Giấc mơ bay của nhạc sĩ Dương Thụ

TP - Dương Thụ chuyên viết tình ca kiểu lãng mạn hay lãng đãng. Những bài hát của ông thường có vẻ “thoát tục” hoặc ít phản ánh những đau buồn trần thế. Nhưng thuở hàn vi của ông thì ngược lại. Trước năm 1980, nhạc sĩ liên tục được số phận “trui rèn” trên hành trình đến với âm nhạc.

Dương Thụ được thầy dạy văn cấp 3 ghi trong học bạ: Có triển vọng trở thành nhà nghiên cứu phê bình. Thời gian này ông rất thích mọi thứ liên quan đến lý luận, thường vào thư viện tìm đọc những Đạo Đức Kinh, Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Kinh Đại Thừa... Nhưng ông sớm chia tay với những thứ đó, khi xác định mình “sống là để làm nhạc”.

TỪ CẬU ẤM ĐẾN PHU PHEN

Dương Thụ sinh ra trong gia đình tiểu tư sản, bố làm thanh tra lục lộ Bắc Kỳ. Cụ là quan thượng thư có lăng ở quê (đã bị phá). Bác Dương Thụ làm tỉnh trưởng Hải Phòng nên năm 1949, gia tộc họ Dương chuyển về đây khi quân Pháp đánh chiếm thủ đô. Dương Thụ tiếp xúc với âm nhạc, văn chương Pháp trong thời gian này.

“Có ông bạn cứ gặp tôi là lại than, bây giờ chúng nó viết nhạc dở tệ… Thế ông là nhạc sĩ, ông viết có hay không. Hay ông toàn đi viết tỉnh ca, viết cho hội diễn các thứ để lấy tiền rồi chê bọn trẻ. Ông muốn hay thì ông phải viết đi. Mỗi người muốn đất nước này hay, anh phải hay đã. Anh đứng ở vị trí gì để chê trách người khác. Cho nên tôi nghĩ sở dĩ tôi làm được là vì tôi không biết xung quanh như thế nào. Tôi chỉ biết việc của tôi thôi”.Nhạc sĩ Dương Thụ

Nhạc sĩ kể bố mình khi đó hoạt động ở Đảng Xã hội và “rất yêu Cụ Hồ”. Bản thân nhạc sĩ cũng khẳng định: “Người tôi kính trọng nhất Việt Nam là Cụ Hồ”. Tuy làm công chức cho Pháp nhưng bố ông vẫn “mở trộm” đài phát thanh kháng chiến để nghe và Dương Thụ cũng nghe theo. “Năm 54 gia đình tôi không di cư vào Nam vì ông cụ bảo là đã dinh tê đã nhục rồi. Bây giờ Cụ Hồ về mà mình lại chạy nữa thì không thể được”. Nhưng bố ông muốn được hưởng cái hạnh phúc được sống trong vùng tự do cho nên đưa gia đình về Vân Đình trước khi giải phóng thủ đô. “Khi về tới trạm kiểm soát giữa quân đội Liên hiệp Pháp và bộ đội Cụ Hồ, nhìn thấy cờ đỏ, rồi con đường hăm hai lúc ấy đất đỏ bốc lên, cụ khóc, tôi cũng khóc theo. Tôi chịu ảnh hưởng nhiều cụ tôi,” nhạc sĩ nói.

“Thời tôi là như thế, nên mình phải sống trong những cái ấu trĩ đó. Nhưng tôi không hận thù nó. Đấy là lịch sử. Bước tiến của mình hơi chậm nhưng rõ ràng Việt Nam đang thay đổi. Phát triển không phải là xây nhà cao. Mà là đầu óc khác đi”.

Nhạc sĩ Dương Thụ

Năm 1955, gia đình ông bị quy là địa chủ trong cải cách ruộng đất, cho dù bà ông từng mở kho thóc nuôi trung đoàn Ký Con... “Nếu không về không sao nhưng vì ông bà tôi mất thành ra ông con giai phải hưởng thôi”, ông kể. Từ cậu ấm được cưng chiều, Dương Thụ ngoài giờ học phải đi gánh đất làm gạch mộc để có tiền ăn. Chả ai biết mình là ai nhưng cậu vẫn ngượng nên cứ phải kéo cái nón lụp xụp xuống che mặt.

