DI SẢN MẮC KẸT
“Từ hàng chục năm nay, trong giới mỹ thuật Hà Nội nói chung và người dân Thủ đô vẫn lan truyền câu chuyện có hai bức phù điêu khổng lồ nằm trên bức tường phía sau nhà dạy hình họa của Trường Mỹ thuật Việt Nam, cũng là một ngôi nhà còn sót lại của Trường Mỹ thuật Đông Dương. Đáng tiếc, đoạn phố chạy dọc theo hông trường mỹ thuật này- nơi có bức tường gắn hai bức phù điêu, đã từ lâu bị rào chắn lại. Cư dân quanh trường và sinh viên mỹ thuật vẫn gọi đây là “đoạn phố cấm”. Chỉ những ai đi qua đoạn đường này trước những năm 1960 khi “phố chưa cấm” thì mới có cơ hội trông thấy rõ hai bức phù điêu”, nhà nghiên cứu mỹ thuật TS Phạm Long thông tin.
TS Trần Hậu Yên Thế kể, từ hồi còn học trong trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam và sau này giảng dạy ở đây đều nghe tới hai bức phù điêu quý do thầy trò sinh viên khóa đầu của Trường Mỹ thuật Đông Dương sáng tác. Phù điêu này nằm ở phía sau bức tường tòa nhà hình họa, do Vũ Cao Đàm, George Khánh và Lê Tiến Phúc sáng tác. Đoạn “phố cấm” này chính là đoạn phố Trần Quốc Toản nối ra ngõ Nam Bộ (Lê Duẩn) hiện do Bộ Công an khoanh vùng lại.
Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi từ Paris (Pháp) thông tin rằng trong quá trình tìm hiểu tài liệu do họa sĩ Victor Tardieu để lại, ông biết tới sự có mặt của các bức phù điêu này. Đó là tác phẩm do Trường Mỹ thuật Đông Dương chuẩn bị tham dự triển lãm Thuộc địa Paris 1931 từ năm 1929. Thời gian này dưới sự chỉ đạo của GS Charles-Jean Christian, ba sinh viên thực hiện phù điêu với chiều dài 39m cao 2m để chuẩn bị cho trang trí sảnh lớn của Cung Đông Dương (Palais Indochine) tại Đấu xảo Thuộc địa quốc tế Paris năm 1931.
Nhiều thế hệ học trò, giảng viên trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam chỉ nghe tới bức phù điêu này là bởi nó nằm ở bức tường phía sau tòa nhà hình họa, nay bị “mắc kẹt” do tòa nhà tạm của trụ sở Bộ Công an áp sát. Khoảng cách giữa bức phù điêu và tòa nhà chỉ còn một khe nhỏ, hẹp và lối vào hai bên bị bưng kín. Người dân gần như không bao giờ có cơ hội chiêm ngưỡng tác phẩm hiếm và có giá trị này.
Họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cách đây vài năm từng xin phép Bộ Công an trèo lên mái nhà cấp 4 của Bộ để ghi lại hình ảnh quý về bức phù điêu. Khoảng 3-4 năm trước Bộ Công an phá những ngôi nhà tạm đi, xây dãy nhà cấp 4 như hiện nay nên một số giảng viên, sinh viên của nhà trường được dịp ngắm bức phù điêu.
TRẢ LẠI DI SẢN
Nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ, TS Trần Hậu Yên Thế đánh giá: “Phù điêu là hình thức trang trí kiến trúc, xưa thường thấy ở đình chùa nhưng không có tác phẩm nào có kích cỡ khổng lồ bày ngoài trời như tác phẩm ở trường mỹ thuật. Đây là sản phẩm của điêu khắc hiện đại nhưng lại đậm chất Việt Nam, ngôn ngữ thể hiện đánh dấu bản lề chuyển tiếp từ truyền thống sang hiện đại”.
Bức phù điêu có hoạt cảnh nông nghiệp và ngư nghiệp, vật liệu có vẻ không phải thạch cao mà được dự đoán là vật liệu đổ khuôn. TS Yên Thế nói rằng trong quá trình tham quan một số trường đại học thế giới, chưa thấy tác phẩm điêu khắc ngoài trời nào đạt được quy mô như phù điêu này. Họa sĩ Trần Khánh Chương nói thêm, một trong ba tác giả là Vũ Cao Đàm - họa sĩ nặn tượng Bác Hồ rất đẹp, có công giúp đỡ Bác và đoàn đại biểu Việt Nam sang dự hội nghị Fontainebleu tại Pháp.
Không chỉ có giá trị về mặt tạo hình, tác phẩm ghi dấu ấn của thời mỹ thuật Đông Dương: Tác phẩm khoảng 90 tuổi này gắn liền với sự ra đời của nền mỹ thuật Đông Dương. Việc trả lại di sản có giá trị đang là đòi hỏi bức thiết của giới mỹ thuật.
Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam kể năm 2001 ông trở thành đại biểu Quốc hội, một năm sau Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam có lá đơn nhờ ông chuyển tới Bộ Công an nhờ xem xét giải quyết trả lại không gian cho bức phù điêu. Họa sĩ kể, thời đó Thứ trưởng Nguyễn Khánh Toàn có những động thái tích cực-trước đó bức phù điêu bị nhà che cao hơn, sau có hạ độ cao xuống thấp hơn. Tuy nhiên tới nay, tác phẩm quý vẫn mắc kẹt giữa hai bức tường.
“Tôi cho rằng Bộ Công an cần trả lại con đường thông thoáng cho thành phố, tháo dỡ nhà để người dân có thể đứng từ xa ngắm phù điêu”, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nói. Ông lưu ý, phần nhà cấp bốn của Bộ Công an hiện nay sử dụng theo giấy phép của UBND TP Hà Nội chỉ cho tạm thời sử dụng, cho nên việc trả lại thành phố là điều nên làm. TS Trần Hậu Yên Thế tìm thấy bản sao giấy tờ Thành phố Hà Nội cho Bộ Công an “mượn tạm” khu vực này để làm nhà tạm trong quá trình thi công trụ sở.
Không chỉ mong muốn di sản được sống trong không gian như vốn có, các nhà nghiên cứu mỹ thuật kiến nghị cơ quan chức năng nên đưa vào danh mục kiểm kê, công nhận di sản dựa trên Luật Di sản văn hóa. Hơn nữa, di sản quý hiếm hiện nay còn có cơ hội được bảo vệ đặc biệt khi được Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia.
TS Trần Hậu Yên Thế cho rằng cần bảo tồn nguyên trạng bức phù điêu gắn chặt với tòa nhà hình họa-tòa nhà mang tính biểu tượng của trường mỹ thuật, có giá trị lịch sử và kiến trúc. Nhà nghiên cứu Phạm Long nêu ý kiến, trong trường hợp không bảo tồn nguyên trạng cần đổ khuôn làm phiên bản để đưa vào học tập và nghiên cứu.
Họa sĩ Lê Trí Dũng thảo đơn kiến nghị gửi UBND TP Hà Nội xung quanh bức phù điêu thời Mỹ thuật Đông Dương. Trong đơn kiến nghị, họa sĩ Lê Trí Dũng đề nghị UBND TP Hà Nội và Bộ Công an giải phóng mặt bằng, trả lại đoạn phố Trần Quốc Toản cũ từ đầu tiếp giáp phố Yết Kiêu tới đầu tiếp giáp Lê Duẩn. Ông cũng đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp phục dựng lại đoạn phố này mang tên Victor Tardieu - Hiệu trưởng đầu tiên của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, tiền thân trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam.