Giấc mơ tái sinh của Văn Quyến

Giấc mơ tái sinh của Văn Quyến
“Đời cầu thủ được sinh ra 2 lần và cũng chết đi 2 lần. Tôi được sinh ra lần thứ 2 khi đến với bóng đá và thành danh, song khi tôi treo giày thì tôi cũng đá tiêu phí cái chết đầu…”.
Giấc mơ tái sinh của Văn Quyến ảnh 1

Bây giờ là Quyến tiêu cực, đâu còn là Quyến ngày xưa nữa. Ảnh: Quang Minh

Quyến đã cười khi tác giả nhắc lại lời một cựu danh thủ bóng đá thế giới. Quyến nói rằng nó đã được sinh 2 lần, và đang ước mong được sinh ra lần thứ ba, để trở về với bóng đá.

Tôi gặp Quyến vào ngày mà đúng một năm trước đã diễn ra sự kiện gây chấn động dư luận xã hội: Quyến bị bắt tạm giam vì tiêu cực. 20/12/2005, ngày mà Quyến thú nhận là "suốt đời không bao giờ có thể quên được".

Quyến vẫn thế, nói chuyện cộc lốc, ít nhìn vào mắt người đối diện và những câu trả lời nhát gừng giống như muốn kết thúc câu chuyện sớm nhất có thể. Nhưng chân tình, cởi mở hơn.

"Bây giờ cũng quen với ý nghĩ mình là một người sắp bị ra tòa. Anh đang nói chuyện với một cầu thủ sắp bị kết án chứ đâu còn là Quyến nữa", giọng Quyến chua chát.

Quyến buồn buồn khi thấy tôi kể rằng dù bao chuyện xảy ra, nhiều người vẫn không quên và rất quan tâm đến cái tên Văn Quyến. "Thì đây, ngày nào em chẳng nhận được cả chục cú điện thoại và tin nhắn hỏi thăm, động viên của anh em bạn bè. Nhiều người chẳng biết ở đâu cũng có số và gọi động viên".

Ngồi với Quyến, trung bình cứ 5 phút lại có một tin báo chuông nhắn và liên tục điện thoại reo. Không phải cuộc điện thoại nào Quyến cũng nhấc máy. Nhìn cái điện thoại, Quyến kể: "Có quãng thời gian, em cứ ngồi quán và nhắn tin từ chiều đến tối. Nhắn tin mà cũng hết ngày, buồn cười thật...".

Giấc mơ tái sinh của Văn Quyến ảnh 2

Ân hận lớn nhất đời Quyến là việc ông ngoại mất, một phần do mình dính vào tiêu cực. Ảnh: Quang Minh

Quyến kể khá nhiều chuyện và thực sự khiến tôi bất ngờ. Một năm kể từ sau ngày bị bắt được Quyến chia ra làm 3 giai đoạn. 4 tháng trong trại giam với những ngày mất ăn mất ngủ vì hoảng sợ, nhưng cũng có giai đoạn cứ đặt lưng là ngủ bởi đầu óc mệt mỏi quá.

Mấy tháng đầu mới ra trại, giai đoạn mà Quyến thú nhận là mất phương hướng và sống chẳng suy tính gì. Rồi "cuộc sống bình thường" cũng trở lại, với cột mốc kể từ khi đi tập cùng đội U-21. 

Quyến nhắc lại chuyện ở SEA Games 23 với sự e ngại và ngượng ngùng. Rồi Quyến trầm ngâm khi nhắc đến "đàn anh" Quốc Vượng. "Em đâu thiếu tiền. Không bao giờ em đánh đổi 20 triệu để lấy sự cay đắng thế này".

Tình thế khi đó của anh Vượng khiến em không có lựa chọn và thấy rằng "làm" trận Myanmar cũng được. Không ai ép, em chủ động gật đầu và có lẽ, đó là cái số. Giống như là cái giá phải trả vậy!". 

Ngay sau ngày rời khỏi trại giam, vào tuần cuối tháng 4/2006, Quyến đã đến trình diện và xin phép được tập cùng đội, nhưng không được chấp nhận.

Mọi chuyện đã không diễn ra như Quyến mơ ước. Những người lớn khuyên em nên dành nhiều hơn thời gian cho mẹ và tự tập ở nhà trước khi có quyết định chính thức của Cơ quan điều tra.

Ở Pjico SLNA, lãnh đạo muốn lấy Quyến làm một tấm gương cho tất cả nhìn vào. Họ không bỏ rơi, nhưng muốn Quyến tự phấn đấu và chiến đấu cho chính bản thân mình, từ những chuyện nhỏ nhất.

Quyến rất thất vọng. Nhưng rồi khi nhìn lại, nó hiểu vấn đề. "Đội bóng nào cũng có kỷ luật. Em dính tiêu cực thì không thể được tập ở đội 1 và phải chấp nhận thôi".

Đó là những ngày tháng mà chính Quyến cũng muốn lãng quên. Tôi biết điều đó và biết quãng ngày tháng bất cần của Quyến. Một lần vào Vinh làm V-League 2006, tôi đã nghe một HLV đội trẻ than thở.

