Trong những năm 1985-1987, tôi học về tim mạch ở TP New York, tôi đã gặp nhiều người bạn là thầy thuốc châu Á, nhiều người là người Trung Quốc. Khi các bác sĩ này trở về Trung Quốc, họ trở thành trưởng khoa tim mạch của nhiều bệnh viện ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Tây An hay Quảng Châu.
Một trong những bác sĩ này đã mời bệnh viện của tôi đến dạy các bác sĩ Trung Quốc phẫu thuật tim hở. Nhóm này đã thực hiện phẫu thuật bắc cầu cho nhiều bệnh nhân. Năm 1992, họ lại mời chúng tôi đến dạy phương pháp nong mạch. Sau đó một người bạn của tôi hỏi “Vì sao anh tới Trung Quốc mà không về Việt Nam?”. Tôi nói vậy chúng ta chuẩn bị cho chuyến đi Việt Nam và nhờ anh ấy thu xếp. Tôi đến Hà Nội năm 1993. Lúc đó ở Hà Nội chưa có kỹ thuật chụp mạch nên không làm được gì. Tôi phải đợi đến năm 1997, khi bác sĩ Eugene Braunwald - một người rất nổi tiếng lúc đó tại Mỹ, tôi hỏi ông ấy có muốn đến Hà Nội không. GS Braunwald trả lời là có.
Phái đoàn tới Việt Nam lúc đó rất hùng hậu, có cả giáo sư Michael Gibson - bác sĩ tim mạch can thiệp, nhà nghiên cứu tim mạch và nhà giáo dục, người đã đi tiên phong về “giả thuyết động mạch hở” và là nhà nghiên cứu hàng đầu trong các thử nghiệm về thuốc làm tan huyết khối, thuốc hạ lipid máu và các thiết bị mới… Ông được Thomson Reuters bình chọn là một trong những nhà khoa học được công bố và trích dẫn rộng rãi nhất trên thế giới trong thập kỷ qua vào năm 2014, hiện có gần 440 ngàn người theo dõi trên Twitter. Và giáo sư Stephen Oesterle, Trưởng khoa tim mạch của ĐH Stanford, người đã có rất nhiều khám phá quan trọng cho ngành tim mạch Mỹ lúc đó.
GS Thạch Nguyễn phát biểu tại một hội nghị khoa học về tim mạch tại Busan, Hàn Quốc |
Ban đầu chúng tôi được dẫn tới Bệnh viện 108, nhưng bệnh viện này lúc đó không đủ điều kiện cho đoàn triển khai nhiều việc nên giới thiệu chúng tôi qua bệnh viện Bạch Mai. Đó đúng là một chữ duyên vì Bệnh viện Bạch Mai phù hợp hơn BV 108. Điều này cũng tương tự chuyện của Bệnh viện ĐH Harvard lúc đó, quá nổi tiếng để có thể mạo hiểm làm điều gì mới. BV Bạch Mai triển khai mọi việc rất nhanh. Lúc bấy giờ, bệnh viện Bạch Mai xấu và cũ. Tôi nhớ lúc dạy ở đó, tôi dạy trong một hành lang được quây lại để thành phòng học.
Qua bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi gặp bác sĩ Phạm Gia Khải. Khi ở Bắc Kinh (Trung Quốc), lúc tôi đi một hội nghị về tim mạch can thiệp, giáo sư Khải vào ngồi nghe. Tôi ngạc nhiên vì giáo sư Khải làm tim mạch lâm sàng chứ không làm tim mạch can thiệp, chứng tỏ ông ấy đã có mối quan tâm từ rất sớm tới tim mạch can thiệp. Đến hôm nay, Bạch Mai vẫn là nơi hàng đầu ở VN làm về tim mạch can thiệp. Và đó là nơi tổ chức được Viện Tim mạch quốc gia nằm trong Bạch Mai, được độc lập về ngân sách và nghiên cứu, và nguồn lực, không có các rào cản về hành chính.
Thời điểm đó, mọi việc diễn ra như thế nào trong điều kiện rất thiếu thốn thiết bị và nhân lực, thưa giáo sư?
Năm 1993 là thời điểm mọi thứ đều rất thiếu thốn, Hà Nội hầu như chưa có gì hết nên chúng tôi cũng không làm được gì nhiều. Tới năm 1997-1998, Hà Nội có máy chụp hình mạch nên chúng tôi mới thực sự bắt tay vào việc được. Chúng tôi mang theo rất nhiều thiết bị được bác sĩ Lê Thanh Minh Khôi (Khôi Lê) trao tặng. Số thiết bị đó đủ dùng cho một năm, tạo ra một vốn liếng cho bộ phận tim mạch can thiệp của Bạch Mai. Và điều đó cũng thuận lợi cho việc giảng dạy và học tập.
Sau đó Bạch Mai nói về những gì họ cần cho thực tế điều trị lúc đó. Các ca bệnh bị hẹp van hai lá lúc đó rất nhiều do thấp khớp vì người dân sống trong vùng nhiệt đới ẩm thấp. Chúng tôi mang hai người qua dạy, trong đó có một người rất nổi tiếng lúc đó là ông Ted E. Feldman, trưởng đơn vị tim mạch can thiệp ở Chicago, người đã khám phá ra nhiều thủ thuật mới. Ông Feldman dạy thủ thuật nong van hai lá cho bác sĩ Phạm Mạnh Hùng và bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn. Tôi hỏi ông Ted Feldman: phải thực tập trên bao nhiêu ca rồi các bác sĩ Việt Nam mới tự làm được một mình? Ông ấy nói làm khoảng 20 ca. Nhưng đồ nghề mang qua lúc đó chỉ có 5 bóng nong Inoue. Sau hai ca, tôi lên lầu giảng bài. Bên dưới, bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn mang một bệnh nhân vào tự làm và làm thành công, Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên và thán phục. Tôi rất thích câu chuyện này. Các bác sĩ Mỹ rất thán phục, chứng tỏ sự đột phá của các bác sĩ Việt Nam.
Ông có nói rằng trong quá trình hợp tác giữa các bác sĩ Mỹ và Việt Nam trong lĩnh vực tim mạch, việc “cầm tay chỉ việc” trong lâm sàng rất quan trọng. Tại sao lại như vậy?
Lúc đầu, tôi đã trình diễn thủ thuật can thiệp tim mạch trên truyền hình. Nhưng làm thế nào một bác sĩ có thể biết phải làm gì khi chỉ xem thủ thuật tim mạch can thiệp trên qua tivi? Vì vậy, tôi nói với người bạn của tôi, bác sĩ Dayi Hu áp dụng kỹ thuật dạy nong mạch vành như ở Mỹ, thực tập sinh bác sĩ sẽ đứng cạnh bệnh nhân với tư cách là người điều hành đầu tiên, giảng viên sẽ đứng sau thực tập sinh và giúp thủ thuật. Bằng cách này, thực tập sinh bác sĩ có thể làm rất nhiều và học được rất nhiều.
Nhiều sinh viên Y Đại học Tân Tạo học với tôi tại Bệnh Viện St Mary Hobart Indiana hiện đang là bác sĩ nội trú hay học 18 tháng tại nhiều bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. |
Trước đây, khi các giảng viên từ Mỹ hoặc châu Âu đến Trung Quốc hoặc Việt Nam, họ cũng thích làm tất cả và không dạy nhiều. Tuy nhiên, tôi đã đề nghị các giảng viên Mỹ áp dụng phương pháp giảng dạy thực việc, các bác sĩ Việt Nam đều rất thích và đánh giá cao cách học này.
Ông đánh giá như thế nào về năng lực học hỏi của các thế hệ bác sĩ tim mạch Việt Nam mà ông từng giảng dạy? Những tiến bộ và thành công nào của các bác sĩ – học trò của ông khiến ông tự hào nhất?
Ở Việt Nam tôi hợp tác giảng dạy với 5 bệnh viện, nhưng một số bệnh viện không đủ nhân lực đáp ứng yêu cầu ban đầu nên hợp tác chủ yếu diễn ra ở Hà Nội, Huế và TPHCM. Nếu một bệnh viện không có một đội ngũ bác sĩ trẻ năng động và đột phá thì rất khó làm. Nhiều nơi khác như Thái Nguyên, Kiên Giang, Cần Thơ cũng mời nhưng chúng tôi không thể đi tới mọi nơi được. Chúng tôi nghĩ đến lúc các bác sĩ Việt Nam sẽ đảm trách tiếp phần việc này. Và đúng như vậy, về sau bác sĩ Phạm Mạnh Hùng đứng ra làm chương trình tim mạch can thiệp tại BV Thống Nhất, rồi ông ấy về Bạc Liêu làm tiếp. Sau đó tới Nha Trang, Nghệ An… Có cả bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, người học ở Pháp về, sau đó đã phát triển tiếp chương trình tim mạch can thiệp ở VN và làm còn giỏi hơn cả ông thầy. Vì lúc đó, các bác sĩ bên Mỹ một năm làm giỏi lắm chừng 100 ca, nhưng các bác sĩ Việt Nam mỗi tháng làm từ 30-40 ca vì nhu cầu điều trị rất lớn đòi hỏi. Họ làm mỗi ngày chục ca nên tiến bộ rất nhanh.
