Gia tăng trẻ mắc bệnh tăng động giảm chú ý

Gia tăng trẻ mắc bệnh tăng động giảm chú ý
TP - Phòng khám Tâm bệnh (Bệnh viện Nhi T.Ư) đặc biệt hơn các phòng khám chuyên khoa khác bởi những đứa trẻ đến đây luôn ngọ nguậy, mất tập trung, thậm chí chạy nhảy, la hét ầm ĩ do bệnh tăng động giảm chú ý mà không cảm thấy sợ bác sĩ như các bạn đồng lứa.

Nam mắc bệnh nhiều hơn nữ

Ngồi trước mặt bác sĩ, cậu bé N.H.A (9 tuổi ở phố Đội Nhân, quận Ba Đình, Hà Nội) loay hoay nhìn ngang nhìn dọc. Bác sĩ phải hỏi đến lần thứ 2 hay 3, cậu bé mới trả lời, thậm chí có lúc bác sĩ phải cao giọng thì A. mới tập trung lắng nghe. Chị Mai, mẹ bé A., cho biết, cô giáo chủ nhiệm phàn nàn với gia đình là bé A. đến lớp rất nghịch, hay mất tập trung, không theo dõi bài giảng và khuyên gia đình nên đưa con đi khám tâm lý. Chị Mai chia sẻ: “Ở nhà cháu A. cũng rất hiếu động, ít khi ngồi yên một chỗ, làm việc gì cũng lâu vì không bao giờ tập trung. Nhiều khi đang làm việc này lại bỏ dở nhảy sang làm việc khác. Bài vở cô giáo giao về nhà phải mất cả tối mới học xong. Tôi thấy lo lắng nên đưa cháu đi khám”. Bác sĩ Thành Ngọc Minh, Phó trưởng Khoa Tâm bệnh, cho biết kết quả khám cho thấy bé A. mắc bệnh tăng động giảm chú ý (ADHD).

Giống N.H.A., cậu bé L.V.T (10 tuổi, ở huyện Văn Giang, tỉnh Hải Dương) cũng có gương mặt ưa nhìn và đôi mắt sáng, nhưng T. ngoài mắc bệnh ADHD còn chậm phát triển trí tuệ. Lúc nào cậu bé cũng ở trạng thái lo âu, bối rối, kém linh hoạt, không tập trung làm bất kỳ việc gì và không tuân theo chỉ dẫn của cha mẹ, thầy cô. Chị Bùi Thị Phóng, mẹ T., cho biết T. đã học 4 năm mà không qua được lớp 1. Giờ đây đã 10 tuổi nhưng nhận thức của cậu bé chỉ như đứa trẻ lên 6; đến lớp, công việc ưa thích của T. là phá rối các bạn trong giờ học.

Hội chứng ADHD là tình trạng rối nhiễu về tâm lý khá phổ biến ở trẻ em, xuất hiện khá sớm và thường gặp nhiều ở bé trai. Bác sĩ Minh cho biết, trẻ ADHD thường có các biểu hiện rối loạn như hoạt động quá mức, khó kiểm soát hành vi, kém tập trung chú ý trong mọi lĩnh vực, đưa đến những khó khăn về ngôn ngữ, giao tiếp và các sinh hoạt khác.

Ở trẻ em đang tuổi đến trường, tỷ lệ có hội chứng ADHD dao động từ 2% đến 16% và tỷ lệ trong cộng đồng (từ lứa tuổi trẻ em đến tuổi vị thành niên) là 10% đến 30%. Tỷ lệ nam mắc bệnh cao gấp 3-4 lần so với nữ. Tuổi dễ nhận thấy nhất là từ hơn 4 tuổi đến trước 7 tuổi vì đây là tuổi đi học, cho dù tình trạng này có từ trước đó nhiều năm. Ở Việt Nam, hiện chưa có thống kê cụ thể nhưng theo một nghiên cứu trên 1.594 học sinh ở hai trường tiểu học tại Hà Nội, tỷ lệ mắc bệnh là 3%.

Điều trị sớm

Mỗi ngày Phòng khám Tâm bệnh khám cho ít nhất 5 trẻ bị căn bệnh này. Dịp hè, số trẻ đến khám cao hơn nhiều lần, phần lớn là trẻ 6-7 tuổi được cô giáo phát hiện.

Bác sĩ Thành Ngọc Minh cho hay, một trong những biện pháp cải thiện tình trạng này là cho các em học tập tại các trường mẫu giáo, tiểu học bình thường. Đặc biệt, cần phát hiện sớm và điều trị bệnh cẩn thận. Bác sĩ Minh khuyến cáo, gia đình cần tạo môi trường yên tĩnh khi học tập, nói rõ ràng yêu cầu với trẻ, bảo trẻ nhắc lại những gì mà cha mẹ muốn, tránh quá nhiều việc, nhiều thứ cùng lúc làm trẻ mất tập trung, nên cho trẻ chơi trò chơi tĩnh đòi hỏi tư duy. Đặc biệt, tránh cho trẻ chơi game, không chơi trò chơi bạo lực, không chế giễu trẻ, không nên bắt trẻ kéo dài quá lâu một việc. Thiết lập lịch sinh hoạt để nhắc nhở trẻ những việc gì cần làm và làm trong thời gian bao lâu. Điều này giúp trẻ bị tăng động giảm chú ý có thể hoàn thành nhiệm vụ.

Được điều trị, chứng ADHD sẽ được cải thiện ở đa số trẻ mắc bệnh. Những trẻ này vẫn cần tiếp tục được theo dõi trong quá trình lớn lên vì ở nhiều trẻ, một rối loạn nào đó vẫn phát triển.

Trẻ mắc bệnh ADHD có thể do các nguyên nhân như di truyền, bệnh lý khi mang thai, tổn thương não khi sinh, bệnh lý sau sinh. Một số yếu tố môi trường cũng là nguyên nhân gây bệnh như môi trường sống ồn ào, đông đúc, lộn xộn, ô nhiễm... Ngoài ra, có thể do trẻ nghiện trò chơi điện tử, internet, xem ti vi quá nhiều...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG