Khách nước ngoài cũng tụ tập ca hát ở TP.HCM. Ảnh: Trần Nguyễn Anh. |
“Tín đồ” hát
Những người đam mê hát ở quận 7, TP.HCM hầu như không ai không biết đến bác Thanh, một người có giọng hát khỏe tới mức không cần âm thanh điện tử bác cũng hát vang cả khu phố. Bác thường ghé hát ở các quán hát với nhau, dù cho đó là quán đông người về hưu thích các ca khúc thập niên 1980 hay quán toàn đám “trẻ trâu” thích gào nhạc rock. Vật bất ly thân của bác là cuốn sổ bài hát dày cộp mà bác kỳ công chép tay rất đẹp. Bác chỉ sử dụng cuốn sách ấy để ca mà không bao giờ mở màn hình hay điện thoại.
Anh Cường, một người gốc Hải Phòng sắm dàn âm thanh và cây đàn ghi ta để mời bạn bè tới nhà tập hát. Mỗi lần như thế, họ tự tay nấu lẩu, tự đàn hát với nhau. Họ chỉ cho nhau cách luyến láy, lấy hơi, trình diễn. Chờ tới cuối tuần thì anh Cường và nhóm của anh, khoảng 20 người, lại đem thành quả tập luyện được trong tuần để đến các quán “Hát với nhau”. Có khi họ hát ở Gò Vấp, có khi quận 1, quận 3…
Quán Xóm ở quận 7 chỉ thuê một ca sĩ, mỗi đêm hát khoảng 4 bài đầu tiên lấy không khí, còn lại toàn là giọng ca “cây nhà lá vườn”. Dân văn phòng, công chức muốn tìm cho mình không gian thư giãn, cô giáo, sinh viên thử tài làm ca sĩ. Vài người từng học về âm nhạc nhưng đã bỏ nghề, thèm tìm lại chất giọng mình ngày trước.
Anh Thanh, chủ một quán hát mộc nói: “Quán chúng tôi từng làm chương trình mời ca sĩ, tất nhiên là ca sĩ hạng C, D thôi nhưng khách rất vắng. Một ngày, chúng tôi chuyển sang mô hình hát với nhau, người người làm ca sĩ, lập tức quán đông khách và trụ lại được tới tận bây giờ”.
Nơi gặp gỡ, giao lưu
Chiều theo sở thích hát mộc của người TP.HCM, ngày càng nhiều quán hát với nhau hằng đêm mọc lên. Trên các đường phố TP.HCM tấp nập hiện đại, người ta vẫn nhìn thấy lấp ló những tấm biển “Hát với nhau”, “Hát mộc”. Một đoạn đường ở phường Tân Hưng, quận 7 đã có tới 4 quán hát với nhau đủ thể loại. Thậm chí, ngay tầng hầm của Nhà hát Hòa Bình cũng có một câu lạc bộ hát với nhau mở suốt tuần, bất chấp các chương trình ca nhạc rầm rộ diễn ra sát bên!
Không giống các quán karaoke có nhiều phòng cách âm, tiếp viên, màn hình và các tập nhạc dày cộp, các quán “Hát với nhau” ở Sài thành là những quán cà phê nhạc cụ mộc, thường gọi là Quán hát với nhau Acoustic, hát mộc, hát không ca sĩ. “Khoảng mười năm trước, các ban nhạc dùng nhạc cụ điện tử, thịnh hành nhất là đàn organ. Bây giờ các quán hát chỉ sử dụng nhạc cụ mộc, như đàn ghi ta, piano, violin” - anh Vương, một nhạc công nói.
Chị Thủy, chủ một quán hát với nhau nói: “Mỗi khách hát hai bài, mỗi đêm khoảng hai mươi khách thì đã là 40 bài. Bởi vậy quán sẽ không thể đông như quán cà phê quán nhậu, mà luôn ấm cúng, gần gũi. Khách sớm muộn quen biết nhau, thậm chí thành đôi lứa”. Người thích hát nhạc Phạm Duy như bài “Cây đàn bỏ quên”, người lại thích trình bày các nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn, như “Một cõi đi về”.
Anh Minh, một nhạc sĩ trẻ nói: “Quán Xóm ở quận 7 tồn tại khoảng 15 năm và rất nhiều quán hát với nhau khác cũng có tuổi đời hơn vài chục năm. Tụ điểm ca nhạc chuyên nghiệp cũng phải ghen tỵ với sức sống của quán Hát với nhau”.
Tại quán Phong Nguyệt, tôi từng gặp ca sĩ Nhật Hạ từ Mỹ về ghé thăm quán và hát giao lưu cùng những vị khách quen hằng đêm. Những nhạc công ở tụ điểm Nhà hát Hòa Bình cũng kể: “Nhiều ca sĩ hải ngoại, trong đó có Tuấn Ngọc, lúc về Việt Nam vẫn ghé hát giao lưu”.
Mới đây, sau đêm nhạc cá nhân công phu tổ chức trên sân khấu lớn, ca sĩ chuyên nhạc Pháp là Thanh Hoa cũng có một tối hát đầy cảm xúc tại quán “Mộc Cầm” trước những tín đồ âm nhạc “đích thực”. Mộc Cầm mỗi đêm có vài chục giọng ca nghiệp dư tới để khoe giọng cùng tiếng đàn ghi ta điêu luyện của nghệ sĩ Kiều Anh Tuấn.
Ban ngày, khi không có chương trình, các quán “Hát với nhau” là tụ điểm gặp gỡ, trò chuyện, giới thiệu sáng tác mới. Nhiều ca sĩ được phát hiện từ hát giao lưu. Ca sĩ trẻ hát nhạc Trịnh là Hoàng Trang trưởng thành từ quán hát nhạc Trịnh Công Sơn ở khu Bình Quới. Giọng ca trẻ hát nhạc Bolero Huỳnh Thật thì đi lên từ quán hát mộc ở quận 3…
Các nhạc công quán “Hát với nhau” |
Khách Tây cũng hát
Không khí “gặp nhau là hát” tại TP.HCM vẻ như đã “lây lan” cả sang người ngoại quốc.
Quán bar Yoko ở quận 3 vốn là tụ điểm nhạc rock đã dành tối thứ Ba hằng tuần làm đêm hát với nhau, sân khấu mở. 80% khách hát với nhau tại Yoko là người nước ngoài. Họ vốn dạy tiếng Anh, dạy nhạc trường quốc tế, những nghệ sĩ “di gan” lang bạt và đôi khi là những người có chồng, vợ là người Việt Nam. Tuấn Anh, cựu du học sinh làm M.C ở quán nói: “Các bạn nước ngoài rất mê hát. Quán phải thông cảm với các bạn, để mỗi người chỉ hát hai bài, nhường sân khấu cho người khác”.
Các bạn nước ngoài đi hát thường mang theo đàn của mình, kèn, thậm chí cả trống và amply nữa! Họ tự đàn hát, ngẫu hứng lập nên các ban nhạc trong buổi tối hôm đó và chơi nhạc cho tới khi quán xin lỗi hết thời gian và đóng cửa.
Tôi đã gặp nhiều du khách từ Hà Nội, Vũng Tàu, Đà Lạt… tới TP.HCM để hát tại các quán mộc, gặp gỡ những bạn bè yêu ca hát mà họ quen biết trên mạng xã hội.
Chị Ngân, từ Hà Nội vào nói: “Tôi đến TP.HCM và đi thăm được 5 quán hát mộc, giao lưu, hát tặng các bạn những bài hát về Hà Nội. Mọi người cổ vũ nhiệt tình, hẹn sẽ gặp tại thủ đô trong một dịp gần đây”.
Một hôm, tôi gặp cô gái trẻ vào hát tại quán nhạc mộc ở quận 3. Cô nói: “Em là giáo viên dạy nhạc ở tỉnh, mê ca hát, muốn lên TP.HCM sinh sống mà chẳng biết phải bắt đầu từ đâu. Em tới đây hát cho mọi người nghe”. Qua lời giới thiệu của những người yêu ca hát, cô vào thử giọng tại các phòng trà và một thời gian sau đã đứng cùng sân khấu với các ca sĩ nổi tiếng. Cô lấy nghệ danh là Hà Vân và được phòng trà ký hợp đồng làm ca sĩ độc quyền.
Thăng trầm
Ít người biết các chủ quán “Hát với nhau” chịu khá nhiều thiệt thòi trong thời buổi giá mặt bằng tăng cao, chi phí đắt đỏ. Quán Phong Nguyệt nổi danh một thời đã đóng cửa vì chi phí mặt bằng quá lớn. Quán hát với nhau có tiếng tại cư xá Bắc Hải do chị Lan - một người yêu ca hát mở nhiều năm, cuối cùng cũng không tồn tại được vì quá nhiều quán nhạc DJ mọc lên. Anh Phong, chủ quán hát với nhau ở đường Lê Văn Sĩ nói: “Sau đại dịch COVID-19, các bạn trẻ về quê nhiều nên chúng tôi chưa tìm được nhân viên và chấp nhận đóng cửa dù vẫn trả tiền mặt bằng. Chúng tôi cố giữ mặt bằng, chờ cơ hội hoạt động trở lại”.
Anh Long, chủ quán hát với nhau khu Cư xá ngân hàng ven kênh Tẻ, quận 7 nói: “Phụ thu các quán chỉ từ 20.000-50.000 đồng mỗi khách, mà quán phải chi trả tiền cho nhạc công, người dẫn chương trình, đôi khi cả người trông xe, rồi tiền nhân viên, mặt bằng. Lượng khách hát không thể đông như các quán nhậu, cà phê, bóng đá. Đa số quán hát với nhau mở ra chỉ mong hòa vốn. Chúng tôi duy trì được quán là do lòng đam mê ca hát của khách và... của cả chủ quán nữa!”.