Gặp khó từ bờ

Gặp khó từ bờ
TP - Ngư dân Quảng Ngãi sắp được thí điểm đóng tàu vỏ sắt, sẽ ra khơi với tàu công suất lớn, vỏ sắt, đủ sức cạnh tranh, gìn giữ chủ quyền. Tuy nhiên, vốn đối ứng và sự e ngại của chính quyền vẫn đang là rào cản lớn...

> Hạ thủy tàu không cabin

Hầu hết tàu ngư dân vẫn là tàu gỗ. Ảnh: N.C
Hầu hết tàu ngư dân vẫn là tàu gỗ. Ảnh: N.C.

Sẵn sàng, nhưng vẫn lo

Anh Lê Văn Sang, ngư dân ở xã Nghĩa Phú (chủ đôi tàu QNg 92689, và QNg 97409, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi), làm hồ sơ chuyển đổi từ tàu gỗ sang tàu vỏ sắt, cho biết: Nếu được phê duyệt và dự án triển khai, anh sẵn sàng bán đôi tàu của mình, vay mượn thêm ngân hàng để hiện đại hóa. Tuy nhiên, điều anh Sang lo lắng nhất vẫn là hiệu quả đến đâu khi phải bỏ ra một số vốn lớn, thay thế sự ổn định hiện đang có?

Dự án đóng tàu sắt cho ngư dân được tỉnh Quảng Ngãi trình Chính phủ cuối tháng 7-2012. Theo đó, tỉnh sẽ đóng thí điểm 22 tàu sắt (từ 400 – 800CV) trong đó 20 tàu đánh cá, 2 tàu hậu cần với tổng kinh phí khoảng 174 tỷ đồng. Tàu có kinh phí ít nhất là 4,9 tỷ đồng, nhiều nhất 10,5 tỷ đồng/tàu. Để đóng thí điểm tàu cá này, tỉnh chọn Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam thiết kế và đóng tàu cho ngư dân. Sau đó, đơn vị này sẽ tập huấn, chuyển giao công nghệ, cách vận hành tàu cá vỏ sắt cho ngư dân sử dụng.

Là một trong gần 100 ngư dân ở Nghĩa Phú sở hữu đôi tàu gỗ có công suất lớn, đôi tàu của anh Sang có công suất gần 1.000 mã lực, đang làm ăn rất hiệu quả, mỗi chuyến biển có thể kéo dài hơn 3 tháng thay đổi nhau.

Tàu được trang bị hiện đại, hầm bảo quản hải sản tương đối tốt, nay nếu thay mới cũng hơi ngại ngần.

Mặc dù vậy, theo anh Sang, một năm kiếm được trên dưới 1 tỷ vẫn có thể là nhiều, nhưng khi tàu ra biển lớn, đối diện với những tàu sắt ngư dân nước ngoài, anh không khỏi chạnh lòng với phương thức làm ăn nhỏ lẻ của mình.

Cùng sở hữu đôi tàu mạnh, anh Trần Quang Ninh (xã Nghĩa Phú) cũng có mong muốn được chuyển sang tàu sắt, phân vân: Vốn quá lớn, riêng đôi tàu của tôi đóng cuối năm 2010, tốn hơn 5 tỷ đồng. Giờ chỉ đóng một tàu sắt tốn tới 7–10 tỷ, tiền đâu ra?.

Theo anh Lê Văn Hùng (chủ đôi tàu QNg 92826 và 92229, thôn Làng Cá, xã Nghĩa Phú), cách vận hành, bảo quản tàu cá vỏ sắt cũng là một trở ngại.

“Nhà nước hỗ trợ vay vốn, lãi suất, chúng tôi góp thêm tiền đóng tàu sắt, nhưng hiệu quả đến đâu chưa ai kiểm chứng, rồi chi phí bảo trì, cách vận hành, phí tổn ra khơi... cũng là chuyện khó. Được đóng tàu sắt ai cũng thích và sẵn sàng, nhưng vốn lớn quá”.

Ngư dân Trần Văn Trung (thôn làng Cá, Nghĩa Phú) sở hữu đôi tàu gần 1.000 CV, cho biết khi chính quyền xã xuống vận động, anh cũng rất hào hứng, nhưng nhẩm tính 7–10 tỷ đồng để đóng tàu là quá lớn trong khi nhà nước chỉ hỗ trợ 70% bằng hình thức cho vay vốn đối với thực lực gia đình anh là khó khả thi.

“Đóng mới đôi tàu gỗ hết 3,6 tỷ đồng, sắm ngư lưới cụ, công lao động rồi ra khơi chuyến được chuyến không, giờ sổ đỏ cũng nằm ngân hàng, biết lấy chi mà đối ứng. Nếu đóng tàu sắt, tiền bán tàu cũ chỉ đủ để sắm trang thiết bị”.