Mặc dù nắm trong tay những tụ điểm ca nhạc lớn nhất nhưng Dương Thụ vẫn không đưa sáng tác của mình vào. Lý do: “Tôi không tự tin. Bài hay không sao nhưng nếu người nghe kêu dở, mình xấu hổ. Nó lại là tâm hồn mình. Mình mang ra để công chúng bêu rếu không được. Cho nên tôi giấu biệt”.

Việc gánh đất kết thúc khi Thụ bị quỵt tiền. Sau đó Thụ được chính người quỵt tiền với lý do chính anh ta cũng bị cướp- giới thiệu cho việc đẩy xe bò nứa từ Vĩnh Tuy đi các nơi. Lần này Thụ được bày cho, đúng hơn là ép phải “ăn gian”. Thay vì rút 10 cây nứa tép từ thùng xe cả nghìn cây thì rút 11. Để sau này gom lại bán lấy tiền chia nhau. "Đối với họ ăn cắp không xấu mà là phân chia lại tài sản," ông nhớ lại.

Giấc mơ bay của nhạc sĩ Dương Thụ ảnh 1

Dương Thụ từng đứng ra tổ chức những chương trình có tính cộng đồng như Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam (1994), Điều còn mãi (2009)… Ông đang ấp ủ thực hiện một bộ từ điển âm nhạc Ảnh: N.M.Hà

Dương Thụ tự nhận mình yếu đuối, thậm chí không dám xem cảnh máu me trên phim. Ông có thể tồn tại qua thời kỳ khó nhọc ấy là nhờ những giấc mơ bay về đêm. “Thời trẻ tôi hay mơ bay như chim, sướng lắm. Đến được nơi này nơi khác, làm được việc này việc khác. Rất là ghê gớm. Nhưng thực tế thì không phải vậy. Giấc mơ giữ tôi sống trên mặt đất”.

Giấc mơ bay của nhạc sĩ Dương Thụ ảnh 2

Một cái sướng nữa của Dương Thụ là được nghe nhạc. Ông thường ra hiệu sách ngoại văn mua các bản tổng phổ giao hưởng về để xem trong khi nghe tại nhà một người quen tên Diệp. Nghe nhạc quên đói với ông là sự thật.

Giấc mơ bay của nhạc sĩ Dương Thụ ảnh 3

Nhạc sĩ Dương Thụ và các ca sĩ tham gia chương trình Tôi mơ một giấc mơ tại Hà Nội năm 2013 Ảnh: Nguyễn Mạnh Hà

Trước lúc mất ở quê, bố ông dặn: “Không cần con làm cái gì cả nhưng phải học đến cùng”. Gia đình cho Thụ học piano, học cả vẽ nhưng không khuyến khích theo nghệ thuật. Đó là lý do ông thi vào ĐH Sư phạm, tất nhiên không phải giấc mơ của ông. Việc học đôi khi khiến Thụ thấy nặng nề, nhưng những gì dính đến nhạc thì ngược lại: "Càng ngày tôi càng hiểu cái gì mà mình mê thích thì nó không là công việc. Còn cái gì mình không nghĩ ra, người khác bảo mình làm là công việc. Nên tôi bị gia đình chê rất nhiều". Vì toàn dặn trước quên sau nên có lần anh trai Dương Thụ tức quá, bắt cậu em đeo vào cổ miếng các tông ghi: "Tôi ngu nhất thế giới". “Không ai tin tôi làm được gì. Nhưng với người như tôi đấy là cái may mắn, chứ được đặt kỳ vọng thì lại chết”, ông nói.

NGƯỜI THẦY ĐẦU TIÊN

Năm 1962, Dương Thụ gặp người thay đổi đời ông. Trong một lần học về, có một người đàn ông đạp xe bám theo, chăm chú nghe Dương Thụ nói chuyện với các bạn về giao hưởng, về hình thức sonata… Đến số 65 Nguyễn Thái Học (khu nhà ở của nhiều nhạc sĩ lúc đó), ông mới tạt đầu xe bảo Dương Thụ dừng lại, hỏi học ở đâu mà biết những thứ đó. Chả là hồi đó Thụ ngốn ngấu tất cả những gì tạp chí âm nhạc đăng và nhập tâm những gì các nhạc sĩ đàn anh nói. Nhiều kiến thức ông tìm được ở “thư viện khổng lồ” chỗ anh Diệp...

