Quanh Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi):

Giấc mơ điền chủ, vì sao thất bại?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Luật Đất đai (sửa đổi) coi hạn điền trong sản xuất nông nghiệp là một vấn đề cần tháo gỡ, thúc đẩy. Phát triển thị trường đất đai như thị trường quyền tài sản, mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp đang là yêu cầu đặt ra tại ĐBSCL bởi những cánh đồng thẳng cánh cò bay nơi đây vẫn trong tình trạng manh mún, nhỏ lẻ của từng nông hộ...

Bài 1: Buồn, vui trên quê hương Bộ trưởng NN&PTNT

Gần 7 năm trước, Tiền Phong có bài “Mơ nghìn héc ta làm cho đã” viết về ông Huỳnh Thanh Thấm, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Ðức Huệ (huyện Tháp Mười, Ðồng Tháp). Thời điểm đó, ông có trong tay 260 ha và mơ được nghìn héc ta đất để “làm cho đã”. Tuy nhiên ước mơ trở thành điền chủ có nhiều ruộng để làm ăn lớn đã thất bại.

Giấc mơ điền chủ, vì sao thất bại? ảnh 1

Ông Thấm trước máy gặt liên hợp (lúc còn Giám đốc HTX). Ảnh: Hòa Hội

Ý tưởng làm ăn lớn từ Bộ trưởng Nông nghiệp

Đầu tháng 8/2022, phóng viên Tiền Phong đến nhà ông Huỳnh Thanh Thấm, 45 tuổi, ở ấp Mỹ Phước 2, xã Mỹ Quý (Tháp Mười). Gặp lại sau gần 7 năm, ông vẫn ốm nhom. Ông Thấm kể, cơ duyên khiến ông đang làm Phó Ban Trị sự chùa Hưng Phước Tự ở xã Mỹ Quý, nhưng lại trở thành điền chủ lớn bậc nhất ĐBSCL thời điểm ấy. Đó là, cuối năm 2013, tại buổi sơ kết một năm Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Hoan (nay là Bộ trưởng Bộ NN&PTNT) nói: “Ở đây toàn nghe báo cáo lời lỗ, xin hỗ trợ, khó khăn mà không ông nào nói bài toán chắt chiu để giảm giá thành hay liên kết giúp nông dân cho đỡ khổ”. Nghe thế, về nhà ông trăn trở suy nghĩ.

Khi đó, Hợp tác xã (HTX) Đức Huệ mới thành lập được 5 tháng, chỉ làm dịch vụ cày xới với 15 thành viên. Sau khi nghe lời phát biểu gợi mở của lãnh đạo tỉnh, ông Thấm suy nghĩ, làm sao có diện tích lớn để HTX làm hết tất cả các khâu nhằm giảm giá thành. Sau nhiều ngày đêm trăn trở, ông nảy ra ý tưởng thuê đất của nông dân trong xã để có cánh đồng lớn. Nông dân cũng đã cho thuê đất, hàng năm trả tiền hoặc lúa, ông thấy nếu HTX thuê giá cao hơn thì sẽ gom được nhiều và tính toán sản xuất giảm giá thành vẫn có hiệu quả.

Ông Thấm phân tích, khi đem đất cho HTX thuê, nông dân không cần phải ra đồng mà vẫn có lời nhiều hơn tự làm. Trong lúc, họ có thời gian làm công việc khác nâng cao thu nhập. Còn HTX có diện tích lớn để thực hiện cơ giới hóa đồng bộ, áp dụng khoa học kỹ thuật nên giảm giá thành, tăng lợi nhuận. Đặc biệt là cánh đồng lớn, làm ra hạt lúa có chất lượng sẽ thu hút doanh nghiệp tham gia vào.

Tin tưởng vào tương lai mở rộng sản xuất, sang năm 2016 ông bắt đầu xây dựng thương hiệu lúa sạch, đồng thời, làm thử nghiệm 10ha hoa màu theo tiêu chuẩn VietGAP để đa dạng hóa nông sản, nâng cao thu nhập hơn nữa. Ông bộc bạch, mấu chốt thành công là tổ chức làm ăn bài bản cho nông dân thấy được quyền và lợi ích rõ ràng. Khi làm ăn bài bản, chính quyền cũng hỗ trợ. Đó là hỗ trợ 50% lãi suất vay vốn mở rộng diện tích, san bằng đồng ruộng trong 3 năm. “Lúc đó Bộ trưởng vào thăm, nói gạo đạt chất lượng vào thị trường châu Âu khiến tôi mừng vô cùng”, ông Thấm nhớ lại.

Vì sao thất bại?

Ông Thấm cho biết, ước mơ, khát vọng làm ăn lớn nhưng thất bại. “Cuối năm 2017 sang đầu 2018 HTX đã có trong tay trên 500 ha, chưa kể đã liên kết được trên 1.200 ha. Tuy nhiên, thời điểm đó, dịch bệnh mất mùa cùng với nhiều yếu tố khác nữa nên trụ không nổi, đến cuối 2018 HTX chính thức giải tán trong lặng lẽ”, ông Thấm bộc bạch.

