Euro 2012: Tản mạn quanh “bảng tử thần”
1. Trong bóng đá, một trong những cụm từ được các nhà báo ưa thích là “bảng tử thần” (group of death). “Bảng tử thần” nghe nó giật gân, kịch tính, trinh thám hình sự và dĩ nhiên... chết chóc. Nghe thấy “đã”!
Khái niệm này xuất hiện tại World Cup 1958 tổ chức tại Thụy Điển. Báo chí địa phương lúc đó dùng cụm từ “trận đánh của những gã khổng lồ” để chỉ bảng 4 gồm Brazil, Anh, Liên Xô và Áo. Tới World Cup 1970, báo chí Mexico mới khai sinh ra thuật ngữ “bảng tử thần” (groupo de la muerte - tiếng Tây Ban Nha) khi thấy các đội mạnh Anh, Brazil, Tiệp Khắc, Romania bị số phận nhốt chung vào bảng 3. Thuật ngữ này xuất hiện một lần nữa tại World Cup 1982 khi ba đội sừng sỏ Argentina, Brazil và Italia cùng rơi vào bảng C vòng 2 chỉ để chọn một đội duy nhất vào bán kết.
Từ đó trở đi, hầu như mùa Euro hay World Cup nào, sau lễ bốc thăm chia bảng, các ký giả thể thao cũng cố moi cho bằng được một bảng đấu để gắn cho hai chữ “tử thần”.
Euro 2012, danh hiệu “tử thần” được các nhà báo trao cho bảng đấu gồm Đức, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Đan Mạch.
2. “Bảng tử thần” không chỉ có nghĩa là một bảng đấu gồm các đội đồng cân đồng lạng. Nếu chỉ có yếu tố ngang tài ngang sức thì một bảng gồm toàn các đội hạng hai như Ba Lan, Hy Lạp, Ireland, Ukraine cũng có thể vỗ ngực xưng tên: “Ta là tử thần đây! Bọn ngươi có sợ ta không?” và chắc chắn chẳng có ma nào sợ.
Ngoài yếu tố ngang cơ, “bảng tử thần” phải là những đội mạnh, thậm chí cực mạnh. Đức, Hà Lan, Đan Mạch từng vô địch Euro Cup. Bồ Đào Nha, được mệnh danh là Brazil của châu Âu, từng lọt vào tới trận chung kết Euro 2004, lại có trong đội hình cầu thủ xuất sắc nhất nhì thế giới Cristiano Ronaldo.
Ở bảng xếp hạng các đội tuyển quốc gia trên phạm vi toàn thế giới do FIFA công bố ngày 24-5-2012, tức là ở lần xếp hạng mới nhất, Đức đứng thứ 2, Hà Lan thứ 4, Bồ Đào Nha thứ 5 và Đan Mạch thứ 9. Có nghĩa 4 đội trong bảng này đều lọt vào tốp 10 thế giới. “Tử thần” là phải rồi!
3. Nhưng ở các trận giao hữu mới nhất diễn ra vào ngày 27-5 vừa qua, “tứ đại gia” này chẳng có đội nào tìm được chiến thắng. Đan Mạch thua Brazil 1-3, Hà Lan thua Bulgaria 1-2, Đức thua Thụy Sĩ 3-5. Bồ Đào Nha khá nhất, không thua, nhưng trên sân nhà cũng chỉ thủ hòa Macedonia. Mà Macedonia là ai? Là đội hiện xếp hạng 98 trên thế giới, đứng dưới Việt Nam một bậc.
Hẳn sẽ có một đội nào đó cười khảy: Thế mà cũng gọi là “tử thần” ư? Nếu vậy, cái cười đó hơi sớm.
Thông thường, những trận giao hữu trước một giải đấu lớn chẳng có ý nghĩa gì về mặt thành tích. Đó chỉ là dịp để các nhà cầm quân rà soát lại lực lượng, thử nghiệm những chiến thuật, đánh giá những tân binh. Tây Ban Nha trong trận giao hữu với Serbia cùng ngày đã cất toàn bộ cầu thủ của 2 đội vừa đá chung kết cúp Nhà vua là Barcelona và Athletic Bilbao. Tương tự, trong trận thua trước Thụy Sĩ, các cầu thủ Bayern Munich, đội vừa tham dự trận chung kết Champions League trước đó một tuần, đã không một ai góp mặt trong đội tuyển Đức.
Kể cả khi các cầu thủ xuất sắc nhất có mặt trong đội hình thì vì lý do thể nghiệm chiến thuật, một đội tuyển cũng không thể bộc lộ sức mạnh đích thực trong các trận giao hữu. Chúng ta chắc chưa quên đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Calisto đã toàn hòa và thua trong tất cả các trận giao hữu trước giải vô địch Đông Nam Á 2008 để sau đó bất ngờ giành chức quán quân.
Giữa các trận giao hữu và các trận tranh tài chính thức bao giờ cũng có một từ đệm quan trọng ở giữa: Đó là từ “lột xác”! Cho nên, nếu chỉ dựa vào kết quả các trận tập huấn để đánh giá thực lực một đội bóng nào đó, chắc chắn sẽ bị hố nặng.
4. Một bảng gọi là “tử thần” thực ra chỉ có ý nghĩa “chết chóc” với những đội ở trong bảng đó. Những đội khác vô can. Và chẳng bị “tử thần” nào đe dọa. Ở bảng B, tức là “bảng tử thần” của Euro Cup mùa này, theo đúng ý nghĩa của nó, không có đội yếu và bất cứ đội nào cũng có khả năng lọt vào vòng trong. Nhưng dẫu sao cũng chỉ có 2 đội đứng đầu đi tiếp. Theo đánh giá hiện nay, mọi người đang nghiêng về Đức và Hà Lan. Giả dụ thực tế diễn ra đúng như dự đoán thì dù Đức và Hà Lan có xếp chung bảng với Ireland và Hy Lạp thì kết quả cũng chẳng có gì khác: các đội đứng đầu các bảng còn lại vẫn phải chuẩn bị tinh thần đối phó với hai gã khổng lồ này ở vòng đấu tiếp theo.
Trong mắt các đối thủ, “bảng tử thần” có cái hay là các đội mạnh sẽ tự loại lẫn nhau, và vô hình trung ở những vòng đấu tiếp theo, các đội còn lại tự nhiên mất đi hai “kình địch”.
Cho nên, những huấn luyện viên láu cá trước lễ bốc thăm cứ lầm rầm cầu nguyện, mong sao giải đấu có càng nhiều “bảng tử thần” càng tốt, với điều kiện mình là kẻ đứng ngoài vỗ tay hò hét. Ờ, trong khi vô số các đội khác rơi vào “group of death”, còn mình lại nằm trong “group of live” (bảng sống... nhăn), còn gì sướng hơn!
Theo Chu Đình Ngạn
Sài Gòn Giải Phóng