Sinh viên Dương Danh Nguyễn Hiền hỏi bệnh và khám cho bệnh nhân Kenneth Reid |
Hiện nay nhiều bác sĩ đã làm rất bài bản, ví dụ bác sĩ Lê Văn Trường - chủ nhiệm khoa Tim mạch của Học viện quân y, làm một ca rất mới là nong động mạch trên não khi bệnh nhân bị đột quỵ não. Bác sĩ Trường đã tự học để làm, Tôi rất khâm phục.
Khi đến VN, tôi chỉ mới mở ra một cánh cửa nhỏ dẫn đến con đường mới. GS Phạm Gia Khải đã giúp đỡ rất nhiều. Sau 2 năm đầu tiên học với các bác sĩ Mỹ, nhiều bác sĩ trẻ Việt Nam đã đi nước ngoài, học hỏi thêm, khi về nước, họ đã phát triển nhiều việc mới quan trọng, lúc đó họ đã có nền tảng khoa học được đào tạo, có đạo đức nghề nghiệp vững vàng, vì vậy họ tiến bộ rất nhanh và đưa kỹ thuật đến trình độ cao nhất như bây giờ.
Ông đã viết hàng trăm bài báo khoa học. Ông đánh giá như thế nào về năng lực nghiên cứu khoa học của các bác sĩ Việt Nam trong lĩnh vực tim mạch can thiệp?
Đội ngũ Việt Nam đã thực hiện nhiều ca hơn nhiều nước trên thế giới: số ca nong van hai lá cao nhất, số ca đóng lỗ thông liên nhĩ (ASD), ống động mạch (PDA), số ca nong mạch hoặc đặt stent nguy cơ cao... Chỉ vì áp lực công việc quá lớn, quá bận rộn nên họ không có thời gian tổng hợp tất cả các dữ liệu lại và công bố trên các tạp chí uy tín trên thế giới. Tôi thấy 3 lĩnh vực có chuyên môn cao tại Việt Nam (trong đó có nhiều bác sĩ từ Mỹ, Châu Âu, Đông Nam Á đến học tập: nong van hai lá, đóng ASD, PDA, nong mạch vành và đặt stent. Thế giới có thể học được nhiều điều từ Việt Nam. Hiện nay VN có những trung tâm tim mạch can thiệp làm rất giỏi, nhiều nước đến học, cả bác sĩ Mỹ nổi tiếng ở Mỹ muốn gửi các bác sĩ Mỹ qua học.
Giáo sư có rất nhiều nghiên cứu mang tính chất lâm sàng, cải tiến và thiết yếu đối với lĩnh vực tim mạch, những nghiên cứu này giúp tìm ra những phương pháp mới để cải thiện các can thiệp về nguy cơ mạch vành… và được đánh giá là có cách tiếp cận rất sáng tạo, đột phá và mang lại nhiều ý tưởng mới. Đâu là nghiên cứu mà ông dành nhiều tâm sức nhất và hài lòng nhất?
Tôi cho là việc phát hiện ra một phương pháp mới để xem xét hình ảnh động mạch vành nghiên cứu chi tiết hình thái, hướng và tương tác của các dòng chảy mạch vành là quan trọng, vì nó giúp ta có thể dự đoán vị trí tổn thương, khi nào sẽ xảy ra, giải thích tại sao tổn thương xảy ra ở đây mà không phải ở kia. Và nghiên cứu hiện nay tôi đang làm, dựa trên thủy động học.
Trong lĩnh vực tim mạch, một nghiên cứu mới, một cái máy mới hay một thủ thuật mới sẽ cũ trong vòng 6 tháng, sẽ có một cái mới khác xảy ra. Vì đó là khoa học, nó tiến triển và thay đổi rất nhanh. Nên những khám phá của tôi giờ không còn áp dụng nữa. Cần phải nhìn nhận rất thực tế và khiêm nhường điều này. Nhiều khám phá mới của các bác sĩ Mỹ, Nhật lúc đó giờ thua kém rồi, lạc hậu rồi, vì lớp trẻ tiến rất nhanh. Sách của tôi năm 2007-2010 là best-seller, nhưng bây giờ không còn thời thượng nữa, vì rất nhiều cái mới xảy ra rồi.