Nói về nguyên nhân thất bại, ông Thấm kể, thời điểm đó, thị trường thuê đất chưa phát triển, người có nhu cầu thuê đất để làm ăn lớn thì khó tiếp cận, còn người mua đất để đầu tư bán lại thì nhiều, đẩy giá lên cao nên muốn thuê để mở rộng sản xuất không cách nào khác HTX phải thuê với giá cao, có khi lên gấp đôi.

Ngoài ra, cuối 2017, thời điểm HTX tự thuê 500 ha, và liên kết tiêu thụ trên 1.200 ha, nên cò thu mua lúa xúm lại “giết”. “Lúc đó dân theo HTX nhiều, nếu mình càng mở rộng thì “cò” không còn nhiều đất sống. Hơn nữa, năm đó không may bị thiên tai, vàng lùn mất mùa”, ông Thấm chia sẻ.

Giấc mơ điền chủ, vì sao thất bại? ảnh 2
Ông Huỳnh Thanh Thấm trao đổi với phóng viên

Ông phân tích, khi lúa gần chín, còn tầm 10 ngày gặt thì mới chốt giá với nông dân, khi mình chuẩn bị chốt giá thì “cò” sẵn sàng nhảy vào mua vài chục công với giá cao hơn hợp đồng của mình. Vì thế, HTX chốt giá không thành công nên họ quay trở lại “bóp” dân. Hơn nữa còn một điểm khách quan khác mà HTX thua là đội ngũ “cò” mua giống này, bán giống kia. Ví dụ mua lúa giống 50451 đóng bao Nàng hoa để bán, 2 loại này chênh lệnh giá trên 500 đồng, mua của dân cao hơn HTX 200 đồng, vì thế hợp đồng liên kết bị phá vỡ.

Theo ông Thấm, với chính sách đất đai hiện nay, xác định nếu làm được thì sẽ giúp ích cho bà con rất nhiều, mở ra kỷ nguyên mới cho nông nghiệp Việt Nam, còn không thành công sẽ tán gia bại sản, thậm chí đi tù. “Nghe nhà nước có chính sách hỗ trợ, khuyến kích nông dân thuê đất nhưng chẳng thấy đâu, mà chỉ có hỗ trợ khoảng chục triệu lúc tổ chức lễ ra mắt HTX. Ngoài ra, gần như “tự bơi” là chính”, ông Thấm tâm sự.

Ngoài ra, thời điểm đó chưa ứng dụng công nghệ vào quản lý, điển hình là lúc đó sản xuất cả nghìn tấn lúa nhưng vẫn thủ công, sổ sách ghi chép bằng tay. Điều kiện về đất đai, hành chính, HTX “cơ chế cứng”, thiếu những người tâm huyết đồng hành, kiểm soát. “Giao cho người nào đó phụ trách việc gì thì họ có quyền làm, đến khi báo tới mình gần như mọi việc đã rồi, “chỉ nhận nợ”, cơ chế HTX chậm hơn so với doanh nghiệp”, ông Thắm chua chát.

“Giờ không còn chức vụ, nên anh em gặp tâm sự giờ nào cũng được. Rút kinh nghiệm lúc trước làm lãnh đạo HTX kiểu mẫu tiếp các sở, ngành, các đoàn địa phương khác đến học tập kinh nghiệm… gần như không còn nhiều thời gian xử lý công việc. Bình thường anh em cà phê trò chuyện thì dễ, còn khi là HTX thí điểm thì suốt ngày tiếp hết đoàn này đến đoàn khác mất thời gian, mệt, lấy đâu trăn trở, suy nghĩ cho dân”, ông Thấm chia sẻ.

Khát khao ý tưởng mở “Ngân hàng đất”

Ông Thấm cho biết, hiện nay vẫn khao khát mở “ngân hàng đất” và mong muốn trình bày ý tưởng này với Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan. Bởi, mặc dù thất bại nhưng quay lại lần nữa ông vẫn chọn con đường làm ăn lớn. “Dứt khoát phải thoát khỏi manh mún, nhỏ lẻ để hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn mới đủ sức cạnh tranh quốc tế. Khi có đất rộng mình chủ động đầu tư theo yêu cầu của nhà đầu tư, xây dựng chuyên canh quy mô lớn, khi ấy sản phẩm sẽ dễ cạnh tranh hơn và vươn ra thế giới”, ông Thấm tự tin nói.

Ông phân tích, nông dân có 2 ha đất, nếu cho thuê, nông dân chỉ thu được tầm 30 triệu đồng/ha, trong khi gửi vào “ngân hàng đất” lãi suất sẽ cao hơn và còn được làm chủ trên mảnh ruộng của mình.

Hơn năm nay ông cùng vài người bạn cùng chí hướng hùn vốn thuê đất trên 20 ha trồng chuối và đang hướng đến những dự án lớn hơn để khai thác chiều sâu của đất.

Ngoài ra, ông còn tham gia vài HTX nhưng chỉ tham gia với vai trò thành viên, quản lý lĩnh vực nhất định, dùng hết tâm huyết của mình để chuyên sâu vào một lĩnh vực.

MỚI - NÓNG