Giấc mơ bay của nhạc sĩ Dương Thụ ảnh 4

Nhạc sĩ Dương Thụ trong lần hiếm hoi giao lưu cùng khán giả hồi tháng Bảy tại Cà Phê Thứ Bảy Hà Nội - salon văn hóa do ông chủ trì

Ảnh: N.M.Hà

Khi biết đó là nhạc sĩ Nguyễn Xinh, Dương Thụ đỏ bừng mặt xấu hổ vì trót “múa rìu qua mắt thợ”. Với ông, các nhạc sĩ lúc đó như “người giời” không thể với tới vậy. Chủ nhật đó, Dương Thụ được Nguyễn Xinh mời đến nhà. Sau một hồi gặng hỏi, Nguyễn Xinh cũng được nghe sáng tác của Dương Thụ. Những bài mà tác giả tự gọi là “thất tình ca vớ vẩn”. Nghe xong, Nguyễn Xinh khen và nhận dạy sáng tác cho Dương Thụ. Chính Nguyễn Xinh đã gieo vào đầu Dương Thụ tư tưởng trở thành nhạc sĩ chuyên nghiệp. Trước đó cô giáo Thái Thị Sâm còn hy vọng Dương Thụ sẽ thành nghệ sĩ piano. Ông chơi đàn diễn cảm nhưng không được chuyên tâm lắm.

Riêng sáng tác thì ông học rất chăm. Đi kiến tập ở Bắc Ninh vẫn viết thư về kèm bài tập trả thầy. Khi Thụ về Hà Nội, Nguyễn Xinh bảo: “Các thư của em anh giữ hết. Quan trọng lắm. Những chủ đề này về sau có thể phát triển thành tác phẩm lớn được”. Dương Thụ nghe choáng: "Mình sợ, làm sao những cái này có giá trị gì. Nhưng có người nhìn ra từ lúc ấy. Chỉ tiếc rằng anh Xinh thì mất rồi và tôi thì cũng chẳng thành những gì như anh mong. Đó là lỗi rất lớn của mình...".

TÀI NĂNG THUA CƠ CHế

Ở trường Sư phạm, Thụ học văn thì ít học nhạc thì nhiều. Buổi trưa, ông thường tập piano phía sau hội trường. Trước nguy cơ trở thành cử nhân Sư phạm của Dương Thụ, Nguyễn Xinh chỉ ra vấn đề: Nếu Thụ tốt nghiệp ĐHSP sẽ phải đi dạy "trả nợ” dẫn đến không thể thi vào Nhạc viện. Đề bài đặt ra lần này là Dương Thụ phải tìm cách trượt tốt nghiệp.

Dương Thụ bèn tự làm mình ốm bằng cách lên tầng thượng ký túc xá nằm phơi sương cả đêm. Xong tầm 4-5 giờ sáng xuống xối nước lạnh vào người. Nhưng không ăn thua với sức trai đã quen lao động. Nghỉ học mà ở nhà sẽ bị nghi, nên Thụ nghĩ ra cách xin đến ở nhờ Hoàng Hưng, bạn cùng lớp, có phòng riêng. Thụ để thau nước trước mặt để khi nào buồn ngủ gục xuống thì lại tỉnh. Nhịn ăn nhịn ngủ chừng 3-4 hôm, nhìn có vẻ ốm yếu rồi, cậu mới mò vào trường để cho mọi người thấy tình trạng sức khỏe.

Tất nhiên có thể xin hoãn thi tốt nghiệp nhưng Thụ vẫn thi và để trượt chắc, cậu quyết định để giấy trắng các môn phụ là Hán Nôm, Chính trị Kinh tế học và Tâm lý Giáo dục học. Vì các thầy sẽ không tin sinh viên giỏi thế mà lại không làm nổi mấy môn chính. Chỉ cần 3 môn dưới trung bình là trượt. Cộng thêm lý lịch địa chủ tư sản, Thụ tin mình sẽ bị đuổi thẳng cổ mà không được lưu ban. Nhưng đến ngày yết bảng, Thụ choáng váng vì mình vẫn đỗ. Hóa ra là có 2 thầy vì ưu ái mà nâng điểm cho cậu.