Chuyện đó có xảy ra với một mình tôi không? Không. Ferdinand Kiemeneij, M.D., Ph. D., có biệt danh là “cha đẻ của phương pháp thông động mạch vành qua động mạch quay”, là một bác sĩ tim mạch can thiệp thực hành tuyệt vời ở Amsterdam (Hà Lan). Nhiều bác sĩ trẻ trở nên nổi tiếng và giàu có nhờ kỹ thuật của ông. Tuy nhiên ông ấy giờ đây chỉ là còn là một ký ức mơ hồ.
Có một câu chuyện rất vui mà tôi muốn chia sẻ. Sau những năm đầu tiên tôi tới, nhiều năm sau, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu hỏi tôi vì sao không tiếp tục về Hà Nội thường xuyên nữa, tôi nói tất cả những gì hay nhất tôi đã dạy rồi, giờ tôi không còn gì mới để dạy thêm. Lớp trẻ và lớp già đã có một cuộc cạnh tranh rất thú vị, lành mạnh. Thậm chí có cả con trai của một bác sĩ thế hệ tôi. Khi cậu ấy vào nghề, tôi nhìn cậu ấy như một đồng nghiệp, một người bạn, không còn là đứa trẻ năm xưa tôi viết thư giới thiệu tìm học bổng đại học nữa. Các bác sĩ trẻ năm xưa làm việc tới tôi nay đều là những người rất thành đạt, giữ những vị trí quan trọng ở nhiều đơn vị y tế hàng đầu. Chỉ trong hai năm qua, vì đại dịch Covid nên tôi không đi Việt Nam được, trước đây tôi đi 8-9 lần mỗi năm.
Nghiên cứu mới nhất của tôi về thủy động học trong lĩnh vực tim mạch, truy về nguyên nhân căn bệnh tim mạch. Tháng 11 tới, tôi sẽ báo cáo ở một hội nghị tim mạch Boston và tôi được một tạp chí chuyên ngành đề nghị đăng trước. Tôi muốn trình bày những dữ liệu của báo cáo đó đầu tiên ở Việt Nam để sau này ngành tim mạch Việt Nam được ghi nhận là nơi đầu tiên công bố nghiên cứu mới này, có thể đó sẽ là một khám phá mới làm thay đổi cách chúng tôi chữa bệnh.
Trong một phát biểu trước sinh viên khoa y khi họ bắt đầu hành trình học ngành y, ông chào đón họ tới “một hành trình khám phá đặc biệt cả về cơ thể và tâm trí con người”, để “bảo vệ và mang lại lợi ích cho cuộc sống con người”. Nhưng ông cũng đồng thời nhấn mạnh rằng, với tư cách là nhà khoa học y tế, các bác sĩ không chỉ cần đưa ra các giải pháp điều trị mà còn phải tham gia cuộc chiến chống lại nhiều khuôn mẫu xã hội và thói quen xấu. Lời khuyên đó xuất phát từ những trải nghiệm thực tế nào của ông trong sự nghiệp của mình?
Trong việc chăm sóc bệnh nhân, chúng tôi không chỉ điều trị bệnh. Một khi bệnh nhân mắc bệnh thì đã là muộn. Là người thầy thuốc phục vụ xã hội, người thầy thuốc cần phải phòng bệnh cho người bệnh.
