Không chủ quan khi đã hết dương tính
Độ nặng của bệnh liên quan đến phản ứng miễn dịch của cơ thể bệnh nhân với virus. Nếu cơ thể đáp ứng miễn dịch phù hợp, giúp loại bỏ virus thì các triệu chứng nhẹ thoái lui, F0 sẽ khỏi bệnh. Nếu đáp ứng miễn dịch rối loạn, cơ thể sẽ có phản ứng quá mức gây bão Cytokines và từ đó gây tổn thương các phủ tạng. Khi đó, bệnh nhân có thể diễn biến nặng lên.
Test nhanh âm tính chưa chắc đã khỏi bệnh Ảnh: Thái Hà |
Nếu bão Cytokines và các rối loạn hậu quả của nó không được kiểm soát, các phủ tạng bị tổn thương không được hồi sức hiệu quả có thể dẫn đến tử vong cho bệnh nhân. Vì thế, bác sĩ Cấp khuyến cáo F0 cần quan tâm, theo dõi việc có xuất hiện tổn thương phổi gây suy hô hấp hay không để liên hệ y tế, nhập viện ngay. Người bệnh F0 chỉ thực sự an tâm đã khỏi bệnh nếu bệnh sau ngày thứ 10 mà không xuất hiện dấu hiệu nặng lên.
Thực tế, F0 test nhanh âm tính (nếu thực hiện đúng) có nghĩa là nguy cơ lây nhiễm thấp vì còn ít hoặc không còn virus ở đường hô hấp trên. Kết quả này không hoàn toàn liên quan đến mức độ nặng - nhẹ của bệnh. “Miễn dịch quá mức nếu có thường xảy ra ngày 6-10 từ khi bắt đầu khởi phát bệnh. Vì thế, nếu ngày thứ 5-7 F0 tại nhà test nhanh âm tính thì không nên chủ quan mà vẫn phải lưu tâm theo dõi sức khỏe của mình hết 10 ngày”, bác sĩ Cấp lưu ý.
“Miễn dịch quá mức nếu có thường xảy ra ngày 6-10 từ khi bắt đầu khởi phát bệnh. Vì thế, nếu ngày thứ 5-7 F0 tại nhà test nhanh âm tính thì không nên chủ quan mà vẫn phải lưu tâm theo dõi sức khỏe của mình hết 10 ngày” Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp lưu ý
Đa số bệnh nhân hết giai đoạn khởi phát đã có thể có xét nghiệm âm tính. Nhưng cũng có nhiều bệnh nhân dù rất nhẹ vẫn tái dương tính kéo dài. Hoặc cũng có trường hợp dù xét nghiệm virus đã âm tính nhưng không chuyển sang giai đoạn hồi phục ngay mà vẫn diễn biến sang giai đoạn toàn phát. Sau khi âm tính trở lại, các triệu chứng như sốt, ho, đau họng… đã thoái lui, các F0 xuất hiện tâm lí chủ quan âm tính là khỏi bệnh hoặc bệnh sẽ không diễn biến nặng lên. Từ đó, họ bỏ hết việc theo dõi sức khoẻ, chỉ số SpO2 - chỉ số quan trọng nhằm phát hiện suy hô hấp, tổn thương phổi. “Điều này là sai lầm”, bác sĩ Cấp nhấn mạnh.
Ba giai đoạn diễn biến bệnh COVID-19
Theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị COVID-19 mới nhất của Bộ Y tế, có 3 giai đoạn trong diễn biến bệnh COVID-19. Cụ thể, một người nhiễm virus SARS-CoV2 sau thời gian ủ bệnh từ 2-14 ngày (với chủng Delta, người bệnh có thời gian ủ bệnh ngắn hơn) có thể phát bệnh. Giai đoạn khởi phát trung bình 5-7 ngày. Người bệnh có thể có triệu chứng nhẹ như sốt, đau họng, đau mỏi người,.. hoặc không triệu chứng. Sau giai đoạn này, phần lớn người bệnh chuyển ngay sang giai đoạn 3 là giai đoạn hồi phục. Nhưng có một số bệnh nhân chuyển sang giai đoạn 2 với những tình trạng nặng hơn. Giai đoạn toàn phát diễn ra sau 4-5 ngày với những tổn thương ở các cơ quan như hô hấp, tuần hoàn, thận, thần kinh… Giai đoạn hồi phục giữa các mức độ bệnh cũng khác nhau.
Đối với trường hợp nhẹ và trung bình, sau 7-10 ngày, người bệnh hết sốt, toàn trạng khá lên, tổn thương phổi tự hồi phục, có thể mệt mỏi kéo dài. Những trường hợp nặng hồi phục sau 2-3 tuần, mệt mỏi kéo dài hàng tháng. Trường hợp nguy kịch có thể phải nằm hồi sức nhiều tháng, có thể tiến triển xơ phổi, ảnh hưởng tâm lí, yếu cơ kéo dài… Trung bình thời gian có virus ở hầu họng bệnh nhân để có thể có xét nghiệm dương tính là 7-8 ngày.