Ngăn ngừa tiêu cực
Ghi nhận ngày 15/1, tại nút giao Kim Mã - Liễu Giai, tổ cảnh sát dừng nhiều xe vi phạm lỗi không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, đi sai làn đường... Do đã nắm biết được hiệu lực của Thông tư 67, nhiều người dân đã quay video, chụp ảnh cảnh sát xử lý vi phạm.
Bị cảnh sát dừng xe vì không đội mũ bảo hiểm, anh Tạ Văn Hùng (30 tuổi, ở phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm) liền rút điện thoại ra ghi hình. Sau khi nộp phạt theo quy định, anh Hùng chia sẻ: "Tôi ủng hộ quan điểm ghi hình CSGT để giám sát. Việc này giúp tôi, những người vi phạm có quyền giám sát công khai cán bộ thực thi công vụ, đồng thời cũng nhằm ngăn ngừa cán bộ có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, nhận hối lộ...".
Còn anh Nguyễn Vũ (ở quận Cầu Giấy) dù được tổ tuần tra thông báo kế hoạch xử lý vi phạm theo Nghị định 100, Thông tư 67 nhưng không sử dụng điện thoại ghi hình. Anh chia sẻ sáng dậy muộn, do vội vàng đưa con tới lớp học nên mắc lỗi sai làn đường. Nhận thấy vi phạm của mình khá rõ ràng, anh Vũ trình bày với cảnh sát mà không cần quay video, ghi âm hay ghi hình.
Không được kích động, thông tin sai sự thật
Trao đổi với phóng viên, đại úy Ngô Đức Tâm - Đội CSGT 1 (Công an Hà Nội) cho biết, khi làm nhiệm vụ trên phố nhiều người dân, khách du lịch hiếu kỳ đã dùng điện thoại ghi hình tổ công tác, người vi phạm rồi chia sẻ trên mạng. Đại úy Tâm cho rằng, việc người dân được giám sát tổ công tác đã được quy định rõ ràng. Tuy nhiên, khi làm việc tổ công tác cũng tuyên truyền người vi phạm ghi hình đúng, không dùng lời lẽ kích động, thông tin sai sự thật.
Còn thiếu tá Nguyễn Đăng Tiến, Tổ trưởng tổ cảnh sát liên ngành Y5/141 (Công an Hà Nội) nhận định, quá trình xử lý vi phạm nhiều người có biểu hiện nghi vấn bị dừng xe thường đòi quyền được ghi hình, thậm chí đòi kiểm tra kế hoạch triển khai tổ công tác. Với những trường hợp đó, tổ cảnh sát yêu cầu tài xế nghiêm túc thực hiện quyền công dân, giám sát ở ngoài phạm vi và chỉ được ghi hình lực lượng công khai làm nhiệm vụ.
Đại diện Cục CSGT cho biết, người dân được quyền giám sát hoạt động của CSGT, song người giám sát cũng phải tạo điều kiện để cảnh sát hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, người dân không thể lấy lý do giám sát để gí điện thoại vào mặt cán bộ đang thực thi công vụ, gây ảnh hưởng đến quá trình tuần tra, xử phạt mà phải tuân thủ đúng quy định.
Cụ thể, người giám sát ghi hình phạm vi ngoài khu vực bảo đảm trật tự ATGT là nơi được giới hạn bằng cọc tiêu hình chóp nón hoặc dây căng (nếu có) để cán bộ, chiến sỹ thực thi nhiệm vụ. Dây căng là dây có nền màu đỏ, chiều rộng từ 5 - 10cm; trên dây có in dòng chữ “Khu vực bảo đảm trật tự ATGT” màu vàng. Do đó, người dân cần nắm rõ những quy định của thông tư để thực hiện đúng việc giám sát mà không gây cản trở lực lượng chức năng” - vị cán bộ này nói.
Theo đại diện Cục CSGT, khi làm nhiệm vụ, các tổ công tác cũng được trang bị camera giám sát đặt trên xe và gắn trên ngực cán bộ, chiến sỹ. Hình ảnh ghi được từ các camera này sẽ được truyền trực tiếp về trung tâm nên lãnh đạo đơn vị có thể biết được toàn bộ quá trình làm việc của tổ công tác.