EU nói sẽ không đứng về phe Mỹ để chống Trung Quốc

Ông Josep Borrell. (Ảnh: AP)
Ông Josep Borrell. (Ảnh: AP)
TPO - EU sẽ không trở thành đồng minh của Mỹ để chống Trung Quốc, quan chức phụ trách đối ngoại của khối vừa khẳng định trước cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.

Ngày 14/6, Cao ủy EU về đối ngoại, ông Josep Borrell kêu gọi cần có “chương trình làm việc lớn và tích cực cho quan hệ hợp tác EU – Trung Quốc”. Phát biểu được đưa ra chỉ 1 ngày trước khi ông cùng 27 ngoại trưởng EU có cuộc họp trực tuyến với Ngoại trưởng Mỹ.

Cuộc họp dự kiến tập trung vào Trung Quốc và chiến dịch phát tán thông tin sai lệch. Cũng trong tuần này sẽ diễn ra hội nghị thượng đỉnh EU – Trung Quốc đầu tiên dưới thời Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel. Hai nhà lãnh đạo của khối sẽ thảo luận với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường về các vấn đề như tiếp cận thị trường.

Trong phát biểu đăng trên trang web chính thức ngày 14/6, ông Borrel nói rằng EU sẽ không chọn phe trong xung đột Mỹ - Trung, và rằng chính sách ngoại giao của EU tập trung vào chủ nghĩa đa phương và hợp tác.

“Giữa những căng thẳng Mỹ - Trung như một trục chính của chính trị thế giới, áp lực phải chọn phe đang tăng lên...Là người châu Âu, chúng tôi phải làm theo cách của mình, với những thách thức mà sự cạnh tranh này tạo ra”, ông Borrel nói.

Phát biểu của quan chức này là dấu hiệu rõ ràng nhất cho đến nay rằng EU đã chọn cách hạ giọng sau khi gọi Trung Quốc là một “đối thủ hệ thống”. Khái niệm này được nêu ra trong chính sách của EU dưới thời đội ngũ lãnh đạo trước.

“Quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc không thể tránh được sự phức tạp và đa diện. Những từ ngữ như “đối thủ hệ thống” gây nhiều chú ý, có thể với ý nghĩa ‘đối thủ’ hơn là ‘hệ thống’. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi đang bắt tay vào một cuộc cạnh tranh hệ thống”, ông Borrell nói.

Bà Virginie Battu-Henriksson, phát ngôn viên của ông Borrell, nói rằng phát biểu trên không dẫn đến thay đổi chính sách.

“Điều này không hoàn toàn tương phản với tầm nhìn chiến lược, trong đó xác định Trung Quốc đồng thời, trong nhiều lĩnh vực chính sách, là một đối tác hợp tác mà EU có những mục tiêu liên kết chặt chẽ, là một đối tác mà EU cần để cân bằng lợi ích, là một đối thủ kinh tế trong lĩnh vực cạnh tranh vai trò lãnh đạo công nghệ, và cũng là một đối thủ hệ thống trong thúc đẩy mô hình quản trị thay thế”, bà nói.

Để tránh xung đột vượt khỏi chiến tranh thương mại và cạnh tranh địa chính trị với Mỹ, Trung Quốc nhiều lần gạt bỏ ý tưởng về cạnh tranh hệ thống với EU, nói rằng quan hệ với khối này dựa trên hợp tác.

“Với hợp tác và đồng thuận luôn lớn hơn khác biệt và cạnh tranh, Trung Quốc và EU là đối tác chiến lược toàn diện lâu dài”, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói với ông Borrell trong cuộc gặp tuần trước.

Phát biểu của ông Borrell tương tự quan điểm này, hứa hẹn một “chương trình làm việc lớn và tích cực cho hợp tác EU – Trung Quốc”.

“Trung Quốc đang đóng vai trò ngày càng lớn hơn trong chính trị toàn cầu, và chúng tôi có lợi ích lớn khi làm việc cùng nhau trong nhiều vấn đề mà Trung Quốc có vai trò quan trọng, từ hồi phục sau đại dịch đến biển đổi khí hậu và kết nối bền vững”, ông Borrell nói.

Dù chưa có mấy kết quả trong nỗ lực của EU nhằm khiến Trung Quốc mở cửa thị trường hơn nữa, ông Borrell nói rằng đây là lĩnh vực mà “những cuộc đàm phán thiện chí có thể mang lại kết quả tốt cho cả hai bên”.

Nhưng điều này không hẳn dễ dàng.

“Không có gì bí mật là 27 quốc gia thành viên có quan điểm khác nhau về vấn đề này. Một số thúc đẩy liên kết, một số khác muốn bình đẳng”, ông Borrell nói.

Theo theo AP
MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.