Sống trong sợ hãi, một phim có nhiều cảnh nóng gây tranh cãi nhưng "may mắn" là không bị cắt |
Bí kíp "thuần phong mỹ tục"
Nếu như ở các nước phát triển về điện ảnh đã quá quen với việc "vượt rào" trong sáng tác của các nghệ sĩ, để rồi khi phổ biến phim thì chọn cách phân loại phim theo tuổi của khán giả, thì gần đây tại Việt Nam, việc những bộ phim nước ngoài nhập về không còn nguyên vẹn khi công chiếu đang gây nhiều thắc mắc.
Hai phim Sex and the city (Cty Galaxy nhập về) với tên Chuyện ấy là chuyện nhỏ và Họa bì (Cty BHD nhập) là những ví dụ cụ thể.
Với Sex and the city, nhà nhập phim phải cắt theo yêu cầu của Hội đồng duyệt, sau đó Hội đồng duyệt lại yêu cầu hạn chế độ tuổi, cuối cùng khi xem bản phim chiếu rạp, người xem ngẩn người không biết tại sao cần hạn chế!
Trường hợp Họa bì cũng cần nói lại cho rõ, do đối tác bán phim cho BHD là Cty Trung Quốc, mà phim này ở Trung Quốc đã được cắt hết cảnh sex nên bản phim bán cho Việt Nam mới là bản phim "sạch" đến mất cả hay như thế.
Phải sống - Phim Trung Quốc không được phổ biến trong nước nhưng được phép phổ biến ở nước ngoài và đến các LHP quốc tế |
Ai cũng biết những phim được nhà nhập phim chọn về để chiếu rạp hay phát hành trong hệ thống video gia đình đều là những phim có tính phổ cập.
Các nhà nhập phim ở Việt Nam luôn nghĩ cắt nhiều hay cắt ít là do Hội đồng duyệt phim, họ chỉ ngạc nhiên việc phân loại độ tuổi lúc có lúc không, và cũng không thực hiện triệt để.
Thêm nữa, dường như các vị trong Hội đồng Duyệt phim đã lo sợ hơi quá khi mà việc kiểm duyệt đúng là chỉ có giá trị trong phạm vi các rạp chiếu phim (đa số là ở các thành phố lớn), còn đĩa lậu và internet thì tràn lan khó mà quản lý nổi, phim càng bị cắt thì càng dễ dàng bán đĩa lậu ở khắp hang cùng ngõ hẻm.
Tất nhiên, mọi hoạt động của Hội đồng Duyệt phim đã được quy định trong Luật Điện ảnh, nhưng nhiều tiêu chí trong luật lại rất đỗi mù mờ, ví dụ như tiêu chí "thuần phong mỹ tục", như thế nào là thuần phong mỹ tục thì không rõ ràng, cho nên dễ tùy tiện.
Nhìn ra thế giới, một nước châu Á có văn hóa tương đối gần với Việt Nam như Hàn Quốc, mọi phim sản xuất ra đều được phát hành nhưng có sự hạn chế độ tuổi rất nghiêm ngặt, và khi hạn chế đối tượng khán giả thì phim sẽ không bị cắt nữa.
Sao không cho đối thoại?
Ngay khi viết bài này, người viết muốn phỏng vấn đại diện các Cty nhập và phát hành phim lớn ở Việt Nam nhưng họ đều khéo léo lảng tránh, vì không ai muốn mình bị ảnh hưởng.
Ông Lưu Danh Hùng - Nguyên Giám đốc Fafilm chia sẻ: "Tôi không ngại Hội đồng Duyệt phim vì trước khi nhập về chúng tôi cũng xem qua nội dung và hiểu là có được hay không rồi mới quyết định nhập.
Nhưng có một trường hợp tôi nhớ, phim Phải sống của đạo diễn Trương Nghệ Mưu không được phổ biến ở Trung Quốc nhưng được cho phép phổ biến ở nước ngoài.
Fafilm nhập về, khi chiếu, mọi người đi xem rất đông và phim có thời điểm bị dừng lại vì sợ nhạy cảm. May khi đó có mời Phó thủ tướng Nguyễn Khánh xem, ông nói đây là một phim tốt, không có gì phải cấm, nhờ vậy phim được tiếp tục phổ biến".