Dù là sinh viên ĐH Y dược hay Phạm Ngọc Thạch, dẫu học phí hiện nay bị cho là cao, tôi vẫn muốn nhắc các sinh viên y khoa là chi phí xã hội bỏ ra cho họ học không hề nhỏ. Ở Mỹ tiền học của ĐH Indiana là 20 ngàn đô la /sinh viên/năm, chính quyền tiểu bang bỏ thêm vào 400 ngàn đô la cho mỗi sinh viên thì mới đủ cho họ học thật tốt. Vì vậy, người bác sĩ có nhiệm vụ trả lại cho xã hội những đầu tư ấy thông qua thực hành vai trò bác sĩ thật tốt. Mà cách trả tốt nhất là chú trọng vấn đề phòng ngừa. Có nhiều cách để giáo dục bệnh nhân: bằng cách nói chuyện với bệnh nhân, cho xem tài liệu, hoặc yêu cầu bệnh nhân ngừng hút thuốc, không uống rượu, thực hiện chế độ ăn ít muối, ít dầu mỡ, tập luyện thể thao. Khi người bác sĩ nói về điều đó thật cẩn thận, đàng hoàng, ân cần, giải thích cặn kẽ dễ hiểu, phải làm cho người ta nghe, hiểu và làm theo. Đại đa số người dân sẽ nghe. Có khoảng 10% không nghe, nhưng không vì thế mà không nói nữa, vẫn phải nói, vì đó là bổn phận của người bác sĩ, dù là người làm tim mạch can thiệp. Mình là bác sĩ chứ không phải là quan trên. May mắn ra một lúc nào đó lời dặn thiết tha ấy của người bác sĩ được họ nghe, thì kết quả sẽ tốt cho sức khỏe của họ.
Ông từng nhắc rằng, các bác sĩ cần chú tâm hơn nữa để ra các quyết định có lợi nhất cho người bệnh, trong đó bao gồm cả việc đưa ra các giải pháp điều trị hợp lý, tiết kiệm nhất có thể. Chi phí điều trị (tim mạch) là điều mà người dân VN cực kỳ quan tâm. Điều gì đã dẫn ông tới lời căn dặn đó? Ngành tim mạch VN nên làm gì để có thể giảm chi phí điều trị mà vẫn giữ được tốc độ phát triển và đạt được những tiến triển mạnh mẽ?
Vấn đề chi phí điều trị lớn không chỉ Việt Nam phải đối mặt. Bệnh nhân Việt Nam mà không phòng ngừa tốt thì ngân sách điều trị sẽ rất lớn, nền y tế tài chính nhỏ của VN sẽ không gánh nổi. Vì thế phòng ngừa là cách tốt nhất và là cách đầu tiên, vì làm bớt bệnh và khiến chi phí điều trị giảm đi. Bác sĩ tim mạch nào mà không hướng dẫn phòng ngừa cho bệnh nhân thì không hoàn thành nhiệm vụ.
Sau khi khám bệnh, tôi nói chuyện với bệnh nhân James Lemon là kỹ sư thủy lực học về những khó khăn tôi gặp phải cần giải quyết trong nghiên cứu tôi. |
Thứ hai là về thuốc. Cuốn sách của tôi bán chạy vì nó tiếp cận vấn đề này rất thực tế. Nếu bệnh nhân nghèo, họ nhìn đơn thuốc và nói không chi trả nổi thì mình phải chọn ra viên thuốc nào quan trọng nhất giữ lại, sau đó tùy tình hình mà thêm viên số 2, số 3… Trong điều trị, cách quan trọng nhất là cách vì lợi ích tốt nhất của bệnh nhân. Một bác sĩ khám bệnh, trước khi cho danh mục thuốc dài dằng dặc thì phải hỏi hoàn cảnh của bệnh nhân, thậm chí lưu tâm tới điều kiện sống của họ, có đảm bảo thuốc được bảo quản đúng cách an toàn khi uống lâu dài không, thuốc hết hạn bỏ đi đúng cách như thế nào.
Một bác sĩ tim mạch đặt một stent rồi thì đừng để 5 năm sau bệnh nhân đó quay lại đặt thêm stent nữa. Điều trị như vậy là dở vì bác sĩ đó đã không theo sát để phòng ngừa cho bệnh nhân tốt nhất và cải thiện sức khỏe của họ một cách vững bền.
Trong việc chăm sóc bệnh nhân cũng vậy, phải đưa ra những gì tốt nhất, đơn giản nhất và giá cả phải chăng nhất cho bệnh nhân, cả ở Mỹ và ở Việt Nam. Nếu không, sẽ làm thâm thủng ngân sách y tế.
Có câu chuyện đặc biệt nào trong sự nghiệp y khoa của ông mà ông muốn kể cho độc giả Việt Nam?
Tôi muốn nói tới giáo sư Phạm Gia Khải. Thời điểm hợp tác ban đầu, có rất nhiều vị đồng nghiệp lớn tuổi khá bảo thủ. Nhưng giáo sư Khải đã rất quyết liệt để bảo vệ cho các bác sĩ trẻ, tạo cơ hội cho họ học hỏi và thực hành, bênh vực các bác sĩ trẻ khi người khác chỉ trích họ làm các thủ thuật nguy hiểm. Tôi đánh giá rất cao điều đó.