Khi đó Thụ đã có kết quả thi tuyển vào Nhạc viện, đỗ thủ khoa. Được hiệu trưởng Tô Vũ hứa hẹn sau khi học một năm sẽ cho sang Học viện Âm nhạc Tchaikovsky. Việc đang học trường này mà thi trường kia cũng là trái nguyên tắc nhưng ông được thầy Lê Trí Viễn phá lệ giúp đỡ.

Thụ đau khổ lên phòng tổ chức của ĐHSP xin chuyển hồ sơ sang Bộ Văn hóa thì được ông trưởng phòng an ủi: “Thụ này, ngày xưa ở khu học xá anh cũng sáng tác mà bây giờ làm cán bộ tổ chức có sao đâu. Rồi cậu cũng quên thôi!” Dương Thụ thậm chí còn được giữ lại làm cán bộ giảng dạy. Nhưng thay vì đi thư viện hay phụ đạo cho sinh viên, Thụ toàn bỏ đi học piano ở Âm nhạc học xá của nhạc sĩ Lưu Quang Duyệt. Sau nhiều lần đi muộn về sớm, ông bị trường kỷ luật. Đáng ra chỉ phải dạy cấp 3 ở Hà Nội thì ông tức khí đòi lên hẳn Tuyên Quang. Chỉ vì mê mấy câu thơ của Trần Dần: "Đây!/ Việt Bắc!/ Sông Lô/ Nước xanh/ Tròng trành mảnh nguyệt!/ Bình Ca/ Sương xuống/ Lạc/ Con đò!".

Quả nhiên “con đò” Dương Thụ cắm sào ở Tuyên Quang hơi bị lâu. Bảy năm sau, trả hết nghĩa vụ, ông thi lại vào Nhạc viện. Lại đỗ đầu. Á khoa là Nguyễn Cường và Trần Tiến. Học hết năm nhất, ông vẫn chưa hoàn thành hồ sơ. Vì Ty Giáo dục cho đi nhưng Tỉnh ủy vẫn giữ.

Hiệu trưởng nhạc viện lúc này là Nguyễn Văn Thương viết một bức thư rất cảm động lên Tuyên Quang, có câu: “Giáo viên thì có hàng nghìn nhưng Dương Thụ thì chỉ có một”. Nhạc sĩ Văn Ký bên Hội cũng sức công văn lên, nhưng tỉnh vẫn sắt đá. Dương Thụ lên gặp, ông trưởng phòng tổ chức Tỉnh ủy nói: "Anh Thụ à, anh tham lắm. Tôi giáo viên cấp 1 mà tôi chưa tự cho tôi đi học để dạy cấp 3. Đây anh đã có một bằng ĐH lại đòi học thêm bằng nữa!".

Thế là Dương Thụ vẫn học Nhạc viện nhưng không thể tốt nghiệp. Còn vấn đề không lương được giải quyết bằng việc đi đổ tượng thuê ở trường CĐ Mỹ thuật Việt Nam, hay đi vẽ phục trang cho các đoàn tuồng… Dương Thụ còn được ông Nguyễn Phước Sanh, lúc này là Bí thư Đảng ủy trường cho tem phiếu thừa do các sinh viên đi vào Nam để lại.

Nhưng Tuyên Quang thì vẫn chờ, lại thêm sức ép từ mẹ, nhạc sĩ vẫn phải quay về tỉnh. Mãi đến năm 1977, ông Nguyễn Phước Sanh- khi đã là hiệu trưởng CĐ Mỹ thuật TPHCM mới tìm cách xin Dương Thụ về để dạy Mỹ học và Văn. Một chặng đường mới bỗng mở ra: “Đi trên đường phố Sài Gòn, tôi ngẩn ngơ. Vì đây là cuộc sống hoàn toàn khác”. Ban nhạc đầu tiên ông thành lập tên là Mùa Hè. Với giọng hát Lệ Thu, hát chơi tại mấy quán cà phê. Tờ báo đầu tiên phỏng vấn ông là Tia Sáng.

NỔI TIẾNG VÀ ẤU TRĨ

Năm 1980, Nguyễn Cường rủ Dương Thụ lên làm chương trình cho đoàn ca múa Đắc Lắc. Dương Thụ lập tức nghỉ dạy theo bạn rồi thích quá bỏ luôn trường. Tất nhiên ông vẫn về Sài Gòn nhưng chỉ chuyên tâm làm nhạc. “Cứ thoáng thấy ai bên trường là mình tránh, trông thấy ông Nguyễn Phước Sanh là giật mình. Mình có cái hối hận, mình vẫn thấy có tội. Người ta tốt với mình, mà mình bỏ người ta...”.