"Thằng Quyến mất phương hướng rồi. Ai cũng biết nó cần một người lớn ở bên cạnh, nhưng làm gì có ai đủ gần gũi và thân thiết để ở cạnh nó".

Giấc mơ tái sinh của Văn Quyến ảnh 3

Những nụ cười như thế này, mãi mới xuất hiện trên khuôn mặt "thằng Béo". Ảnh: Quang Minh

Những ngày đầu chưa được ăn tập trở lại, Quyến thường lui tới góc phố quen thuộc “Số Đỏ”, nơi có vô số những bàn billiards & snocker, thú vui lớn nhất sau bóng đá của Quyến.

Nói chung, đó là chỗ ăn chơi xa xỉ bậc nhất Vinh mà tôi biết đến khi đi cùng Quyến và những người bạn anh ta. Vẫn thế, vẫn vẻ bất cần kiểu “đại bàng”, vẫn điếu thuốc 555 trên môi, vẫn điện thoại đẹp và những tờ bạc mệnh giá cao.

Còn tiền và buồn chán, Quyến không bỏ được thói quen tiêu tiền vung tay. Quyến đã sống như thằng bỏ đi như thế, trước khi lãnh đạo đội cho phép tập trở lại cùng đội U-21.

Quyến theo tập cùng đội U-21 từ tháng 7. Không ai ép buộc cả, Quyến muốn tập thì tập, thích thì nghỉ. Phải mất một thời gian thì mới tự nguyện tập luyện thường xuyên. Do đội U-21 chỉ tập buổi chiều nên chứ đến giờ, Quyến tự động chạy xe từ nhà lên tập rồi về.

Tập luyện dù chầm chừng nhưng ít nhất cũng được chơi cho đỡ thèm. Thêm nữa, nó bắt đầu ý thức được mình và dần chán các cuộc chơi. "Ai cũng có công việc của mình, đồng đội thì đi đội tuyển, luyện tập hết. Nhiều lúc cũng thấy tủi thân thật".

Bây giờ , Quyến chỉ giữ thói quen hút mỗi ngày một bao thuốc. Nhậu nhẹt, tụ tập bạn bè cũng ít dần đi, thậm chí có đi vũ trường thì cũng chỉ 10 - 11 giờ là tự bỏ về. Một tiến bộ lớn so với chính Quyến.

Để giết bớt thời gian trống, Quyến tham gia đội bóng của các giảng viên Trường Đại học sư phạm Vinh và gần như ngày nào cũng có một "sô" đá phủi cho đội này, đội kia.

Giấc mơ tái sinh của Văn Quyến ảnh 4

Vẫn con đường đồng cũ, nhưng thằng Quyến chăn trâu ngày nào giờ đã không còn. Ảnh: Quang Minh

Nhìn lại một năm "đáng quên và chẳng muốn nhớ cái gì cả", Quyến kết luận. "Em muốn được đá bóng trở lại và ý thức rằng mình phải chứng minh cho những người xung quanh thấy khát khao đó là thật chứ không phải nói miệng. Nhiều người khuyên em phải tập luyện để duy trì. Cũng đúng thôi, chẳng ai có thể giúp mình được nếu bản thân cứ buông xuôi".

Đúng là thời gian gần đây, Quyến chăm và có ý thức thật. Tôi rủ đi làm mấy ly, Quyến nhận lời nhưng giao hẹn trước: "Em uống chút, nhưng chỉ vài cốc bia thôi. Mai đội U-21 đá tập rồi".

Mấy đồng đội của Quyến ở đội bóng chân đất cũng kể rằng "thằng Béo thay đổi cũng nhanh, giờ đá bóng xong nó chỉ ngồi với anh em một lúc là biến".

Hôm 21/1 vào TPHCM chuẩn bị cho phiên xử, Quyến và mẹ làm cơm cúng tổ tiên. Hai mẹ con ra mộ ông ngoại thắp hương, cầu ông phù hộ đứa cháu tai qua nạn khỏi để một ngày lại được trở lại với bóng đá.

Ngày mai, 25/1, phiên toà xử Quyến và các đồng đội sẽ được tổ chức. Mức án sẽ được đưa ra, rồi kỷ luật của LĐBĐVN và tương lai, cuộc đời của Cậu bé Vàng ngày nào sẽ được phán quyết.

Quyến nói rằng nó đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc phải đối diện với pháp luật cũng như án treo giò của LĐBĐVN. Nhưng Quyến không tin sẽ phải vĩnh viễn rời xa sân cỏ.

Cuộc đời bóng đá của Quyến mới có chưa đầy 5 năm trọn vẹn. 5 năm đủ để Quyến lên đến đỉnh cao, rồi rơi xuống bùn sâu. Quyến đã có tất cả, rồi tự rũ bỏ tất cả. Bây giờ, Quyến lại mơ giấc mơ bé thơ ngày nào.

Không biết ngày mai, Quyến liệu có được cơ hội để được sinh ra lần thứ ba hay không?

Theo VTC

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.