Giai đoạn 1990-2000, các cán bộ cấp cao của Việt Nam vẫn phải đi nước ngoài điều trị nhưng sau đó hầu hết đều do các bác sĩ Việt Nam đảm trách vì họ đã có cơ hội được học hỏi và thực hành trong giai đoạn đó. Hiện nay vấn đề động mạch vành có thể chữa được bằng phòng ngừa: huyết áp tốt, cholesterol tốt và tập luyện. Nhiều bệnh nhân đã được đặt stent từ những năm 90-2000-2010 không bao giờ phải trở lại nhà thương, đó là điều rất tuyệt vời. Các bác sĩ Việt Nam đã làm việc với trách nhiệm xã hội lớn lao.
Trân trọng cảm ơn giáo sư.
“Có bác sĩ hỏi tôi vì sao ông vẫn làm việc? Tôi trả lời: phải làm việc thì mình mới có câu hỏi để viết báo, viết bài khoa học. Đặt câu hỏi tốt và đúng thì sẽ bắt đầu hướng đi nghiên cứu đúng và tốt. Đi làm mới thấy được sự khác biệt giữa thực tế bệnh nhân và sách vở, để tìm ra những khám phá mới, các cách thức điều trị mới”
“Hiện nay, ngành tim mạch can thiệp ở Việt Nam đã trưởng thành. Tất cả các kỹ thuật tim mạch can thiệp mới đều có thể được thực hiện ở Việt Nam. Ngày 2-8 vừa qua, các bác sĩ Việt Nam tiếp tục thảo luận trực tuyến với giảng viên chính là BS Michael Gibson, Giáo sư Y Khoa tại Trường Y Harvard và Giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Lâm sàng Baim (trước đây là Viện Nghiên cứu Lâm sàng Harvard, HCRI). Vào ngày 24-10 năm nay, Hội tim mạch can thiệp Việt Nam do PGS.TS.BS Hồ Thượng Dũng làm chủ tịch sẽ tổ chức hội thảo trực tuyến với kỹ thuật can thiệp mới nhất, sử dụng sóng xung kích để phá vỡ mảng bám canxi trong động mạch vành (trước đây phương pháp tán can-xi chỉ dùng để phá sỏi trong thận mà không cần phải phẫu thuật).
Tôi đã đưa ngành tim mạch can thiệp vào Việt Nam, tuy nhiên các bác sĩ trẻ, hiện là trưởng nhiều bệnh viện ở VN là những người đã xây dựng và đưa chương trình tim mạch can thiệp ở VN lên mức cao nhất hiện nay. TS.BS Nguyễn Thượng Nghĩa, giám đốc phòng thí nghiệm thông tim BV Chợ Rẫy, PGS.TS.BS Hồ Thượng Dũng, phó giám đốc BV Thống Nhất, PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu, giám đốc BV ĐH Y Hà Nội; GS.TS.BS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc BV Bạch Mai; PGS.TS.BS Phạm Mạnh Hùng, Giám đốc Viện Tim mạch Quốc gia; PGS.TS.BS Phạm Như Hùng, Phó Giám đốc BV Tim Hà Nội, và TS.BS Đinh Đức Huy, Trưởng khoa Tim mạch BV Tâm Đức. Cộng đồng tim mạch can thiệp Việt Nam đã rất giỏi trong việc áp dụng và sử dụng các thiết bị và kỹ thuật đã phát triển ở các nơi khác. Giờ là thời điểm để cộng đồng tim mạch can thiệp Việt Nam phát triển những phương pháp điều trị mới, phát minh ra những thiết bị mới, từ Việt Nam đưa ra thế giới. Trong nghiên cứu và ứng dụng y học, bầu trời không là giới hạn”.
Năm 2007, cuốn sách lâm sàng thứ 2 của Giáo sư Thạch Nguyễn đã được Tạp chí Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ, Tạp chí Phẫu thuật Lồng ngực Hoa Kỳ, tạp chí ở Ý đánh giá là “Một la bàn cho các bác sĩ tim mạch ngày nay”. Cuốn sách này xuất bản lần đầu vào năm 2000. Vào năm 2007, khi xuất bản lần thứ hai, Internet chưa phổ biến nên các bác sĩ tim mạch vẫn đọc tham khảo cuốn sách.