Đường Lâm: làng cổ thành làng khổ

Đường Lâm: làng cổ thành làng khổ
TP - Đường Lâm từ làng cổ đang thành... làng khổ. 78 người của gần 60 hộ dân ở làng đồng loạt ký tên trên lá đơn gửi UBND thị xã Sơn Tây, UBND TP Hà Nội và Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL) xin trả lại danh hiệu (di tích quốc gia) làng cổ Đường Lâm cho Nhà nước.

“Chúng tôi không có quyền được tự do xây dựng, sửa sang, cơi nới nhà cửa trên chính mảnh đất của gia đình mình. Đã gần 10 năm nay, chính quyền xã Đường Lâm và một số người trong Ban Quản lý Di tích làng cổ suốt ngày đêm đi lùng sục xem có nhà ai chở gạch, ximăng là lập tức có giấy thông báo: Cắt điện, nước, cuối cùng là cưỡng chế, đập phá các công trình xây dựng vì không theo thiết kế của ban quản lý. Thiết kế đó là: Xây nhà cổ, chủ yếu là gỗ và ngói cổ, toàn nguyên vật liệu đắt như vàng” - Đơn viết.

8 năm nay, quy chế tạm thời của Ban Quản lý làng cổ Đường Lâm quy định người dân không được xây nhà 2 tầng trở lên, không được tự ý cơi nới. Bởi vậy, người dân đã phải sống rất chật chội khổ sở. Có những ngôi nhà ở Đường Lâm diện tích 100 mét vuông chứa 4 đôi vợ chồng. Không ít hộ có tới 3 cặp vợ chồng cùng ngủ chung một phòng rộng hơn 10m2. Đứa bé nằm chung với bố mẹ, đứa lớn trải chiếu nằm dưới đất. Một số gia đình chật đến mức phải đặt bếp nấu ăn bên giường ngủ.

Những cảnh sống phản tiến bộ ấy tiếc thay lại vì di tích và vì du lịch. Một ngôi làng cổ ở Bắc bộ vốn thênh thang đẹp đẽ đang bị phố hóa bức bí. Một di tích sống, nhưng việc sống của chủ thể (là người dân trong đó) lại không ra gì. Nếu không giãn dân kịp thời, rất dễ phải chịu thảm cảnh phố cổ Hà Nội - nơi nhiều gia đình cả chục người phải sống trong diện tích chỉ 10 mét vuông.

Đơn của người dân viết: “…đa số hộ dân không được xây nhà từ hai tầng trở lên, nhưng thiểu số thì có khoảng 30 gia đình vẫn xây dựng nhà từ 2-3 tầng”.

Phải chăng vấn đề nằm ở đây: Nghịch cảnh giữa đa số bị cấm xây với thiểu số được xây; nghịch lý giữa quy chế tạm thời với một trong những quyền vĩnh viễn của người dân; nghịch lý giữa thiểu số (8) hộ dân được hưởng tiền tu bổ và đa số (400) hộ không được hưởng gì từ danh hiệu di tích quốc gia?

Một ngôi làng cổ và đẹp thực sự chỉ khi nó yên bình và người dân được tự do trong sinh hoạt.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG