Giải vô địch châu Âu, trái ngược với tầm vóc và mức độ ảnh hưởng chỉ sau World Cup ở thời điểm hiện tại, trong quá khứ đã có một khởi đầu khó khăn.
Từ năm 1927, thư ký Liên đoàn bóng đá Pháp Henri Delaunay đã nảy ra ý tưởng về một giải đấu quy tụ những quốc gia hàng đầu ở Lục địa già. Thế nhưng không ai để ý đến nó. Phải tới tận năm 1954, khi UEFA được thành lập, ý tưởng này mới được xem xét một cách nghiêm túc. Sau đó tiếp tục chờ tới năm 1960, khi Henri Delaunay đã mất được 5 năm, giải vô địch châu Âu mới được tiến hành.
Tuy nhiên trong bối cảnh chính trị phức tạp của thế giới thời gian đó, gần một nửa châu Âu (16 trong số 33 quốc gia thành viên của UEFA) từ chối tham dự, bao gồm các nước thuộc Vương quốc Anh, Tây Đức, Italia và Hà Lan. Vì vậy ở vòng loại, EURO là cuộc đối đầu giữa Liên Xô (cũ) với các quốc gia thuộc đông và nam châu Âu, cộng thêm Pháp, Na Uy và Đan Mạch.
Xét về thể thức, EURO 1960 khá giống với UEFA Nations League bây giờ. 17 đội chia cặp đá hai lượt trận sân nhà - sân khách, trải qua vòng sơ loại, 1/8 và tứ kết, chọn ra 4 đội tham dự vòng chung kết (VCK) được tổ chức tại Pháp. Pháp là quốc gia Tây Âu duy nhất lọt vào VCK, cùng với Nam Tư, Tiệp Khắc và Liên Xô.
Euro 1960 chỉ có 4 đội tham dự vòng chung kết, với tổng cộng 4 trận đấu. |
Khi ấy Liên Xô là một thế lực hùng mạnh, từng giành huy chương Vàng Olympic 1956 và vào tứ kết World Cup 1958. Họ chơi với hệ thống WM cổ điển nhưng được biến tấu để đi trước thời đại, với tiền vệ trụ lùi xuống chơi như một trung vệ, cho phép các hậu vệ cánh đẩy lên, hợp với các tiền đạo thành hàng công có sức hủy diệt lớn.
Ở bán kết, Liên Xô dễ dàng đánh bại Tiệp Khắc với tỷ số 3-0, qua đó tiến vào chung kết gặp Nam Tư, những người đã vượt qua Pháp không có Just Fontaine và Raymond Kopa với tỷ số 5-4.
Theo phong cách thời đó, có thể trận chung kết diễn ra tại Parc des Princes, sẽ là cơn mưa bàn thắng, thế nhưng cơn mưa thực sự ở Paris đã khiến mặt sân trở nên lầy lội, ảnh hưởng đáng kể tới lối chơi của hai đội. Nam Tư là đội mở tỷ số trước và Liên Xô gỡ hòa chỉ 6 phút sau bằng một cú sút xa. Cuối cùng 90 phút kết thúc với tỷ số hòa 1-1 và cầu thủ hai đội được thuyết phục chơi thêm 30 phút (như bây giờ gọi là hiệp phụ) để phân định thắng thua.
Trận chung kết EURO 1960 giữa Liên Xô và Nam Tư diễn ra trên sân Parc des Princes, Paris. |
Liên Xô và Nam Tư miễn cưỡng làm điều đó. Nhưng cần biết thêm, vì không có luật thay người, 22 cầu thủ ra sân từ đầu tiếp tục thi đấu trong trạng thái mệt nhoài.
Ở nửa sau trận đấu, Liên Xô là đội tốt hơn bởi theo giai thoại, họ đã thêm đinh tán dưới đế giày vào thời gian nghỉ giải lao, nhờ đó di chuyển thoải mái trên mặt sân lầy lội. Và Valentin Ivanov đã có những bước chạy dũng mãnh bên cánh trái trước khi tung ra quả tạt để Viktor Ponedelnik đánh đầu tung lưới Nam Tư, mang về chiếc Cúp cho Liên Xô.
Cho đến nay, pha lập công ở phút 113 của Ponedelnik vẫn là bàn thắng muộn nhất trong lịch sử các trận chung kết EURO. Cũng khá thú vị, vì trận đấu diễn ra lúc 10 giờ tối Chủ nhật theo giờ Moscow, vậy nên thời điểm tiền đạo số 9 của Liên Xô ghi bàn đã bước sang thứ Hai. Và Ponedelnik cũng có nghĩa là thứ Hai trong tiếng Nga.
Các cầu thủ Liên Xô trên bục nhận chiếc Cúp Henri Delaunay. |
Thủ môn huyền thoại Lev Yashin ôm chiếc Cúp sau trận chung kết. |
Khi nói đến bóng đá Liên Xô, tất cả thường nghĩ đến thủ môn huyền thoại Lev Yashin. Tại EURO 1960, Yashin đã có nhiều pha cứu thua xuất sắc và nổi bật với những cú ném bóng xa bất thường. Tuy nhiên với chỉ 2 trận đấu ít ỏi, tài nghệ của “Nhện đen” không được bộc lộ hết.
Làm nên chiến tích huy hoàng trên đất Pháp là nỗ lực của cả một tập thể tài năng, trong đó có những cầu thủ xuất chúng như đội trưởng Igor Netto, tiền vệ kiến thiết Valentin Ivanov, cầu thủ chạy cánh phải Slava Metreveli và trung phong Ponedelnik.
Sau trận chung kết, Chủ tịch Santiago Bernabeu của Real Madrid, CLB vừa giành Cúp C1 lần thứ 5 liên tiếp, cố gắng ký hợp đồng với 4 cầu thủ kể trên cộng với thủ môn Yashin, chính là sự xác tín cho tài năng của họ. Việc Liên Xô vào chung kết EURO thêm 3 lần nữa nhưng không bao giờ giành chiến thắng như năm 1960 càng nhấn mạnh sự vĩ đại. Để tận bây giờ, dù Liên Xô tan rã nhưng câu chuyện về họ vẫn không bị lãng quên.
Chủ nhà: Pháp
Vô địch: Liên Xô
Á quân: Nam Tư (cũ)
Vua phá lưới: Francois Heutte (Pháp), Valentin Ivanov, Viktor Ponedelnik (Liên Xô), Milan Galic, Drazan Jerkovic (Tiệp Khắc) - 2 bàn
Số đội tham dự: 4
Số trận thi đấu: 4
Bàn thắng: 17 (4,25 bàn/trận)