Một thế giới hiện tại với Internet đang là một thế giới không biên giới. Một bộ phim làm ra, chính là thành quả, là công sức, là sáng tạo của đạo diễn và tập thể đoàn làm phim, phim nhập về là tiền bạc của người nhập phim.
Vậy nên mọi quyết định không thể đưa ra vội vã để rồi những người làm điện ảnh thậm chí phải tự kiểm duyệt trước cả năng lực sáng tác của mình nếu muốn tác phẩm được ra mắt với công chúng một cách chính thống minh bạch.
Cách làm của nước láng giềng Trung Quốc cho phép các đạo diễn không bị hạn chế sáng tạo bằng cách có thể chưa cho phổ biến phim của họ trong nước, vì chưa đúng thời điểm nhưng cho phép phổ biến ở nước ngoài hay đến các liên hoan phim quốc tế như trường hợp bộ phim Phải sống nói trên cũng là một cách làm rất đáng tham khảo.
Nói vậy, không có nghĩa là hoạt động của Hội đồng Duyệt phim đang đi sai hướng, nhưng nên chăng đã đến lúc cần một cơ chế đối thoại công bằng giữa các nhà nhập phim, các nhà làm phim với Hội đồng Duyệt phim Quốc gia.
Không phải phim nào cũng được chấp nhận, tuy nhiên nếu Hội đồng Duyệt phim đưa ra ý kiến công khai để những người nhập, làm phim có thể trả lời, thậm chí là tranh luận để tìm một sự đồng nhất. Đó là cách làm việc văn minh hiệu quả thay vì tù mù như hiện nay.
Theo Lê Thị Thái Hòa
Thanh niên
"Tôi chưa khi nào thấy vướng với Hội đồng duyệt. Tôi luôn tách bạch rất rõ yêu cầu và nhiệm vụ của từng phim, từng đề tài và người đặt hàng là ai? Khi làm phim bằng tiền Nhà nước, đụng đến những vấn đề nhạy cảm, tôi luôn đặt vấn đề bắt đầu bằng tình cảm thật của mình vì vậy tôi luôn lý giải được mọi việc. Có một vấn đề nữa, tôi thấy khi có những vấn đề cần tranh luận, bất cứ lúc nào tôi cũng có thể tranh luận thẳng với ông Chủ tịch Hội đồng duyệt... và khi tôi đúng, tôi luôn tin là tôi thuyết phục được. Còn khi ông ta và Hội đồng duyệt đúng, cũng nên nghe..." - Đạo diễn Nguyễn Thước.
"Khi tôi làm Thung lũng hoang vắng, đề tài miền núi nên được Cục Điện ảnh quan tâm và tạo điều kiện nhiều. Thế nhưng trong quá trình làm phim có một thư nặc danh tố cáo nêu ra đến 10 điểm mà kịch bản đang vi phạm như có cảnh sex, cô giáo (Hồng Ánh đóng) không lo đi dạy mà chỉ lo yêu… Cục Điện ảnh ngay khi đó đã nhắc nhở tôi. Tôi vẫn trung thành với kịch bản, khi duyệt hình đã bị yêu cầu cắt đi một số cảnh nhạy cảm theo ý Hội đồng duyệt, tôi kiên quyết không cắt. May quá ông Nguyễn Khoa Điềm đã xem phim và khen phim không những tốt mà còn là phim thành công về nhiều mặt nên cuối cùng phim không bị cắt gì hết. Nếu được đối thoại với Hội đồng Duyệt phim thì tốt nhất rồi, vì nhiều khi tôi thấy các thành viên hội đồng cho họ cái quyền độc lập đưa ra ý kiến rồi ông Cục trưởng quyết định chứ không có phản hồi. Thuần phong mỹ tục ư? Tôi nghĩ họ không thích cảnh khỏa thân hay làm tình một cách trực tiếp. Luật là thế nhưng không có quy định cụ thể nên kết quả là ngẫu hứng. Có phim thì đạo diễn bằng cách nào đó thuyết phục được Hội đồng duyệt thì phim trôi, có phim lại bị bắt phải cắt mới cho phổ biến. Như thế cũng rất tù mù!" - Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang. |