Giấc mơ xuất ngoại của cầu thủ Việt

Quang Hải hiện thu hút được nhiều sự chú ý từ nước ngoài sau 2 giải đấu thành công tại U23 châu Á và Asiad 2018. Ảnh: VSI.
Quang Hải hiện thu hút được nhiều sự chú ý từ nước ngoài sau 2 giải đấu thành công tại U23 châu Á và Asiad 2018. Ảnh: VSI.
TP - Những khoản chuyển nhượng được rao tới 3 hay 5 triệu USD đôi khi chỉ là câu chuyện làm quà, cho dù tiềm năng xuất ngoại để chơi bóng của cầu thủ Việt Nam không hẳn là không có.

Lâu lâu, giới bóng đá Việt lại xôn xao trước những thông tin về việc đội A ở Nhật Bản hay đội B ở…Qatar đang ngắm một cầu thủ nào đó ở V-League. Gần đây nhất là trường hợp của tiền đạo Quang Hải (CLB Hà Nội). Chân sút quê Thái Bình đang trở thành gương mặt thu hút nhiều sự chú ý, sau khi toả sáng ở 2 giải đấu trẻ cấp châu lục, VCK U23 châu Á 2018 (Trung Quốc) và Asiad 2018 (Indonesia).

Ngoại hình khiêm tốn nhưng bù lại, Quang Hải được đánh giá cao ở kỹ thuật và đặc biệt là tư duy chơi bóng. Nhiều chuyên gia, trong đó có thầy cũ của Quang Hải ở CLB Hà Nội, HLV Phan Thanh Hùng đều đánh giá rất cao khả năng chơi bóng của anh.

Sau Asiad 2018, nhiều nguồn tin nói CLB Hà Nội đã nhận được đề nghị từ một số đội bóng nước ngoài để có chữ ký của Quang Hải. Thái Lan có, Nhật Bản có, và thậm chí Argentina cũng có. Tuy nhiên, đội bóng thủ đô một mực từ chối với lý do Quang Hải đang cần cho đội. Giá trị chuyển nhượng của Quang Hải như các nguồn tin bắn đi, lên tới vài triệu USD.

Thực ra nếu theo dõi bóng đá Việt Nam lâu năm, những thông tin kiểu như vậy không hề lạ lẫm. Một giai đoạn trước, nhiều cầu thủ HAGL đã được đưa lên bàn cân để “mổ xẻ”, xem giá trị sẽ đạt bao nhiêu nếu bán cho các đội bóng nước ngoài. Công Phượng có lúc được nêu giá tới 4 triệu USD. Nếu làm một phép so sánh thì số tiền này thậm chí cao hơn nhiều những ngôi sao trẻ đang thi đấu ở châu Âu.

Nhiều cầu thủ HAGL sau đó ra nước ngoài thi đấu thật. Công Phượng đầu quân cho Mito Hollyhock, Tuấn Anh tới Yakohama, 2 đội bóng ở Nhật Bản. Xuân Trường ký hợp đồng với Incheon United ở K-League rồi sau đó tiếp tục khoác áo 1 đội bóng khác ở giải đấu cao nhất Hàn Quốc, Gangwon United.

Xa hơn về trước, Lê Công Vinh là cầu thủ được chơi bóng ở nước ngoài nhiều nhất khi từng đầu quân cho Leixoes (Bồ Đào Nha) rồi tới Consadole Sapporo (Nhật Bản). Hầu hết đều chung nhận định, chuyến “học việc” ở Bồ Đào Nha thông qua sự hỗ trợ của HLV H.Calisto đã giúp Công Vinh vỡ ra nhiều điều, trở nên chuyên nghiệp hơn. Tiền đạo gốc Nghệ có lẽ cũng là người thành công nhất khi chơi bóng ở nước ngoài. Cũng có thể kể đến hợp đồng ngắn hạn của cựu tiền đạo Lê Huỳnh Đức với 1 đội bóng Trung Quốc.

Tuy nhiên, về cơ bản hầu hết các cầu thủ Việt Nam khi ra nước ngoài đều chỉ sắm vai dự bị. Về mặt chuyên môn, dù xuất sắc ở Việt Nam nhưng khi qua Nhật Bản hoặc Hàn Quốc, những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh…đều lép vế so với những đồng nghiệp nước ngoài khác.

Quang Hải có thể là một cầu thủ tiềm năng, nhưng về chuyên môn bóng đá đơn thuần, có lẽ cầu thủ quê Thái Bình chưa thể sánh ngang với nhiều “đàn anh” đi trước. CLB Hà Nội rõ ràng có lý khi biết giữ cho đôi chân cầu thủ của mình trên mặt đất. Chưa bàn đến chuyên môn, chỉ nội những vấn đề ngoài cuộc sống hàng ngày ở nước ngoài cũng đã là một rào cản lớn với cầu thủ Việt Nam. Đơn cử như ngoại ngữ, hầu hết cầu thủ Việt Nam đều không biết nói tiếng Anh. HAGL là một ngoại lệ mà Lương Xuân Trường là điển hình khi có thể nói chuyện tiếng Anh rất trôi chảy, đủ để hoà nhập với môi trường nước ngoài. HLV Steve Darby, vốn thông hiểu bóng đá Việt Nam và Đông Nam Á, mới đây đã ý nhị cho rằng để xuất ngoại thì trước hết, Quang Hải cần trau dồi về ngoại ngữ. Đây là một lời khuyên không thừa với tiền đạo Hà Nội, cũng như phần còn lại của bóng đá Việt Nam.

Thực ra nếu loại bỏ yếu tố chuyên môn, nhiều cầu thủ Việt Nam vẫn có giá với nước ngoài, nhưng đó là ở khía cạnh thương mại. Một quốc gia hơn 90 triệu dân với lực lượng người hâm mộ đông đảo, thì những Công Phượng, Xuân Trường, Quang Hải, Duy Mạnh…chắc chắn là cầu nối tốt để các doanh nghiệp nước ngoài mở rộng thị trường.

MỚI - NÓNG