> Những ngôi sao được kỳ vọng tại Euro 2012
Nhưng bên cạnh bầu không khí ăn ngủ cùng bóng đá đầy cuồng nhiệt ấy, rất nhiều hiểm họa đang chờ đón giới cầu thủ, vấn đề khiến các nhà quản lý đội bóng đau đầu tìm cách chống đỡ.
Niềm vui ngày hội lớn
Khá nhiều đội bóng ở V.League hiện giờ coi quãng thời gian chừng một tháng nghỉ tránh EURO là “chiếu nghỉ” quan trọng cho mùa giải này.
Với những nhà cầm quân vừa được bổ nhiệm như HLV Hoa Mạnh Hưng (CLB Hà Nội), HLV Trần Công Minh (CS.ĐT).., đó sẽ là cơ hội để xác lập dấu ấn rõ ràng hơn ở đội bóng của họ.
Với những CLB thi đấu thiếu ổn định như K.Khánh Hòa, V.Ninh Bình hay N.Sài Gòn... có thêm một tháng ăn tập cũng đồng nghĩa rằng các cầu thủ mới được bổ sung từ giai đoạn 2 sẽ có thêm thời gian để tìm kiếm sự ăn ý với đồng đội.
Ở nhóm đua tranh ngôi vô địch, Hà Nội T&T, SHB Đà Nẵng, Sài Gòn Xuân Thành hay SLNA... từ lâu đã xác định sau kỳ nghỉ EURO hay World Cup cũng là lúc họ bung hết sức trên đường đua, sau khi xiết lại đội ngũ và tái nạp năng lượng.
Với những người ham học hỏi, các giải đấu lớn như EURO, World Cup chính là cơ hội để họ tìm hiểu về “công nghệ” của bóng đá hiện đại.
HLV Phan Thanh Hùng (HN.T&T) từng có lần tâm sự: “Những giải đấu lớn như World Cup hay EURO đều là những cột mốc đáng chú ý trong quá trình phát triển của bóng đá thế giới, đặc biệt là trên phương diện chiến thuật. Nên việc theo dõi sẽ khiến cho những người làm nghề như tôi cập nhật và bổ sung những kiến thức quý giá”.
Không phải đội bóng nào ở Việt Nam cũng có điều kiện đi tập huấn (thực ra là đi đổi gió) nên EURO cũng giống như một cơn gió mát thổi vào những ngày hè nóng nực trong gần một tháng tập “chay” nhàm chán của hầu hết các CLB từ Bắc chí Nam. Mặt tích cực của nó là có thể sẽ tạo ra một bầu không khí bóng đá hào hứng hơn bổ trợ cho việc luyện tập.
Và...hiểm họa từ Euro
Vụ Chí Công bị chém liệu có liên quan tới cá độ. |
Tuy vậy, ngoại trừ giới quần đùi áo số, chắc chắn nếu đặt câu hỏi với các cán bộ quản lý, điều hành đội bóng, đại đa số sẽ bày tỏ sự lo lắng của họ khi một tháng ăn ngủ cùng bóng đá ấy hoàn toàn có khả năng cuốn phăng sự tập trung được tích lũy từ đầu mùa.
Nỗi lo đầu tiên là việc thức đêm theo dõi các trận đấu ở Ukraina và Ba Lan ở mùa Hè này. Cường độ 2 buổi tập/ngày sẽ được thay thế cho 1 buổi/ngày khi các cầu thủ không còn phải ra sân thi đấu mỗi chiều cuối tuần.
Vài đội bóng còn tranh thủ “nhồi” hoặc “vá” lại thể lực; yêu cầu vận động với cường độ cao đương nhiên sẽ coi việc thức đêm dẫn tới sức khỏe của cầu thủ không được đảm bảo là kẻ thù số một.
Thật ra, việc thức đêm xem đá bóng hoàn toàn có thể bù đắp bằng những giấc ngủ ngày trong quãng thời gian cách nhau chừng 4,5 tiếng giữa 2 buổi tập sáng chiều, nhưng có một nguy cơ lớn hơn, cũng là nỗi lo lắng lớn nhất của các nhà quản lý, khiến cầu thủ Việt đôi khi khó mà ngon giấc: cá độ bóng đá.
Đắc Khánh - tay chơi cá độ khét tiếng. |
Những người nghiện món đỏ đen cho rằng việc xem bóng đá sẽ trở nên hấp dẫn, hứng thú hơn nếu có cá độ. Còn việc “soi độ” trước giờ bóng lăn và “chung tiền” thường xuyên lâu ngày sẽ biến thành thứ “đam mê” mà có lẽ người ta chỉ khó bỏ sau... ma túy.
Ở những giải đấu lớn như World Cup hay EURO, những chuyện như vậy đúng là nhan nhản và nó tiềm ẩn những hiểm họa khôn lường đối với bất cứ đội bóng nào, khi bây giờ chỉ cần vài thao tác đơn giản trên chiếc máy tính có nối mạng là cầu thủ đã có thể tham gia vào mạng lưới cá độ ở bất cứ địa điểm nào, thời điểm nào. Chính vì thế, việc cầu thủ tham gia cá độ sẽ rất khó bị kiểm soát.
Với phông văn hóa không thể gọi là cao và kiến thức sống không được trang bị đầy đủ, khá nhiều cầu thủ Việt đã và đang tự nguyện biến thành một dạng con nghiện cá độ. Một ví dụ khá điển hình là trường hợp của trung vệ Vũ Như Thành.
Nhẩm đếm sau vài lần chuyển đổi CLB và gia hạn hợp đồng, số tiền mà Thành “kếu” sở hữu (chừng hơn 10 tỷ đồng) đáng lý đã giúp anh trở thành một trong những người giầu có nhất trong giới quần đùi áo số.
Nhưng thú vui cá độ bóng đá không có điểm dừng, như Thành từng tâm sự trên báo Bóng đá cách nay chưa lâu, đã khiến anh đánh mất tất cả và bây giờ phải làm lại từ đầu ở sườn bên kia sự nghiệp.
Như Thành cũng là tay chơi cá độ khét tiếng. |
Hồi còn thi đấu cho B.Bình Dương, trong suốt giai đoạn lượt đi mùa giải 2009, Như Thành đã bị HLV Mai Đức Chung đẩy lên băng ghế dự bị vì nỗi lo trung vệ gốc Nam Định không thể chuyên tâm vào chơi bóng hoặc có thể “bán” vài trận để lấy tiền trả nợ.
Không có bằng chứng cụ thể nhưng quả rất khó tránh một sự liên tưởng về mối liên quan giữa cá độ bóng đá với thành tích trên sân cỏ. Trước thềm World Cup 2010, với chuỗi trận ấn tượng, B.Bình Dương lao nhanh như một chiếc xe F1 trên đường đua, nhưng sau kỳ giải ấy bước vào giai đoạn cuối của V.League 2010, cũng vẫn đội bóng đó, con người đó, họ đã khựng lại hết sức khó hiểu.
Sang năm sau trên đường đi tập về, cầu thủ Trần Chí Công bị tấn công bằng dao và sự việc đến giờ vẫn chưa được làm sáng tỏ.
Không bí ẩn như vụ việc của Chí Công, chuyện của hậu vệ Đắc Khánh (SLNA) thì đã rõ mồn một. Cũng trong mùa World Cup 2010, hậu vệ triển vọng từng nhiều lần được triệu tập vào ĐT Olympic Việt Nam này vướng vào cá độ bóng đá và nợ nần đến tiền tỷ.
Ngày nào chủ nợ cũng kéo đến sân Vinh chờ đợi Khánh “khỉ” khiến anh không còn tâm trí đâu mà luyện tập với thi đấu. Kết cục của Khánh rất bẽ bàng: bỏ nhà, bỏ đội và trốn biệt tăm từ bấy đến nay.
Vai trò người quản lý
Những câu chuyện kể trên, vốn không hiếm gặp trong giới cầu thủ Việt, khiến người ta đi đến nhận định rằng sự thành bại của công tác chuẩn bị cho giai đoạn cuối mùa giải trong suốt quãng thời gian diễn ra EURO sẽ tùy thuộc vào năng lực quản lý của các đội bóng nhiều hơn là khía cạnh chuyên môn.
Một cán bộ điều hành của Hà Nội.T&T tâm sự, việc cấm cầu thủ xem EURO là không thể, thậm chí cấm họ cá độ vài triệu đồng mang tính chất vui vẻ với nhau cũng không xong, vì với môi trường bóng đá hiện tại, những hành động cấm đoán như vậy rất dễ phản tác dụng khi nó bị xem là động chạm đến quyền tự do riêng tư.
Nhưng ông này cũng tỏ ra tự tin với ý thức của cầu thủ trong tay ông: “Hãy xây dựng và để cầu thủ thấm nhuần ý thức chuyên nghiệp rằng có luyện tập tốt, thi đấu tốt thì mới có những chế độ đãi ngộ tốt. Đó là điều căn bản nhất khiến cầu thủ tự giác tránh xa tệ nạn và giữ gìn sức khỏe, phong độ cho bản thân”.
Tuy vậy, không phải đội bóng nào cũng có “củ cà rốt” tiền thưởng treo lên để khích lệ cầu thủ như HN.T&T, công việc của người quản lý sẽ trở nên khó khăn nếu anh ta không biết rõ “con ngựa nào lành, con ngựa nào bệnh trong tàu ngựa” của mình để sẵn sàng biện pháp phòng ngừa, đối phó.
Một kỳ EURO lành mạnh, bổ ích và bổ trợ hiệu quả cho công tác chuyên môn hay một EURO khiến thành tích của đội bóng đi xuống cũng chính là thước đo về năng lực quản lý, điều hành của các CLB.
Vũ Minh
Theo bongdaplus.vn