Giải hạn 'sao xấu': Lành dữ tự mình
Theo quan niệm của người Á Đông, mỗi người sinh ra đều có một vì sao chiếu mệnh. Trong 9 ngôi sao, có sao tốt, có sao xấu... Và để “tiễn” sao xấu, nhiều người hy vọng lễ cúng sao giải hạn sẽ hóa giải mọi rủi ro cho cả năm đó...
Làm lễ... cho yên tâm
Mặc dù, việc cúng sao giải hạn thường diễn ra vào dịp đầu xuân, sau Tết Nguyên đán, song ngay từ tháng chạp trong năm, nhiều người đã chuẩn bị chu đáo. Thông thường, người gặp sao xấu phải làm lễ giải hạn, còn người gặp sao tốt thì làm lễ “nghinh” để đón nhận nhiều may mắn. Muốn làm lễ, mỗi người phải đăng ký trước với nhà chùa, nhà đền hoặc “thầy” cúng mà họ tin tưởng như tên tuổi, địa chỉ... vào tờ sớ và xin lịch ngày giờ cúng.
Cầm tờ giấy ghi danh sách năm sinh của cả gia đình kèm theo chú thích sao chiếu mệnh của từng người, ghi rõ sao xấu, sao tốt, chị Cao Hồng Hạnh, ở phường Đức Giang, quận Long Biên cho hay, cứ trước Tết chị lại đến gặp thầy cúng “ruột” để xem năm đó ai trong gia đình mình gặp sao xấu để giải hạn cho yên tâm. Năm nay, tổng số tiền chị nộp cho “thầy” để làm lễ giải hạn sao cho chồng và 2 con cũng ngót nghét gần 2 triệu đồng.
“Chồng tôi mà biết tôi phải bỏ số tiền lớn như vậy để làm lễ giải hạn sao xấu chắc chắn sẽ không đồng ý, bởi anh ấy cho rằng đây chẳng qua là trò mê tín dị đoan. Tuy nhiên, số tiền này chưa thấm vào đâu, những người có điều kiện kinh tế họ còn làm lễ rình rang, tốn kém hơn thế nhiều. Hơn nữa, “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” nên tôi vẫn năng cầu cúng cho yên tâm...”, chị Hồng Hạnh tâm sự.
Khác với chị Hạnh, chị Phương Thúy, nhân viên một công ty truyền thông than thở, mặc dù bản thân chị chẳng quan tâm sao nào xấu, sao nào đẹp nhưng vì “nể” mẹ chồng nên năm nào chị cũng phải đến nhà thầy cúng mà bà “theo” từ ngày còn con gái để đăng ký giải hạn sao xấu cho cả gia đình. Dù chị đã nhiều lần nói rõ quan điểm của mình với mẹ chồng là không tin vào việc cúng sao giải hạn, nhưng năm nào cũng vậy cứ ra giêng là bà lại bắt các con đi giải hạn khắp nơi, rất mất công sức và thời gian.
Chị Thúy còn cho hay, ngoài số tiền không nhỏ bỏ ra để làm lễ giải sao cho cả gia đình, năm nào chị cũng phải chầu chực làm lễ tại nhà thầy cúng, mất vài tiếng quỳ gối, lầm rầm khấn vái trong căn phòng ngột ngạt khói hương khiến chị cảm thấy như bị tra tấn mà chẳng biết có giải được hạn xấu cho cả năm hay không.
Tuy số tiền làm lễ cúng sao giải hạn không hề nhỏ, dao động từ 100.000 - 500.000 đồng/lễ, thậm chí có nơi lên tới hàng triệu đồng/lễ, chưa kể mua sắm nhiều thứ như đặt hàng mã làm hình nhân thế mạng, mua chim làm lễ phóng sinh... nhưng nhiều người khó bỏ được thói quen này. Không ít gia đình còn làm lễ cúng sao giải hạn khá đặc biệt bằng cách tổ chức tại nhà rồi đón thầy về lập đàn cúng cả ngày, có khi thâu đêm.
Cách đây ít ngày, tối 17-2 (mùng 8 Tết), hàng nghìn người dân đã ngồi tràn ra đường, trước cổng tổ đình Phúc Khánh (Hà Nội) để làm lễ dâng sao giải hạn đầu năm. Kết thúc buổi lễ, cả nghìn người chen lấn xin lộc và xả đầy rác ra đường.
Nhiều người nhận xét, “Phật tại tâm”, nếu có lòng thành thì ở đâu cầu nguyện cũng được, không cần phải ngồi ra giữa đường, làm rối loạn, mất trật tự an toàn giao thông, không văn minh chút nào. Tuy vậy, tại một số chùa ở Hà Nội, đặc biệt là những ngôi chùa lớn, có tiếng linh thiêng, người dân đến làm lễ giải hạn sao xấu khá đông và để có thể giải hạn ở những ngôi chùa này, họ đã phải đăng ký xếp chỗ từ những ngày cuối năm.
Tự tâm giải hạn cho mình
Nhiều người cho biết, việc cúng giải sao xấu có “hiệu nghiệm” hay không chính họ cũng không biết. Xuất phát từ việc một đồn mười, mười đồn trăm, việc cúng giải sao xấu dần lan rộng ra cộng đồng. Và chính những người làm lễ giải hạn sao xấu cũng không biết nó có hiệu quả không mà chỉ làm cho... an tâm. Tuy nhiên sau khi bỏ ra những khoản tiền không nhỏ để làm lễ dâng sao giải hạn, không ít người tỏ ra thất vọng.
Kể lại câu chuyện làm lễ cúng sao giải hạn năm trước, chị Nguyễn Tú Nga, đang công tác tại một trường đại học tâm sự, mặc dù chị đã bỏ ra 2 triệu đồng làm lễ giải hạn sao xấu tại nhà một thầy cúng có tiếng, vậy mà năm vừa rồi chị không những bị mất của, mà còn bị tai nạn phải nằm viện hơn một tháng.
Vì vậy, năm nay chị Nga quyết định bỏ hẳn thói quen làm lễ giải sao xấu như mọi năm, bởi chị Nga lý giải, chính bản thân những người đi giải hạn sao xấu cũng không biết sao nào là sao xấu, tại sao lại là sao xấu và việc sao xấu hay tốt là theo nghiên cứu nào, nên cứ “phật tại tâm” là đủ.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa phương Đông Vũ Đức Huynh, xu hướng người dân đổ đến chùa làm lễ giải sao là không nên, người dân chỉ nên đến chùa lễ Phật và cúng bái tổ tiên tại nhà. Khi biết mình đứng sao xấu thì mỗi người cần cẩn thận hơn và có biện pháp phòng ngừa như đi lại cẩn thận, giữ lời ăn tiếng nói... Không có ngôi sao nào chiếu vào con người mà nhờ đó được phúc lợi hay mang tai họa. Bởi, tất cả họa và phúc mà con người có được đều là do nhân quả của chính người ấy làm nên.
Còn theo sư thầy trụ chì một ngôi chùa ở quận Long Biên, trong nếp sống chung của người Việt, nhiều người lấy việc thờ cúng ông bà tổ tiên là gốc, là tín ngưỡng chính và lấy việc đi lễ đền chùa đình miếu... làm sự thành kính chung trước Trời Đất cùng những đấng siêu nhiên. Lễ cúng sao là một trong những hình thức cúng lễ cầu an đầu năm.
Không ai cấm đoán những ước muốn, nhất là những ước muốn tốt lành. Có điều phải tạo được một nét văn hóa hài hòa trong những hoạt động của ước muốn ấy. Việc đốt mã tốn kém bạc triệu là điều cần phải xem lại. Cả chuyện cúng lễ suốt ngày đêm để âm thanh gây náo động đến hàng xóm, phố phường cũng là điều không nên có...
Con người là một sinh thể động nên việc may rủi, lành dữ là chuyện thường tình. Cho dù mỗi năm mỗi người có gắn với một vì sao xấu tốt nào đó thì cuộc sống của một năm vẫn hoàn toàn lệ thuộc vào cách sống của mỗi người.
Người xưa có câu: “Ở hiền gặp lành”, “Nhân định thắng thiên”,... ở đời có ai suôn sẻ suốt cuộc đời, nhiều người chỉ cúng lễ tại gia, nhưng làm ăn tử tế, sống có trước có sau, thực bụng với mình với người nên phúc lộc vẫn đề huề.
Theo Anninhthudo