Thôi thì bây giờ, con đường ấy ít bụi hơn, cổ chai đã nở thành cổ chum cổ vại, và cong chứ không thẳng như xưa. Nhưng nói “Đường Trường Chinh là đường cong mềm mại không vụ lợi” như lời Phó giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội thì không tin được. Không vụ lợi cũng không vụ mỹ (thuật), không vụ (tiết) kiệm, thì sao lại để nó cong?
Giật mình, như thể trai tơ nhắc tới đường cong thiếu nữ.
Nhưng cái giật thót ấy chưa nhằm nhò gì so với cú sốc trước cái suy nghĩ cong queo của ông chánh án TAND TP Tuy Hòa – Phú Yên, khi ông nói vụ án 5 công an đánh chết anh Ngô Thành Kiều là một tai nạn nghề nghiệp, xử vậy (cao nhất 5 năm tù) là được rồi, “chọn giải pháp nào để giải quyết cho an toàn chứ trong cuộc sống có những việc biết lẽ ra như thế này nhưng người ta không làm như thế mà làm khác để đảm bảo mối quan hệ cho tốt”.
Đây không phải sự hồn nhiên. Cả bài phỏng vấn trên báo Pháp luật TPHCM đều thống nhất một giọng điệu ấy chứng tỏ ông chánh án nghĩ và tin theo những điều ông đã nói – những điều rất cong vênh so với nghề tư pháp, trách nhiệm xét xử và vị trí Bao Công của ông. Nhưng ở góc độ nào đó, cách nói của ông chánh án là thẳng thắn, và nó dễ chịu dễ xử lý hơn khối người nghĩ cong nói thẳng hoặc ngược lại.
Chưa biết sự thay đổi đề thi văn và ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có làm dễ chịu cho bộ, địa phương, trường, học sinh không. Nhưng chắc rằng, cách “dùng thuốc đắng trị bệnh” như thế thì gấp quá, thẳng quá. Hai tháng khó mà đủ cho thầy trò thay đổi cách làm văn và tập làm quen với cách ra đề thi mới.
Có thể lắm, sự gấp gáp khát khao trị đủ thứ nan y trong giáo dục sẽ làm cong lệch con đường chọn nghề lập nghiệp tương lai của lứa học sinh lớp 12 năm nay?
Một sáng lại đi qua đường Trường Chinh. Quán cà phê đã mở cửa bật nhạc. Mới sớm mai, ông Trần Tiến đã thổn thức: Một đường cong cong, nối bao đường vòng, họa người dưng, nhớ khuôn mặt bắt hình dong.