Theo UBND xã Nghĩa Phú, có tới 90 đôi tàu đánh bắt xa bờ trên địa bàn, toàn tàu lớn trên 400CV nhưng hầu như chưa ai mặn mà lắm với chuyển đổi sang tàu sắt bởi nhìn đi nhìn lại, chưa ai thấy nguồn tiền 30% tự bỏ ở đâu ra ?

Tại Đà Nẵng, khi nghe về dự án tàu sắt, anh Hồ Văn Trường hồ hởi: Nếu được hỗ trợ như dự án ở Quảng Ngãi, tôi sẽ là người đầu tiên đăng ký.

Trong gia đình anh Trường, em trai anh là Hồ Văn Nhái cũng đang làm chủ tàu lớn, anh trai thì gom hải sản, chuyên tiêu thụ, mấy anh em còn lại kinh doanh lưới, ngư cụ...

Ông Hồ Văn Tình, nói: Năm qua mất mát nhiều, nhưng nếu nhà nước hỗ trợ vay 70% vốn, hỗ trợ lãi suất thì 7 tỷ đồng chứ 17 tỷ tôi cũng ráng đóng. Có tàu lớn, thu hồi vốn mấy hồi.

Muộn còn hơn không

Theo ông Phan Huy Hoàng – Phó GĐ Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi: Dự án của tỉnh đã trình Chính phủ từ cuối tháng 7, vẫn đang chờ hồi âm.

“Ai cũng suốt ruột, chi tiết dự án, đóng mới ra sao, ngư dân tham gia thế nào, ai hướng dẫn cách sử dụng, vận hành, bàn giao ra sao, vốn liếng huy động... đều thể hiện đầy đủ cả, Bộ NN&PTNT ủng hộ lắm, nhưng nghe nói Bộ Tài chính vẫn chưa quyết”.

Nếu được phê duyệt triển khai, Quảng Ngãi sẽ là địa phương đầu tiên, sau đó sẽ nhân rộng ra cả nước, đặc biệt là miền Trung và miền Tây Nam Bộ.

“Nhìn ra thế giới, các nước như Thái Lan, Philippines hay Trung Quốc, ngư dân họ phần lớn dùng tàu sắt hoặc cao hơn là tàu composite. Còn Việt Nam thì gần như 100% đều dùng tàu gỗ, tuổi đời ngắn, công suất yếu, bảo quản hải sản hạn chế và quan trọng nhất là cung cách làm ăn manh mún, nhỏ lẻ và “yếu bóng vía” trên biển. Cần phải đóng tàu sắt ngay, muộn còn hơn không”.

Ông Hoàng nhấn mạnh trong tình thế hiện nay, nếu cần thiết còn phải hỗ trợ hoàn toàn cho ngư dân thí điểm chứ đừng nói đến ngư dân bỏ ra 30, vay 70 (được khống chế lãi suất 16%/năm).

Ông Lê Quang Khâm – Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phú, cho hay, vốn là nỗi lo hàng đầu của ngư dân. “Chúng tôi cũng đang vận động bà con tham gia dự án, nhưng khi được nói khó khăn về vốn và hiệu quả thì nói thật vẫn chưa thể trả lời được. Đành phải chờ”.

Ông Hồ Phó – Phó GĐ Sở NN&PTNT Đà Nẵng cho biết, mới nghe dự án sẽ triển khai ở Quảng Ngãi chứ chưa có thông tin gì thêm.

“Tại Đà Nẵng, ngư dân nào đóng tàu sắt, Sở không cấm nhưng cũng chưa khuyến khích. Hiện thành phố đã có phương án hỗ trợ 500 – 800 triệu đồng/tàu đóng mới (trên 400CV) bắt đầu từ ngày 1-1-2012, tàu sắt hay tàu gỗ đều được hỗ trợ như nhau cả. Còn phải chờ dự án Quảng Ngãi xong, hiệu quả ra sao mới tính tiếp” - ông Phó nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Khi nào Hà Nội chuyển lạnh trở lại?
Khi nào Hà Nội chuyển lạnh trở lại?
TPO - Diễn biến khí tượng thực tế tại miền Bắc, Thủ đô Hà Nội trong ít ngày qua duy trì ở ngưỡng nhiệt trung bình cao trên 30 độ C, cảm nhận thực tế nóng oi vào nhiều thời điểm trong ngày. Bộ phận không khí lạnh đang di chuyển về phía Nam dự báo sẽ ảnh hưởng tới khu vực trong dịp đầu tuần (18/11), biến động hạ nhiệt có thể sẽ kéo dài ít ngày.
Địa điểm xây ga đường sắt mới ở Đà Nẵng
Địa điểm xây ga đường sắt mới ở Đà Nẵng
TPO - Chính quyền thành phố Đà Nẵng có kế hoạch di dời ga Đà Nẵng ra khỏi trung tâm để giảm thiểu ùn tắc giao thông, cải tạo cảnh quan. Theo kế hoạch di dời, phần ga hành khách của ga Đà Nẵng sẽ được dời về khu vực hồ Trung Nghĩa (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu).