Giấc mơ không qua đi

Giấc mơ không qua đi
TP - Đêm qua, tôi mơ thấy mình qua cơn bạo bệnh

> Báo lá cải ai nuôi mà sống khỏe?
> Tiệc Phẩm

Bước sải dài trên cát bụi triền sông

Hồn thả trôi ra hương ngọt cánh đồng

Môi gẩy khúc điệu gì vui quá đỗi...

Mỗi khi nói chuyện với Dũng, một người bạn đặc biệt, tôi luôn xúc động. Điều rất chung là chúng tôi suốt thời gian dài cứ gặp một giấc mơ trở đi trở lại, trường hợp tôi là cố gắng đền bù và Dũng là một vết thương đặc biệt.

Dũng cứ mơ là lại thấy thứ ánh sáng chói lòa rồi chuyển dần sang đỏ, rồi đỏ bầm. Dũng đã bị trái Z2 hất tung vào chạng vạng tối trên khu rừng khộp thuộc huyện Chep, lúc đang thông đường cho tổng đài trinh sát hồi tham gia quân tình nguyện ở Campuchia. Anh còn sống là một điều khó giải thích. Buổi chiều định mệnh ấy, tiếng nổ xé trời ấy đã choáng hết đầu óc anh, mỗi lần ánh lửa sáng lòa hiện ra anh lại giật mình hốt hoảng, ú ớ.

Mỗi lần nghe tiếng ồn xung quanh, ánh lửa ấy lại hiện ra, lại ú ớ, hốt hoảng. Lúc thức, lúc ngủ, anh đều thấy nó sáng lòa, đanh lạnh, anh thấy máu lai láng, máu vọt từng vòi lớn, máu đầm đìa da thịt, cỏ cây, đất cát. Anh chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần. Anh từng ước sao những đớn đau chấm dứt thật nhanh. Biết bao lần anh cố lăn người bứt hết ống thở, dây chuyền ra khỏi người trong cơn cuồng điên đòi kết thúc.

Thế mà Dũng đã sống. Dũng chợt ham sống, chợt khát khao được sống nhờ vào tình yêu. Người bạn thương binh đặc biệt của tôi mù hai mắt, cụt tay trái, cụt chân trái, chân phải teo tóp đầy vết sẹo bỏng, tay phải chỉ còn hai ngón dị dạng, thiếu đi gần hết những gì cần thiết mà tạo hóa ban cho con người... Vậy mà tình yêu như một thứ ánh sáng kỳ diệu đã rọi vào, tái sinh cuộc đời Dũng.

Mỹ Ngôn, sinh năm Giáp Thìn, là con mồ côi được nhà sư đem về nuôi ở chùa Ngọc Linh. Từ khi biết suy nghĩ, tâm hồn Ngôn đã mang nặng sự hàm ơn cuộc đời, luôn đau đáu mong được giúp đỡ những mảnh đời khổ đau. Chùa Ngọc Linh gần khu điều dưỡng, ngày nào Ngôn cũng sang giúp đỡ, an ủi thương binh. Giữa một trưa hè cách đây 25 năm, Ngôn bàng hoàng thấy trên giường bệnh binh có một hình hài biết cử động. Ngôn rùng mình thương cảm, đã quay đi lau nước mắt mấy bận.

Rồi như duyên tiền định, trong khi giúp y tá lau chùi nước vàng, máu me, thay băng, nâng đỡ, ủi an cho Dũng, Ngôn luôn cảm giác người này sao mà gần gũi thân thiết với mình đến vậy, một cảm giác không sao giải thích được. Ngôn để ý, mừng quýnh với từng cái khẽ động của đôi mắt đầy băng bông ấy, mừng đến chảy nước mắt khi thấy những tín hiệu da non đang phục hồi, chỗ này đã hết dòi, chỗ kia bớt rỉ máu, những vết thương đang dần lành miệng. Mỗi khi đến muộn thấy Dũng xoay xoay, ngong ngóng ra ngoài cửa là Ngôn cứ đứng chết lặng, nước mắt thương yêu giàn giụa trên má...

Cuối năm 1987, đám cưới của Dũng và Mỹ Ngôn do chính giám đốc khu điều dưỡng đứng ra làm chủ hôn.

Hai mươi sáu năm trôi đi không dễ dàng gì trên một phận người, thế mà nhìn nụ cười của Dũng khi say sưa bình luận bóng đá Euro sau mỗi chương trình tường thuật trên radio, tôi cứ ngỡ mọi thứ rồi cũng dịu xuống, cũng lắng đi. Không ngờ sáng nay, Dũng lại khóc nức nở. Tôi vô tình nói với Dũng về những ray rứt đến mức giấc mơ của tôi cứ lặp đi lặp lại một vài hình ảnh quê nhà. Dũng bỗng òa lên và xác nhận mình cố giấu vì những người thân yêu của mình nhưng chưa có đêm nào anh không thấy cái ánh sáng chói lòa ấy, rồi chuyển sang đỏ, rồi đỏ bầm... Chưa bao giờ.

Hình ảnh trong giấc mơ lặp đi lặp lại gói ghém tâm trí người nằm mơ, dường như hình ảnh trong giấc mơ của chúng tôi đã khắc được một cực điểm nào đó trong suốt cuộc đời người. Và nguồn gốc những hình ảnh được lưu lâu nhất trong tôi và Dũng, đáng tiếc lại là những vết thương, những vết thương của tâm hồn và của cả thân xác. Có lẽ với mọi người cũng vậy, phải không?!

Tạp văn của
Nguyễn Hiệp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG