Giải bài toán ảo nguyện vọng 2

Giải bài toán ảo nguyện vọng 2
TP - Tùy theo trường tính thời điểm dừng nhận đơn xét tuyển nguyện vọng bổ sung lần 2 (NV2), nhưng nhìn chung các trường dừng lại ở ngày 9 hoặc 10/9 cho việc quyết định điểm tuyển lần này.

> Điểm trúng tuyển nguyện vọng 2 sẽ cao?
> Nguyện vọng 2: 'bội thu' hồ sơ, có ngành 42 chọn 1

Khá nhiều trường được hỏi cho rằng sẽ không tuyển thêm NV3 vì đó là số thí sinh “không thật sự tha thiết học” - theo lời ông Phan Huy Phú, Hiệu trưởng trường ĐH Thăng Long.

Trường tốp đầu dễ tuyển

Ông Nguyễn Văn Trào, Phó hiệu trưởng trường ĐHSP Hà Nội cho biết: Năm nay trường ĐHSP Hà Nội nhận được nhiều đơn xin xét tuyển NV2 và điểm thí sinh xin xét tuyển khá cao khiến cho điểm chuẩn được gọi học cũng tương đối cao.

Trường này sẽ đợi khoảng 2-3 ngày để chờ số đơn xin xét tuyển của thí sinh gửi qua đường bưu điện và gọi nhập học. Tuy không dám chắc số thí sinh thực nhập học là bao nhiêu nhưng ông Trào nhận định ít có khả năng trường này sẽ phải tuyển NV3.

Ông Nguyễn Hội Nghĩa, Phó GĐ ĐHQG TPHCM cho hay, trường thành viên ĐHKH Xã hội và Nhân văn nhận 350-400 thí sinh NV2 nhưng đã nhận được số đơn cao hơn gần 4 lần chỉ tiêu.

Theo ông Nghĩa, do điểm năm nay cao nên các trường công ở TPHCM có điều kiện tuyển rất tốt. Ông Nghĩa dẫn ví dụ về trường ĐHKH Tự nhiên: mọi năm trường này gọi nhiều thí sinh nhưng có ít người đến học và năm nay, ngược lại gọi ít thì lại có nhiều thí sinh đến học và đang... không biết tính sao! Những nguyên nhân khác tác động khiến năm nay số thí sinh vào học các ngành khoa học cơ bản ở ĐHKH Tự nhiên và ĐHKH Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TPHCM), theo ông Nghĩa, là: năm nay Bộ siết chặt một số lĩnh vực ngành nghề hot cũng như siết lại chỉ tiêu dựa trên năng lực của các trường.

Phải dùng thuật toán để giải bài toán ... ảo!

Đó là lời khẳng định của ông Lê Hữu Lập, Phó Giám đốc Học viện Bưu chính viễn thông. Học viện này tuyển bổ sung 1.600 chỉ tiêu ĐH và 400 chỉ tiêu CĐ ở cả 2 cơ sở và đã nhận được khoảng 12.000 đơn, tính đến 17 giờ chiều ngày 9/9. Ông Lập nói: Mặc dù nhận được nhiều hồ sơ dự tuyển nhưng không thấy... sướng mà còn đau cả đầu. Số là, năm nay mỗi thí sinh được phát 3 giấy chứng nhận kết quả (năm ngoái chỉ có 2 giấy) khiến hệ số ảo lên đến 1,5 lần.

Việc này khiến trường chật vật trong việc tính toán gọi bao nhiêu là vừa, nếu gọi ít thí sinh không đến đủ cũng chết; gọi nhiều, thí sinh đến quá cũng “chết” vì bị phạt. Ông Lập cho biết ông đang phải dụng đến thuật toán để giải bài toán ảo trong sự lo lắng: nhiều đơn xét tuyển NV2 thế nhưng chưa biết chừng, có khi phải gọi bổ sung NV3 thêm một lần nữa!

ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội phát ra 2.800 giấy gọi học theo NV1 nhưng chỉ có 1.800 người đến học. Ông Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng nhà trường bối rối thốt ra: thí sinh biến đâu chả rõ! Ông Hóa nói: việc đạt chỉ tiêu là khó vì thí sinh chỉ đến khoảng 40-45 %.

Năm nay, theo ông Hóa, tình hình tuyển sinh còn khó khăn hơn năm trước: đỗ vào trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ nhưng một số thí sinh trúng tuyển lại chọn nhập học tại trường ĐH địa phương vì lý do kinh tế trong khi chỉ tiêu các trường địa phương năm nay tăng; thêm vào đó, ngay các trường công lập cũng lấy NV2 bằng hoặc nhỉnh hơn điểm sàn chút ít. Điều này, theo ông Hóa, sẽ khiến không ít trường lao đao.

Trả lời cho câu hỏi: liệu có khả năng tuyển đủ không, ông Hóa nói: “chúng tôi đang nghiên cứu, chưa biết thế nào mà trả lời” mặc dù tổng số sinh viên của trường này hiện nay là 37.000 người.

Một trường ĐH ngoài công lập khá ổn định về tuyển sinh và chất lượng trong nhiều năm, năm nay cũng phải vận dụng đến phép “gọi dần” – gọi một số lượng, nghe ngóng người đến học để sau đó gọi tiếp mặc dù trường này nhận được 3.500 đơn xét tuyển và chỉ tuyển 1.500 chỉ tiêu. Điều này cho thấy, trường nào cũng sợ ảo, như ông Phan Huy Phú, HT ĐH Thăng Long nói: đến lúc thí sinh nhập học thật mới biết thực hư thế nào.

Tháo khoán?

Ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh doanh Công nghệ cho rằng, Bộ GD&ĐT nên cho phép đào tạo đại học đại trà và phân cấp cho các trường tự tuyển sinh vì con số 360.000 thí sinh trượt ĐH, không muốn vào CĐ do muốn học lên thì 3 năm sau mới được thi khi đã nhiều tuổi. Số 360.000 thí sinh trượt này có thể phân vào học ở hệ thống khổng lồ hơn 450 trường ĐH, CĐ hiện nay nên được xem là một giải pháp trong hiện tại, ông Hóa nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.