp dụng rộng rãi “Thực hành xử trí tốt bệnh hô hấp – PAL” trong toàn bộ hệ thống trên toàn quốc để phát huy hiệu quả trong quản lý các bệnh hô hấp nói chung và quản lý bệnh hen nói riêng.

Để tăng cường chương trình truyền thông giáo dục sức khỏe cho người bệnh hen, bệnh viện đã chuẩn hóa mô hình “Câu lạc bộ giữ cho lá phổi khỏe mạnh” dành cho Bệnh nhân Hen và COPD nhằm giúp cho người bệnh trở thành “thầy thuốc của chính mình” để kiểm soát tốt bệnh hen của họ. Mô hình này đã được khuyến cáo áp dụng ở tất cả các tuyến nhằm đem đến những hiểu biết kiến thức về bệnh hen và kỹ năng kiểm soát bệnh hen cho tất cả mọi người.

Hen là bệnh rất phổ biến và gây ra hậu quả nghiêm trọng cho người bệnh, gia đình họ và xã hội. Nghiêm trọng ở chỗ có thể gây tử vong trong chốc lát nếu không được kiểm soát kịp thời, nghiêm trọng còn ở chỗ chi phí cho hen rất cao vì không chỉ là chi phí trực tiếp như thuốc men, nằm viện mà còn chi phí gián tiếp như ngày công nghỉ và người thăm nuôi khi năm viện, … Trong khi hen lại hoàn toàn có thể kiểm soát được, nhiều nhân vật nổi tiếng, nhiều vận động thể thao là những bệnh nhân hen, nhưng bệnh hen đã không thể đẩy lùi cuộc sống của họ, do biết cách kiểm soát bệnh hen, họ đã có thể sống một cuộc sống bình thường, thậm chí còn phi thường nữa (Che Guevara, John F Kenedy, Elisabeth Tay lor, Joanna Zeiger...).

Ngày hen toàn cầu là nhằm truyền thông vận động mọi người cả những nhà hoạch định chính sách, người bệnh, cán bộ y tế và cộng đồng toàn xã hội hiểu biết và thực hành kiểm soát bệnh hen có hiệu quả.

Ngày hen toàn cầu lần thứ nhất được tổ chức năm 1998 với sự tham dự của hơn 35 quốc gia. Cho đến nay, cộng đồng thế giới đã chú ý nhiều hơn những nguy cơ và cách kiểm soát căn bệnh này.

Ở Việt Nam, chủ đề năm nay là “Hen có thể kiểm soát tại cộng đồng” và xác định mục tiêu “giảm 50% hen nằm viện trong 5 năm”.

Đó là giải pháp của chúng ta và là cơ hội cho mỗi người bệnh hen. Người mắc Hen vẫn có thể có cuộc sống hoàn toàn bình thường, có thể vẫn ghi được các kỷ lục thể thao và nhiều kỷ lục khác nếu hiểu biết về hen và có kỹ năng kiểm soát hen. Người bệnh hen hoàn toàn có thể làm được điều đó.

MỚI - NÓNG