Gặp lại Á quân Olympia năm đầu tiên Nguyễn Thành Vinh

Á quân "Đường lên đỉnh Olympia" năm đầu tiên Nguyễn Thành Vinh
Á quân "Đường lên đỉnh Olympia" năm đầu tiên Nguyễn Thành Vinh
Những ai yêu mến chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” trên truyền hình, hẳn còn nhớ cái tên “Nguyễn Thành Vinh”, người đã về đích thứ hai trong trận chung kết năm đầu tiên và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả bởi sự thông minh và vẻ ngoài thư sinh.

Sau 14 năm, Thành Vinh vẫn tiếp tục phát huy được “phong độ” và trở thành cái tên được nhiều người biết đến trong cộng đồng người Việt Nam ở Australia.

Chào Thành Vinh, rất nhiều độc giả yêu mến chương trình Đường lên đỉnh Olympia quan tâm không biết cuộc sống của chàng Á quân năm đầu tiên bây giờ như thế nào?

Hiện tại tôi đang sống và làm việc tại Australia. Tôi đã xây dựng gia đình và đã có hai con (một trai, một gái). Tôi đang tham gia nghiên cứu và giảng dạy tại Trường đại học Curtin, thành phố Perth, bang Tây Australia. Tôi đang có một cuộc sống bình thường, được làm công việc mình yêu thích, được sống với những người mình yêu. Con cái có điều kiện học hành làm tôi yên tâm về các cháu.

Anh có thể điểm lại chặng đường học tập, nghiên cứu và công tác của anh kể từ khi tham gia chương trình Đường lên đỉnh Olympia đến nay? Những thành tích nổi bật của anh là gì?

Sau khi thi Đường lên đỉnh Olympia xong, tôi tham dự kỳ thi Olympic Hóa quốc tế cho học sinh cấp 3 và giành huy chương bạc. Sau đó, tôi đi du học ở Sydney, theo một học bổng do Chính phủ Australia cấp chứ không phải học bổng từ Olympia-LG như mọi người nhầm tưởng. Tiếp đó, tôi làm tiếp nghiên cứu sinh để lấy bằng tiến sỹ, cũng nhờ một học bổng tương tự của Chính phủ Australia.

Tôi đã dành hai năm làm việc tại Đức theo chương trình Alexander von Humboldt, một chương trình hỗ trợ các nhà nghiên cứu trẻ sau tiến sĩ. Và bây giờ tôi quay lại làm việc tại Australia. Trong suốt quá trình tham gia nghiên cứu và giảng dạy, tôi cũng có giành được một số giải thưởng về lĩnh vực nghiên cứu hóa học, nhưng có lẽ những giải thưởng này không có tính đại chúng nên cũng không cần nhắc đến ở đây (cười). Hy vọng trong tương lai sẽ có cơ hội giành được một vinh dự nào đó lớn lao để làm rạng danh thêm người Việt ở nước ngoài.

Kỷ niệm mà anh nhớ nhất về lần tham gia “leo núi” lên đỉnh Olympia?

Đó là kỷ niệm về một người bạn là cộng tác viên của chương trình. Một bạn gái xinh xắn và rất nhiệt tình vui vẻ, nhưng không may đã qua đời vì một tai nạn xe máy sau khi chương trình kết thúc. Tôi cảm thấy rất buồn và tiếc cho một con người đang tràn đầy sức sống và rất yêu đời nhưng lại không có cơ hội được sống tiếp tuổi trẻ của mình. Hy vọng người bạn ấy đang an nghỉ yên bình ở thế giới bên kia...

Sau khi tham gia cuộc thi, điều mà anh có được lớn nhất là gì?

Khi tham gia cuộc thi, tôi chỉ là một cậu học trò cấp 3 ở tỉnh lẻ và bỗng nhiên được nhiều người biết đến, được ưu ái, được hỗ trợ. Sau thời điểm đó, tôi có tham gia đóng bộ phim “Phía trước là bầu trời” trước khi đi du học Australia. Đó là một trải nghiệm thú vị của tuổi trẻ. Nhưng sau này, tôi nhận ra mình đã có lúc hơi đi lạc khỏi con đường mình nên đi và cũng có lúc nghĩ giá như không có chút “danh tiếng” đó lại hay hơn. Tôi xác định con đường mình đi là học tập và nghiên cứu khoa học.

Australia là điểm đến của các nhà leo núi Olympia, bản thân anh và mọi người có gặp gỡ hay hỗ trợ nhau trong quá trình học tập, công tác không?

Các bạn đi theo học bổng của chương trình học tại Melbourne, trong khi đó, tôi lại học ở Sydney nên cũng ít có sự gặp gỡ hay giao lưu. Tuy nhiên, giữa các nhà vô dịch Olympia tại Melbourne thì chắc là có. Tôi có gặp Phan Mạnh Tân (nhà vô địch Olympia năm thứ hai) và thỉnh thoảng vẫn trò chuyện qua mạng Internet cho đến bây giờ. Tân là một người rất thông minh và chín chắn, giờ cậu ấy cũng có một gia đình hạnh phúc và thành công trong công việc.

Gặp lại Á quân Olympia năm đầu tiên Nguyễn Thành Vinh ảnh 1

Nguyễn Thành Vinh hạnh phúc bên cạnh cậu con trai nhỏ

Australia cũng là nơi có số lượng đông đảo người Việt Nam học tập và sinh sống. Anh có thường xuyên gặp gỡ và tham gia vào các hội, nhóm sinh hoạt của người Việt tại đó không?

Các hội sinh viên Việt Nam tại Australia hoạt động rất sôi nổi. Nhưng giờ tôi không còn là sinh viên nữa nên không tham gia. Tại trường đại học nơi tôi đang làm việc cũng có nhiều sinh viên Việt Nam. Tôi có cơ hội giảng dạy cũng như nghiên cứu cùng với các em, các anh các chị, vì nhiều người trong số đó là những người đã có công việc rồi mới đi học thêm lên thạc sĩ hoặc tiến sĩ bên này. Bên cạnh đó, tôi thường gặp gỡ ăn uống với bạn bè người Việt vào mỗi dịp cuối tuần để cho con cái có điều kiện gặp bạn người Việt và giữ gìn được ngôn ngữ Việt của mình.

Với nhiều cơ hội được tiếp xúc, học tập và làm việc với bạn bè ở các nước, anh thấy thanh niên Việt Nam có những ưu điểm và hạn chế gì?

Tôi thấy thanh niên Việt Nam thông minh và chăm chỉ. Tuy nhiên, hạn chế của thanh niên Việt Nam là vốn ngoại ngữ còn kém và thường không tự tin vào bản thân mình, dẫn đến khả năng giao tiếp xã hội kém. Cá nhân tôi đánh giá là khi đi du học, những gì mình học được từ các mối quan hệ xã hội và môi trường văn hóa mới còn quan trọng hơn nhiều so với kiến thức mình học được tại trường.

Là người có cơ hội học tập, nghiên cứu tại Australia và giờ lại làm việc tại đây. Anh có dự định cho việc trở lại làm việc tại Việt Nam hay không?

Tôi cũng có dự định cho việc trở lại làm việc tại Việt Nam. Tuy nhiên, thời điểm bây giờ tôi đang tích lũy thêm kinh nghiệm, tham gia các họt động nghiên cứu và mong muốn sẽ tạo lập được thêm các mối liên hệ hợp tác với trong nước. Sau này khi thích hợp, tôi sẽ quay trở về, hy vọng sẽ đóng góp được nhiều hơn và tốt hơn cho nền giáo dục và nghiên cứu khoa học của Việt Nam.

Xin cảm ơn anh! Chúc anh và gia đình một năm mới mạnh khỏe và hạnh phúc!

Theo Dân trí
MỚI - NÓNG