Dương Thụ khẳng định việc ra khỏi biên chế với người khác có thể là “anh hùng” thời điểm đó, nhưng với ông là việc chẳng đặng đừng. Nó khiến ông “hoang mang kinh khủng” vì không còn lương nữa.

Ban đêm ông vào Chợ Lớn, tới nơi những nhóm ca khúc chính trị biểu diễn để tìm thành viên cho ban nhạc mới. Ban ngày ông kiếm sống bằng đủ các nghề, từ buôn nhu yếu phẩm, bán quần áo cũ đến bơm vá xe đạp. Từng đi chụp ảnh dạo nhưng phải bỏ sau khi “đồng nghiệp” đánh vì tội tranh địa bàn. Nhưng đó cũng là thời kỳ những giấc mơ bay hóa thành những Hơi thở mùa xuân, Lắng nghe mùa xuân về… “Những bài hát đã cứu sống tôi”, ông nói.

Rồi ông cũng có được ban nhạc với các thành viên như Quốc Dũng, Bảo Chấn, Sĩ Đan… diễn tại Trung tâm Văn hóa Quận 10 rồi Quận 11. Ở những chỗ này, Dương Thụ không làm ông bầu mà chỉ nhận mức lương biên tập, chỉ đạo nghệ thuật ngang với các ca sĩ “có giá” nhất bấy giờ là Thanh Lan và Anh Khoa.

Nhưng đến mùa Xuân năm 1982, Quốc Dũng gặp ông: “Nghe nói anh sáng tác hay lắm”. Dương Thụ chối nhưng Quốc Dũng kêu: “Bây giờ biên tập nhạc xuân mà Phạm Đình Chương, Phạm Duy không được. Nhạc ngoại bị kêu tỷ lệ nước ngoài nhiều… Anh có bài xuân nào đưa đây để dựng chứ không là chương trình hỏng”. Dương Thụ đành nhượng bộ, nhưng lúc ban nhạc dựng bài, ông ra ngoài ngồi thật xa để khỏi nghe thấy gì.

Quốc Dũng phải nhắn anh cán bộ văn hóa quận 10 ra mời nhạc sĩ vào. Dương Thụ vừa bước vào, Trang Kim Yến nói ngay: “Anh viết bài hay đấy!”. Quốc Dũng tủm tỉm cười: “Bài lạ tai, nghe được đấy”… “Lúc ấy tai mình ù đi vì mình không thể tưởng tượng tại sao người ta lại thích của nợ này,” Dương Thụ nhớ lại. "Lúc ra trình diễn, nó lại là bài hit. Chánh Tín - Bích Trâm, Mỹ Lan mang đi đâu hát cũng được hoan nghênh". Đó là Lắng nghe mùa xuân về - Dương Thụ viết khi đón giao thừa 1981 một mình trong con hẻm Thánh Mẫu.

Khi cái tên Dương Thụ bắt đầu được nhắc đến khắp các sân khấu trong thành phố thì một số bài của ông cũng bị "cấm", tất nhiên là không dựa trên bản gì. "Đau nhất là bài Mặt trời êm dịu", nhạc sĩ nhớ lại. Trưởng phòng Ca nhạc của Sở Văn hóa, TS Mỹ học Bulgary về cho rằng "mặt trời" ở đây ám chỉ nước Nhật (!) Ca ngợi Mỹ, Nhật lúc đó là không được. Dương Thụ không cãi, chỉ về bảo các ca sĩ thôi không hát mấy bài bị cấm nữa. Nhưng độ 3 năm, chúng lại tiếp tục vang lên khắp nơi. “Cuộc sống có bước đi của nó. Tất cả những ai muốn làm cái gì nên hiểu cuộc sống có sức mạnh của nó. Con người có sức mạnh và văn hóa cũng có sức mạnh riêng”, ông nói. Về câu chuyện với TS Mỹ học nọ, ông chỉ cười: "Anh ấy lúc ấy ấu trĩ, giờ chắc phải giỏi rồi”.