Dấu ấn
Ngày 23/3, Hà Anh Tuấn công bố dự án Sketch a rose với mong muốn mang nhạc Việt đến với các nhà hát quốc tế. Đây là dự án âm nhạc lớn nhất kể từ khi nam ca sĩ vào nghề. Sketch a rose được ấn định tổ chức tại Singapore và Úc. Hai đêm lưu diễn đầu tiên được tổ chức ngày 11, 12/6 tại Nhà hát trái sầu riêng Esplanade (Singapore). Ngày 29/9, Hà Anh Tuấn sẽ trình diễn tại Nhà hát con sò Sydney Opera House (Úc).
Nhiều nghệ sĩ Việt biểu diễn, tổ chức sô ở nước ngoài |
Hà Anh Tuấn cho biết, dự án lần này là cách để nam ca sĩ chinh phục một giấc mơ lớn hơn, một chặng đường mộng mơ hơn, mang theo giấc mơ cùng khán giả Việt Nam bước vào các “thánh đường” âm nhạc mang tính biểu tượng trên thế giới.
Hương - Live in Tokyo mở màn cho chuỗi chương trình mang tên TKO concert. Đây là sự bắt tay của hai công ty giải trí Việt Nam và Nhật Bản với mong muốn xây dựng một mô hình giải trí định kỳ tại Nhật Bản. Đêm diễn ngày 20/4 mang đến những màn trình diễn quen thuộc của Văn Mai Hương cùng các ca sĩ khách mời Hoàng Dũng và Lâm Bảo Ngọc. Tháng 9/2024, TKO concert dự kiến giới thiệu tới khán giả liveshow của Bằng Kiều. Nhà tổ chức cho biết đang trong quá trình thương thảo với nghệ sĩ khác để hướng đến một đêm diễn quy tụ nhiều sao Việt tại Nhật Bản.
Nghệ sĩ trẻ được săn đón
Nhiều nhà tổ chức âm nhạc dành cho Việt kiều bắt đầu quan tâm đến nghệ sĩ trẻ. Gần đây, trong các chương trình tại một tụ điểm giải trí khá nổi tiếng ở Mỹ thu hút nhiều nghệ sĩ Việt Nam sang Mỹ trình diễn như: HIEUTHUHAI, Tăng Duy Tân, Tăng Phúc, Low G, Wren Evans... Có thể nói, nghệ sĩ trẻ cũng được săn đón không kém các nghệ sĩ nổi tiếng, gạo cội.
Trước đó, vào năm 2018, với liveshow Mối tình đầu Mỹ Tâm - 1st, Mỹ Tâm trở thành nghệ sĩ Đông Nam Á đầu tiên thực hiện được liveshow tại một sân vận động tầm cỡ ở Hàn Quốc. Mối tình đầu Mỹ Tâm - 1st được thực hiện tại sân vận động Jangchung (Dongdaemun - Hàn Quốc) vào ngày 15/9. Đây là nơi nhiều nghệ sĩ tên tuổi của Hàn Quốc biểu diễn như Yoon Mi-rae, Kim Jung Soo...
Năm 2018, Vũ Cát Tường cũng có đêm nhạc riêng tại Nhật Bản nhân dịp 2 nước kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao. Nhiều ca sĩ để lại ấn tượng với khán giả quốc tế thông qua các sân khấu lễ trao giải Asia Song Festival, MAMA - Mnet Asian music award, ABU TV Song Festival...
Không dễ xuất khẩu âm nhạc
Việt Nam cần thời gian để có siêu sao thu phục được khán giả quốc tế |
Nhiều chương trình, sự kiện âm nhạc quốc tế có mặt sao Việt, việc ngày càng nhiều sao Việt tổ chức liveshow ở nước ngoài là tin vui đối với ngành âm nhạc, giải trí Việt Nam. Tuy nhiên, việc chạm tới ước mơ xuất khẩu âm nhạc hoặc công nghiệp hóa nền âm nhạc còn khá xa vời. Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long khẳng định, việc các nghệ sĩ tổ chức biểu diễn ở nước ngoài là tín hiệu vui chung cho đời sống âm nhạc đại chúng. Điều này cho thấy, các nghệ sĩ trong nước hiện nay có môi trường hoạt động rộng hơn trước đây.
“Các nghệ sĩ người Việt, hát tiếng Việt biểu diễn ở nước ngoài đương nhiên sẽ phục vụ nhóm đối tượng hiểu tiếng Việt, tức là biểu diễn cho người Việt xa xứ, không phải khán giả quốc tế. Nghệ sĩ hải ngoại có thể đi diễn ở khắp mọi nơi trên thế giới, những nơi có cộng đồng người Việt sinh sống. Hoạt động biểu diễn này cũng rất sôi động”, chuyên gia âm nhạc Nguyễn Quang Long nêu.
Việc nhiều nghệ sĩ trong nước đi nước ngoài biểu diễn, tổ chức sô riêng ở nước ngoài những năm gần đây cho thấy sự cân bằng giữa các nghệ sĩ trong nước và hải ngoại về phân khúc thị trường nhạc Việt ngoài lãnh thổ Việt Nam. “Điều này cho thấy sự khởi sắc của nhạc Việt trong nước, công chúng Việt ở nước ngoài chú ý nhiều hơn đến các nghệ sĩ và âm nhạc trong nước”, chuyên gia Nguyễn Quang Long nhận định.
Nhiều nghệ sĩ của thế hệ trước chưa có cơ hội để tổ chức sô quốc tế, thế hệ trẻ bây giờ đã may mắn vì có những điều kiện thuận lợi. Việc này không chỉ đến từ cố gắng của thế hệ trẻ mà còn liên quan đến yếu tố thời đại, sự cởi mở, truyền thông... “Các nghệ sĩ trẻ cũng được mời đi biểu diễn ở nước ngoài cho thấy khán giả nhạc Việt trên thế giới bắt đầu quan tâm nhiều hơn về âm nhạc, xu thế âm nhạc trong nước”, chuyên gia âm nhạc Nguyễn Quang Long cho biết. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rõ việc này không thể hiện nhạc Việt hội nhập với thế giới, theo xu hướng, tạo xu hướng, đón được xu hướng thế giới hay vươn ra thế giới, bởi đây chỉ là các buổi biểu diễn phục vụ kiều bào ở nước ngoài.
Chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh nhấn mạnh, tổ chức sô ở thế giới và vươn tầm quốc tế là hai câu chuyện khác nhau. “Việt Nam chưa có công nghiệp giải trí và chủ yếu phục vụ thị trường nghe - nói tiếng Việt. Bên cạnh đó, sức tiêu dùng của chúng ta chưa đủ mạnh để đưa một nghệ sĩ thành những siêu sao giàu có, với tiềm lực mạnh để chinh phục thế giới”, chuyên gia Hồng Quang Minh nêu.
Việt Nam có tiềm năng nhưng nhạc Việt cần thời gian, thậm chí hàng thập kỷ để trưởng thành hơn. Rất khó để nói câu chuyện vươn ra thế giới nếu âm nhạc chưa đủ độc đáo và chưa đủ tiềm lực tài chính.
See tình (DTAP sản xuất), Hai phút hơn của Pháo và Masew (bản do Kaiz remix), Dễ đến dễ đi (Quang Hùng MasterD), Dạ vũ, Bên trên tầng lầu, Ngây thơ (Tăng Duy Tân)... là những ca khúc gây được tiếng vang trên thị trường quốc tế. Sự lan tỏa của các ca khúc này đến từ sự phát triển nhanh chóng của những nền tảng mạng xã hội. Nhiều chuyên gia âm nhạc, nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc khẳng định, sự phủ sóng của các ca khúc này tạo những bước đệm khiến khán giả quốc tế biết đến thị trường âm nhạc Việt Nam. Tuy nhiên, việc này chỉ dừng ở mức cục bộ, dựa vào một vài sản phẩm mà yếu tố may mắn chiếm phần nhiều.