Gã 'khùng' và cây 'vua'

TP - “Trên thế giới chỉ có số ít nước trồng được sầu riêng thôi nhé. Còn ở Việt Nam, sầu riêng vốn là đặc sản của Nam bộ nhưng do đất đai ngày càng thu hẹp nên tìm đường lên Tây Nguyên. Đất đỏ bazan màu mỡ, nếu không trồng loại cây “vua” này là lãng phí lớn đó”, ông Vũ Văn Bằng hào hứng nói.
Vợ chồng ông Bằng trong vườn sầu riêng.

Thiên hạ bảo tôi khùng

Ông có 2 ngôi nhà và 3 vườn sầu riêng rộng tới 20ha ở các xã Hòa Bắc, Hòa Nam và Hòa Ninh (huyện Di Linh, Lâm Đồng). Không nông hộ nào ở Nam Tây Nguyên có diện tích sầu riêng lớn như ông mà tuyền là sầu riêng ghép từ các giống mới chất lượng cao của Thái Lan như Dona và Mongthong.

Khi chúng tôi tìm đến căn nhà ở thôn 1, xã Hòa Nam, bà Lưu Thị Lan (vợ ông Bằng) mau mắn: “Lão gàn nhà tôi ấy à? Đang ghép cây giống”. Nói rồi bà dẫn chúng tôi ra vườn sầu riêng phía sau nhà. Người đàn ông tuổi gần 60 nhưng giọng vẫn sang sảng, thoăn thoắt leo lên cây bẻ trái, còn bà Lan bổ hai quả sầu riêng mời khách. Cả không gian đặc quánh mùi sầu riêng. Múi sầu riêng cơm vàng, hạt lép, khá ráo… thật hấp dẫn. Khi quả vừa chín tới có vị ngậy như sữa, độ ngọt vừa phải rất khác biệt. 

“Lúc ông Bằng phá cà phê để trồng sầu riêng ai cũng bảo dở hơi. Thế nhưng bây giờ phải thừa nhận mấy ai làm ăn giỏi như ông ấy”,  Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh Vũ Mạnh Thắng nói. Chủ tịch xã Hòa Ninh Vũ Thế Quyết cũng khẳng định “Nói về sầu riêng thì ông Bằng nhất tỉnh Lâm Đồng”.

Thấy khách tấm tắc khen ngon, ông cao hứng kể lại câu chuyện mà bao người cho là gàn dở khi quyết định sống chết với loại cây này: Cách đây hơn chục năm, có người mời tôi nếm thử sầu riêng và bảo đây là loại quả trồng tại Lâm Đồng. Lâu nay vẫn nghe sầu riêng, măng cụt là đặc sản Nam bộ nên tôi không khỏi ngạc nhiên và tìm mua bằng được vài chục cây về trồng xen trong vườn cà phê. 4 năm sau, sầu riêng cho trái bói với hương vị rất thơm ngon.

Vừa hay Cty Dona - Techno đang đi khảo sát tìm vùng đất thích hợp để liên kết trồng sầu riêng. Tôi đã mời họ đến thăm khu vườn của mình ở xã Hòa Bắc. Họ bảo đất vườn nhà tôi không trồng được sầu riêng vì không thoát nước, cây sẽ bị úng và chết. Khi tôi thắc mắc vì sao những cây sầu riêng đang có trong vườn đều sai quả và ngon như vậy, họ chỉ ậm ừ rồi thoái lui, đi tìm vùng đất khác. Tôi lân la hỏi về kinh nghiệm ghép giống sầu riêng nhưng họ lờ đi.

Nếu đất bị ứ nước thì đào rãnh cho thoát chứ có gì khó đâu? Nghĩ là làm, ông Bằng thuê xe múc về đào rãnh trong vườn gần cả tháng trời. Về cây giống, ông trồng toàn sầu riêng ghép từ các giống của Thái để có năng suất và chất lượng vượt trội dẫu biết rằng chúng đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao hơn các giống khác. Ông chọn những cây giống ươm nhiều năm với bộ rễ to để sâu bọ khó tấn công. “Nếu rễ nhỏ sẽ gặp nhiều sự cố như khó hút phân, bị sâu phá, giun ăn rễ khiến cây suy kiệt”, ông giảng giải.

