Giải mã sức mạnh đội tuyển nữ Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cho đến nay ĐT nữ Mỹ vẫn là thế lực không thể ngăn cản, đã thống trị bóng đá nữ thế giới suốt hai thập kỷ. Vậy tại sao họ lại mạnh đến vậy?

4 năm trước tại World Cup 2019, ĐT nữ Mỹ mở màn bằng chiến thắng 13-0 trước Thái Lan. Thật không ngờ, số lượng lớn các bàn thắng cùng những màn ăn mừng cuồng nhiệt đã dấy lên những lời chỉ trích. Nhiều người nói rằng ĐT nữ Mỹ không biểu thị “sự tôn trọng” dành cho Thái Lan, rằng những màn ăn mừng là “không cần thiết”, “đáng xấu hổ” và “thiếu khiêm tốn”.

Tuy nhiên HLV của Mỹ, Jill Ellis lại đáp trả, “sự tôn trọng cao nhất dành cho đối thủ chính là chơi hết mình”. 13 bàn thắng ghi được chỉ đơn giản là Mỹ quá mạnh. Trên thực tế, họ đã trở thành nhà vô địch giải đấu năm 2019, tái khẳng định World Cup là sân chơi của riêng họ.

Trong 8 kỳ World Cup đã qua, The Stars and Stripes (biệt danh của ĐT nữ Mỹ) vô địch tới 4 lần (1991, 1999, 2015, 2019). Họ cũng 4 lần giành huy chương Vàng Olympic và đăng quang 9/10 kỳ CONCACAF Cup được tổ chức. Không ngạc nhiên khi Mỹ luôn đứng thứ 1 trên BXH FIFA, và vị trí thấp nhất họ từng đứng là thứ hai, điều chỉ xảy ra một lần vào năm 2017.

Trước World Cup 2023, ĐT nữ Mỹ đã chơi 50 trận ở World Cup và thắng 40 trong số đó, đạt tỷ lệ thắng đáng kinh ngạc 80%. Họ chỉ thua 3 trận (không tính luân lưu) và cả 3 đều ở bán kết.

Để khám phá cội nguồn sức mạnh của bóng đá nữ Mỹ cần ngược về quá khứ, nhưng không quá xa. Đó là những năm 1970, khi bóng đá trở nên phổ biến ở xứ cờ hoa, phần vì sự hiện diện của Vua bóng đá Pele trong màu áo New York Cosmos. Môn thể thao này được tất cả đón nhận, không phân biệt giới tính. Đây là điểm khác biệt so với nhiều quốc gia khác. Ở châu Âu, có thời gian phụ nữ bị cấm chơi bóng đá. Hoặc tại Brazil, nơi sản sinh ra vô số danh thủ, bóng đá mặc định dành cho phái nam.

Giải mã sức mạnh đội tuyển nữ Mỹ ảnh 1

ĐT nữ Mỹ trong khoảnh khắc đăng quang World Cup 2019. Ảnh: Getty Images

Ngoài ra, Tiêu đề IX trong bộ luật Hoa Kỳ cũng quy định tài trợ bình đẳng cho các chương trình thể thao nữ, thúc đẩy bóng đá nữ trong đại học khi những nữ cầu thủ ưu tú có thể nhận học bổng toàn phần. Đây là yếu tố giúp thu hút nhiều bé gái chơi bóng, bởi ngay cả khi không còn theo đuổi môn thể thao này vẫn có một tương lai chắc chắn nhờ được hưởng nền giáo dục tốt.

“Dù vào những năm 1970 hay 1980, chưa bao giờ có sự kỳ thị với phụ nữ chơi bóng đá. Không ai trêu chọc các cô gái mặc quần đùi áo cộc lăn lộn trên sân. Các phụ huynh cũng không phản đối, bởi đồng thời với việc theo đuổi đam mê, chúng tôi vẫn có thể vào đại học”, Julie Foudy, cựu tuyển thủ Mỹ từng 2 lần vô địch World Cup nói với Telegraph.

Chức vô địch ở kỳ World Cup nữ đầu tiên được tổ chức vào năm 1991 tiếp tục đưa bóng đá nữ Mỹ lên tầm cao mới, truyền cảm hứng mạnh mẽ, khuyến khích nhiều cô gái chơi bóng hơn nữa. Và trước khi bóng đá nữ châu Âu được chuyên nghiệp hóa, hệ thống các giải đấu của Mỹ đã hoàn thiện từ lâu, trở thành mảnh đất màu mỡ để nuôi dưỡng các tài năng. Rất nhiều thế hệ ngôi sao ra đời, từ Mia Hamm, Michele Akers đến Abby Wambach, Carli Lloyd, Megan Rapinoe rồi Alex Morgan, Sophia Smith.

Theo thời gian, những danh hiệu tiếp nối đã hình thành tâm lý chiến thắng, hay như người ta thường nói, DNA nhà vô địch, ở các cầu thủ Mỹ. Họ ra sân để đánh bại mọi đối thủ và trở thành cỗ máy chiến thắng không ngừng nghỉ. “Không có bí mật nào dẫn tới thành công ngoài việc bạn phải tự tạo ra nó”, ngôi sao Morgan nói.

Quên đi chuyện thắng thua, được đối đầu với đội bóng số một thế giới tại World Cup là cơ hội hiếm có, giúp ĐT nữ Việt Nam trưởng thành thêm. Và rồi chúng ta sẽ sớm tìm phương thức thành công. Như lời Morgan, tự tạo ra nó.

MỚI - NÓNG