Trước đó người ta chỉ biết là hài cốt của Hítle nằm trong tay Liên Xô, nhưng không biết người ta đã giải quyết nó ra sao.
Hai trong số các tài liệu giải mật ghi nhận rằng hài cốt Hítle và vợ y là Eva Braun đã bị khai quật ngày 4/4/1970 tại thành phố Magđenbuốc, CHDC Đức. Ngày hôm sau, 5/4/1970, đã tiến hành việc hỏa táng chúng ở khu vực Senbéc, cách Magđenbuốc 11 km.
Tro và than “đã được trộn tơi với nhau cho đồng nhất rồi thả xuống đoạn sông gần nhất”. Trong biên bản không nói đó là con sông nào, nhưng trong khu vực đó có sông Enbơ.
Người chỉ đạo hồi kết đó của cuộc chiến tranh Thế giới lần thứ hai chính là ông Iuri Anđrôpốv, lúc đó là người đứng đầu KGB (năm 1982, sau khi Brêgiơnev qua đời, ông lên thay làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, nhưng chỉ được một thời gian ngắn thì cũng qua đời vì bị ám sát).
Tất cả bắt đầu vào ngày 2/5/1945, khi đại tá Klimencô – Trưởng ban phản gián SMERSH của Quân đoàn bộ binh số 79 cùng hai người Đức (tên là Lange và Snaiđơ) trong vai trò nhận dạng, đã lập một biên bản trong đó nói rằng vào lúc 17 giờ ngày hôm đó đã phát hiện xác bị thiêu cháy của trùm tuyên truyền phát xít Gơben và xác vợ của y.
Cho đến trước khi những tài liệu trên đây được giải mật, bên cạnh thông tin chính thức rằng Hítle đã tự sát khi Béclin thất thủ, có rất nhiều tin đồn rằng y vẫn còn sống. Có tin nói rằng y trốn sang Nam Mỹ và mãi đến năm 1964 mới chết. Lại có giả thiết y trốn lên Bắc Cực hoặc xuống Nam Cực. Những tài liệu giải mật đã đặt dấu chấm hết cho một tồn nghi không chính thức của Thế chiến thứ hai. |
Trong vòng 2 ngày liền, Hồng quân không tìm được xác của Hítle. Ngày 4/5, “chỉ cách chỗ tìm thấy xác nhà Gơben có vài mét, trong một hố bom gần boong-ke của Hítle đã phát hiện được hai cái xác: một đàn ông, một đàn bà”.
Cả hai cái xác “đều bị cháy biến dạng không thể nhận dạng được nếu không tiến hành những khám nghiệm pháp y cần thiết”.
Cả hai cái xác nằm trong hố bom cách lối vào boong-ke 3 m và được lấp đất.
Hai cái xác được đưa về Ban phản gián SMERSH của Quân đoàn xung kích số 3. Sau khi khám nghiệm pháp y, hai cái xác này được chôn ở khu vực thành phố Bukh.
Tài liệu này được đề “Kho lưu trữ tình báo (Lưu trữ đặc biệt) Điều tra trinh sát vụ Ađônphơ Hitle” Bộ An ninh Quốc gia Liên Xô, Lưu trữ trung ương, APX, số 300919, tập 1, biên bản 10422 (đưa vào lưu trữ giai đoạn 1948-1949).
Trong tài liệu này cũng viết: “Do việc di chuyển điểm đóng của ban phản gián quân đoàn, các tử thi đã được thu và chuyển đến khu vực thành phố Phinôv, sau đó ngày 3/6/1945 đến khu vực thành phố Ratenôv và được chôn lần cuối.
Các tử thi nằm trong các hòm gỗ chôn ở độ sâu 1,7 m; ở góc phía tây của hố huyệt để một cái giỏ có xác hai con chó của Hítle và Eva Braun.
Vị trí của nấm mộ: cách cầu đường sắt 325 m theo đường qua rừng, từ cột đá có số 111 – ở phía đông bắc… đến cột tiếp theo 55 m…
Huyệt được lấp đất ngang bằng miệng. Bên trên huyệt trồng các cây thông nhỏ thành chữ số 111.
Trong vòng một phần tư thế kỷ, Liên Xô giữ bí mật tuyệt đối về những điều trên đây. Đó chính là những năm loang ra tin đồn về cuộc chạy trốn của Hítle đến Nam Mỹ, những năm xảy ra vụ án “Ôđétxa” – mạng lưới giúp bọn trùm quốc xã chạy trốn.
Mátxcơva không bao giờ trả lời bất kỳ câu hỏi nào. Vụ việc về cái thây của Hítle có thể trở thành một thứ bu-mê-răng (loại vũ khí của thổ chân Úc châu, ném đi nếu không trúng đích có thể bay vòng trở về người ném) chính trị đối với chính Liên Xô.
Chính lúc đó, với sự đồng ý của Bộ Chính trị, Iuri Anđrôpôv đã quyết định vĩnh viễn khép lại hồ sơ này. Và giải quyết cái tàn tích khó xử kia đi. Ngày 20/3/1970, Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô thông qua kế hoạch về chiến dịch mang tên “Lưu trữ” của ông.
Chiến dịch này thuộc loại tuyệt mật. 15 ngày sau, nhóm tác chiến dưới sự chỉ huy của đại tá N.G. Kôvalencô - trưởng KGB của đơn vị 92626, đã đến khu vực Vesténđsras, nhà số 36 ở khu quân sự của Liên Xô tại thành phố Magđenbuốc.
Hài cốt của Hítle và Eva Braun được khai quật lên và chở về đây. Đại tá Kôvalencô lập một biên bản duy nhất bằng viết tay để bảo đảm sự bí mật tuyệt đối, chứng nhận về việc khai quật.
Ba trang giấy đánh số từ 1 đến 3, đề ngày 4/4/1970, đầu đề (Biên bản về khai quật hố chôn tội phạm chiến tranh) được viết bằng chữ in hoa, có 53 dòng viết tay trong đó mô tả: “Sau khi vét hết đất, hài cốt được đặt vào các hòm…
Công việc được tiến hành vào đêm rạng sáng ngày 4/4/1970. Hòm đựng hài cốt được các nhân viên đặc nhiệm canh giữ đến sáng ngày 5/4, khi tiến hành sự tiêu hủy”.
Trong một biên bản thứ hai, cũng chỉ có duy nhất một bản để giữ bí mật, dài hai trang, lập cũng bằng viết tay ngày 5/4, chúng ta biết được việc tiêu hủy đã được thực hiện ở khu vực Senbéc và tro được ném xuống sông.
T.V
(Theo các báo Nga)