Gần 80 tỷ USD tài trợ cho Việt Nam sau 20 năm

Gần 80 tỷ USD tài trợ cho Việt Nam sau 20 năm
Vốn ODA cam kết cho Việt Nam sau 20 năm đạt khoảng 78,2 tỷ USD nhưng con số giải ngân thực tế chỉ đạt trên 60%. Nguyên nhân chủ yếu do bên nhận tài trợ.

> “Năng lực hấp thụ vốn ODA chưa cao”

> 'Sử dụng ODA ở Việt Nam còn nhiều bất cập'

Vốn ODA đóng góp đáng kể vào các thành tựu kinh tế VN trong 20 năm qua
Vốn ODA đóng góp đáng kể vào các thành tựu kinh tế VN trong 20 năm qua. Ảnh: VNA

Cùng với phát biểu chỉ ra nhiều thành tựu cũng như những bất cập trong việc sử dụng vốn tại Việt Nam của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhiều tổng kết về quá trình hợp tác với các nhà tài trợ cũng được chỉ ra tại lễ kỷ niệm 20 năm ODA sáng 17/10.

Kể từ hội nghị bàn tròn về viện trợ dành cho Việt Nam tại Paris (Pháp) tháng 11/1993, theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, đến nay, các nhà tài trợ đã cam kết tổng cộng 78,195 tỷ USD vốn ưu đãi cho nền kinh tế. Hiện nay ở Việt Nam, có trên 50 nhà tài trợ song phương và đa phương đang hoạt động.

Nguồn vốn ODA được cung cấp dưới hình thức viện trợ không hoàn lại có vốn vay ưu đãi, lãi suất từ dưới 1% đến tối đa 2% một năm, thời gian trả nợ 30 đến 40 năm bao gồm 10 năm ân hạn. ODA có thể được cung cấp với các điều kiện ràng buộc như phải mua sắm bằng tiền viện trợ hàng hóa và dịch vụ có xuất xứ từ nước tài trợ hoặc ràng buộc một phần.

Theo đánh giá của cơ quan quản lý, nguồn vốn cam kết thì nhiều, nhưng năng lực hấp thụ ở cấp quốc gia cũng như cấp ngành, địa phương còn yếu kém. Tính chung trong giai đoạn 1993 – 2012, tỷ lệ giải ngân vốn ODA chỉ đạt khoảng 63% vốn đã ký kết. Còn nếu so với số vốn cam kết, có nhiều thời điểm giải ngân chỉ bằng 50%.

Riêng thời kỳ 2006-2010, khoảng 7 tỷ USD vốn ODA đã ký kết nhưng vẫn chưa giải ngân, trong đó có nhiều chương trình, dự án được hưởng các điều kiện tài chính ưu đãi cao phải chuyển tiếp sang thời kỳ 2011-2015.

Phân tích nguyên nhân của hiện tượng này, vấn đề vốn đối ứng được nhắc đến khá nhiều. Ý kiến từ lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cho biết, nhu cầu vốn đối ứng phải bố trí cho tỉnh bình quân mỗi năm khoảng 120 – 140 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn từ ngân sách Trung ương phân bổ và vốn ngân sách tỉnh không cân đối đủ, chỉ vào khoảng 60 đến 70 tỷ đồng, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân các chương trình dự án ODA.

Về phía các nhà tài trợ, báo cáo của Bộ Kế hoạch trích dẫn ý kiến của phía Canada, cho rằng các thủ tục còn phức tạp, nhất là trong quá trình phê duyệt dự án. Sự phối hợp giữa các đơn vị, nhất là cấp Trung ương hơn nữa là ở cấp địa phương có nhiều thách thức.

Trong tương lai, nguồn vốn ODA dành cho Việt Nam có thể giảm do đã trở thành nước có thu nhập trung bình, trong khi nguồn vốn này chủ yếu dành cho các nước nghèo, chậm phát triển. Dễ nhận thấy, sau khi đạt đỉnh vào năm 2009, cam kết vốn ODA cho Việt Nam bắt đầu giảm dần.

Cơ cấu nguồn viện trợ cũng chuyển dần từ "vốn vay ưu đãi" sang "vốn vay kém ưu đãi", trong đó tiên phong chuyển đổi là các nhà tài trợ ADB và WB. Một số nhà tài trợ khác cũng cung cấp các nguồn vay kém ưu đãi như vốn vay phát triển của Đức, vốn F3 của Pháp, vốn tài trợ phát triển khác (OOF) của Nhật Bản.

Trong bối cảnh đó, các đối tác phát triển, như ADB, đã đưa ra khuyến nghị sáng nay, rằng Việt Nam cần sử dụng nguồn vốn ODA một cách hiệu quả hơn. Còn đại diện của Liên Hợp Quốc, bà Pratibha Mehta cho rằng, Chính phủ cần xem xét tới các nguồn lực tài chính khác cũng như xây dựng các mối quan hệ đối tác mới. Liên hợp quốc cùng Phái đoàn Ủy ban châu Âu hỗ trợ một nghiên cứu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện về tương lai các nguồn tài chính ở Việt Nam, trong đó có các biện pháp để cải thiện cách quản lý tài chính công, sử dụng nguồn vốn hiệu quả hơn, tìm kiếm nguồn tài chính mới.

Trong bài phát biểu bế mạc Lễ Kỷ niệm sáng nay, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cảm ơn các nhà tài trợ vì ở nhiều nước, chính bản thân quốc gia đó cũng đang đối mặt nhiều khó khăn như nợ công, thiên tai, nhưng vẫn dành vốn tài trợ cho Việt Nam. Do đó, Việt Nam cam kết sẽ trân trọng từng đồng vốn ODA của các nhà tài trợ.

Theo VnExpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG