Giả giảng viên đại học lừa đảo hàng trăm triệu đồng

Hai nghi can Phạm Tiến Mạnh (phải) và Hạp Tiến Bắc tại cơ quan điều tra. Ảnh Việt Văn
Hai nghi can Phạm Tiến Mạnh (phải) và Hạp Tiến Bắc tại cơ quan điều tra. Ảnh Việt Văn
TPO - Giả làm giảng viên trường đại học đăng thông tin rao bán xe máy hàng hiệu với giá rẻ, “thầy Nhị” cùng đồng bọn đã lừa hơn 20 nạn nhân chuyển tiền mua xe vào tài khoản ngân hàng rồi chiếm đoạt. 

Ngày 13/6, Công an quận Bình Thạnh (TPHCM) cho hay đã tạm giữ hình sự hai nghi can Phạm Tiến Mạnh (SN 1984, trú quận 8) và Hạp Tiến Bắc (tự xưng “thầy Nhị”, SN 1970, trú quận Tân Phú) để điều tra, xử lý về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo cơ quan điều tra, hai nghi can trên cấu kết với nhau đăng thông tin rao bán xe máy trên trang mạng chotot.vn với giá rẻ để các nạn nhân liên hệ hỏi mua. Khi nạn nhân đồng ý mua thì cả hai đã dùng thủ đoạn lừa đảo hướng dẫn nạn nhân chuyển tiền vào các số tài khoản rồi chiếm đoạt với số nạn nhân lên đến vài chục người, số tiền chiếm đoạt cũng lên đến cả trăm triệu.

Thủ đoạn của hai nghi can trên bàn bạc với nhau để Bắc đến các tiệm cầm đồ hỏi mua chứng minh thư với giá 300 nghìn đồng/cái. Sau đó mang về giao cho Mạnh để gắn hình vào chứng minh thư, mang đi đến ngân hàng mở tài khoản.

Từ những chứng minh thư tên Nguyễn Trường Nhị, Lê Hải Bằng, hai nghi can đã mở các số tài khoản tại ngân hàng Sacombank với số tài khoản tương ứng là 060113779724 và 060123558319. Mỗi khi đăng thông tin rao bán xe trên trang mạng chotot.vn, Bắc tự xưng là “thầy Nhị” và để số điện thoại rác trên đó cho người mua liên hệ.

Khi khách có nhu cầu mua, “thầy Nhị” sẽ cho một số điện thoại khác để tiện trao đổi mua bán. Thường thì “thầy Nhị” chỉ rao bán xe tay ga, SH với giá tầm 20 – 30 triệu. Chốt giá bán xong, “thầy Nhị” sẽ hẹn địa điểm giao dịch tại ngân hàng để tiện chuyển tiền vào tài khoản rồi giao xe.

Mới đây nhất vào ngày 8/3, anh N.Q.H (SN 1988, trú Đồng Nai) liên hệ với “thầy Nhị” mua xe Airblade với giá 20 triệu đồng. Chốt giá xong, “thầy Nhị” hướng dẫn anh H liên hệ đến phòng giao dịch của ngân hàng Sacombank trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh) để gặp người em tên Hoàng (thực chất là Mạnh). Một ngày sau (9/3), anh H liên hệ với người tên Hoàng qua số điện thoại “thầy Nhị” đưa để hẹn giờ giao tiền và lấy xe máy.

Người tên Hoàng này tự xưng là người đang làm ở phòng giao dịch của ngân hàng và yêu cầu anh H đến chuyển tiền, nhận xe. Anh H đến thì Hoàng báo bận, và yêu cầu chuyển tiền vào theo số tài 060113779724 (chủ tài khoản Nguyễn Trường Nhị) do “thầy Nhị” đã đưa, rồi ngồi chờ Hoàng ra giao xe. Tuy nhiên, anh H chuyển xong 20 triệu đồng nhưng không thấy Hoàng ra, gọi điện thoại cho cả hai người thì không liên lạc được.

Bằng các thủ đoạn tương tự, Mạnh và Bắc đã lừa đảo hơn 22 người chuyển tiền vào các số tài khoản 060113779724 (chủ tài khoản Nguyễn Trường Nhị), 060123558319 (chủ tài khoản Lê Hải Bằng),… để chiếm đoạt số tiền lên đến cả trăm triệu đồng.

Giả giảng viên đại học lừa đảo hàng trăm triệu đồng ảnh 1

Điều tra viên lấy lời khai nghi can Phạm Tiến Mạnh để củng cố hồ sơ đề nghị truy tố. Ảnh Việt Văn

Theo cơ quan điều tra, hai nghi can này có khả năng còn thực hiện rất nhiều vụ lừa đảo tương tự nên số nạn nhân có thể còn rất nhiều. Do vậy, nếu ai là nạn nhân của hai hai nghi can trên, đã từng chuyển tiền vào các số tài khoản trên thì liên hệ trình báo về Đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Công an quận Bình Thạnh (TPHCM).

MỚI - NÓNG