Vào những ngày cuối tháng 7 đầu tháng 8 Âm lịch, tại thôn Thượng Cung (xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, Hà Nội), gia đình ông Trần Văn Bản lại tất bật đục khuôn bánh trung thu.
Gần 25 năm theo nghề từ năm 18 tuổi, để giữ được "lửa", ông Bản luôn tìm tòi, sáng tạo để phát triển nghề.
“Khuôn bánh trung thu thường được làm từ gỗ xà cừ, bởi độ bền, dễ đục đẽo. Tại địa phương ngày trước có nhiều hộ gia đình làm nghề đục khuôn bánh trung thu, nhưng đến hiện tại đã bỏ gần hết, chỉ còn 2 hộ gia đình”, ông Bản nói.
"Bởi nghề chỉ mang tính thời vụ, lợi nhuận không xứng đáng với công bỏ ra nên mọi người ở đây đều bỏ nghề", ông Bản chia sẻ thêm.
Để tạo hình khuôn bánh trung thu hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn như vẽ khuôn, xẻ gỗ, đục… và có sự khéo léo của người thợ.
Khuôn bánh nướng và khuôn bánh dẻo được làm khác nhau. Đối với bánh nướng phải đục đều nét, để khi nướng lớp vỏ bên ngoài bắt lửa đều, bánh sẽ không bị cháy hay vàng không đều.
Gia đình ông cung cấp ra thị trường khoảng gần 1000 khuôn bánh trung thu.
Mỗi năm nhà ông lại cho ra nhiều khuôn bánh với tạo hình mới.
Công đoạn đục họa tiết được những người thợ đánh giá là công đoạn khó nhất bởi thực hiện hoàn toàn thủ công bằng tay, đòi hỏi người thợ phải cẩn thận trong từng chi tiết bởi đây chính là yếu tố để chiếc bánh khi ra lò có đẹp hay không.
Trung bình, mất khoảng 2 giờ để hoàn thành một khuôn bánh trung thu cỡ trung.
Mỗi khuôn có giá dao động từ 300.000-400.000đ. Khuôn cầu kỳ có giá đến hàng triệu đồng tùy theo kích cỡ khuôn.