Sầu riêng cơm vàng, hạt lép.

Năm 2007, khi giá sầu riêng trồng bằng hạt giảm mạnh, chỉ còn từ 10.000-15.000 đồng/kg, nhiều người dân trong huyện chán nản cưa cây sầu riêng bỏ đầy đường. Đúng lúc đó, ông Bằng lại đốn hàng loạt cây cà phê để trồng xen sầu riêng. Khi sầu riêng được 3 năm tuổi, ông cưa bỏ toàn bộ cà phê để tập trung đầu tư cho loại cây ăn quả này. “Ngày ấy tôi khóc hết nước mắt vì tiếc vườn cà phê đang sung sức, mỗi năm cho hàng chục tấn quả. Chẳng ai dám phá vài sào cà phê để trồng sầu riêng, vậy mà ông ấy đốn cả chục héc! Rồi thì lo lắng vốn đâu để chăm sầu riêng? Lấy gì để ăn trong khi chờ sầu riêng ra trái?”, bà Lan hồi tưởng.

“Vợ khóc, con gàn, nhiều người bảo tôi khùng nhưng tôi vẫn không thay đổi quyết định. Đã đi nhiều nơi tìm hiểu, tôi thấy loại quả này rất hút hàng, sẽ chẳng bao giờ bị thừa ế. Mặt khác, trồng sầu riêng ít tốn công mà lợi nhuận lại cao. Với 20 ha đất, nếu trồng sầu riêng chỉ phải thuê 15 người làm, còn trồng cà phê thì lượng nhân công tăng gấp 3 lần. Phải làm hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm, lo chỗ ăn ở, sắp xếp công việc cho họ; rồi còn ghi chép sổ sách, tính tính toán toán lương hướng, phân tro, giống má suốt ngày thì cực quá.

Hơn thế, dân tứ xứ tụ họp đông đúc thì dễ phát sinh mâu thuẫn, chửi mắng, đánh chém nhau, có nguy cơ xảy ra án mạng, tránh được lần này nhưng khó tránh lần khác. Có lần công an huyện đã phải về điều tra, xử lý”, ông Bằng tiếp lời.

Đúng như dự tính của ông, năm 2011, vườn sầu riêng đầu tiên ra trái bói và năm sau đạt sản lượng hàng chục tấn trước sự ngỡ ngàng của cả xóm. “Thu một phát, tôi trả hết nợ ngân hàng luôn và tiếp tục phá bỏ vườn cà phê thứ hai rồi thứ ba để trồng sầu riêng. Lúc này mọi người trong gia đình đều tin tưởng và ủng hộ tôi”, ông Bằng hào hứng nói.

Niên vụ 2014, gia đình ông thu được 100 tấn sầu riêng; năm 2015, tăng lên 200 tấn; năm 2016 thu hơn 300 tấn. Hiện gia đình ông Bằng đã trồng được 5.000 cây sầu riêng, trong đó 3.500 cây cho thu hoạch ổn định từ 1 - 2 tạ/cây, sản lượng lên tới 30 tấn/ha, cá biệt có cây “đẻ” tới 3 tạ quả.

Nhờ đạt sản lượng lớn, chất lượng cao nên mấy năm nay, khi sầu riêng vừa ra hoa, đậu quả là thương lái đến tận vườn hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm để xuất sang Trung Quốc. Năm nay, thương lái chốt giá tới 41.000 đồng/kg. Chẳng phải khiêng vác, chuyên chở vất vả, chỉ ngồi nhìn mặt cân tính tiền, đến cuối vụ ông Bằng chốt sổ thu trên 12 tỷ đồng. Có ngày cao điểm ông thu tới 26 tấn quả trị giá cả tỷ đồng.

Làng trên xóm dưới râm ran chuyện sầu riêng của ông Bằng vừa được mùa vừa được giá, bởi nếu bán theo từng thời điểm như người khác thì không có giá cao như vậy. “Chỉ trong vài năm tới, khi 5.000 cây đều cho thu hoạch ổn định thì mỗi năm chúng tôi có từ 400 - 500 tấn sầu riêng” và như thế thu nhập tầm 15 tỷ đồng/năm, ông Bằng nhẩm tính.

Không vội được đâu

Nhiều cán bộ và người dân tìm đến học hỏi kinh nghiệm và nêu thắc mắc vì sao thông thường sầu riêng cho thu hoạch liên tục trong 50-60 năm nhưng họ mới trồng 10 năm thì cây chết. Một số khu vườn rộng 2-3 ha, sầu riêng bị suy kiệt, rụng trái, chết hàng loạt. Dẫu rất bận rộn nhưng ông Bằng vẫn thu xếp thời gian đến tận nơi tìm hiểu, giúp nhiều người cứu vườn sầu riêng.

Gian hàng sầu riêng

“Giá khoảng 30.000 đồng/kg là nông dân giàu rồi. Thế nhưng khi sầu riêng khan hiếm, thương lái tranh mua đẩy giá lên cao ngất ngưởng, có thời điểm hơn 100.000 đồng/kg. Một số người chạy theo lợi nhuận nên tăng lượng phân bón và xịt thuốc liên tục để thu nhiều quả. Làm như thế sẽ vắt kiệt sức cây. Một khi cây đã yếu sẽ có nhiều sự cố, đặc biệt căn bệnh đáng sợ là xì mủ mặc sức tấn công, tuổi thọ của cây sầu riêng sẽ sụt giảm. Thông thường đến năm thứ 4, sầu riêng bắt đầu cho quả. Tuy nhiên nếu thấy cây chưa đủ độ sinh trưởng thì hãy mạnh dạn loại bỏ quả non để tập trung dinh dưỡng nuôi cây, chờ đến vụ sau hãy ăn quả. Nôn ăn thì hỏng cây đấy!”, ông Bằng quả quyết.

Bà Lan kể khi gia đình đang thu hoạch lứa sầu riêng đầu tiên, có 2 kỹ sư chuyên trồng sầu riêng từ Đắk Lắk sang hỏi thuê toàn bộ khu vườn. Họ thương lượng năm đầu trả cho gia đình số tiền tương đương 150 tấn quả, những năm sau 200 tấn. Họ đề nghị được đặt cọc 1 tỷ đồng và 5 năm sau mới lấy lại số tiền cọc này. Nhiều người khuyên nên nhận lời nhưng ông nhà tôi tính cẩn thận lắm. Ông bảo phải đến tận nơi xem các kỹ sư này làm ăn ra sao đã.

Sau mấy ngày theo các kỹ sư sang tận Đắk Lắk, ông Bằng đã từ chối cho thuê vườn. Ông bảo các kỹ sư này giỏi kiến thức sách vở nhưng thiếu kinh nghiệm thực tế. Nếu chăm sóc tốt và khai thác điều độ thì sầu riêng cho thu hoạch gần trọn một đời người nhưng nếu khai thác kiểu tận thu thì chỉ vài năm là hỏng bét. Lấy gì đảm bảo họ sẽ nương sức cho vườn cây của mình?

“Điều quan trọng nữa, phải tự làm để rút kinh nghiệm chỉ dạy cho con cháu. Cho một đống của không bằng cái nghề. Cha mẹ tôi sinh 7 đứa con. Tôi là anh cả nên mới học đến lớp 2 đã phải mò ốc, bắt cua, nuôi lợn, nuôi chó; đến lớp 7 phải nghỉ học đi làm thuê kiếm tiền phụ giúp cha mẹ nuôi các em. Đời làm thuê cực khổ lắm. Tôi muốn sau này các con thành đạt trên mảnh vườn của mình”, ông tâm sự.