“Đười ươi chân kinh”, Đười ươi thi sĩ

Các diễn giả trong tọa đàm về “Đười ươi chân kinh” của Bùi Giáng. Ảnh: Toan Toan
Các diễn giả trong tọa đàm về “Đười ươi chân kinh” của Bùi Giáng. Ảnh: Toan Toan
TP - Tham vọng giúp độc giả nắm bắt dễ dàng Bùi Giáng, Nhã Nam ra mắt tinh tuyển 'Đười ươi chân kinh' cùng tọa đàm về Bùi Giáng tối 20-12 tại L’Espace.'

> Gặp 'Đười ươi chân kinh' Bùi Giáng ở Hà Nội

Các diễn giả trong tọa đàm về “Đười ươi chân kinh” của Bùi Giáng. Ảnh: Toan Toan
Các diễn giả trong tọa đàm về “Đười ươi chân kinh” của
Bùi Giáng. Ảnh: Toan Toan.

Bùi Giáng trong chiếc kính vạn hoa

Nhà phê bình, nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn có bài phát biểu, chính xác hơn là bản tổng kết công phu về Bùi Giáng-nhà thơ điên nhưng được xem như huyền thoại thơ ca hiện đại.

“Chỉ cần điểm qua một cách ngẫu nhiên nhan đề của một số trong rất nhiều bài viết về Bùi Giáng, ta hình dung phần nào về chiếc kính vạn hoa ấy: Bùi Giáng, một hồn thơ bị vây khốn; Bùi Giáng, một tâm hồn mênh mông ảo diệu; Những sát-na Bùi Giáng; Bùi Giáng-giang san một gánh dị thường; Bùi Giáng, nhà thơ cuối cùng cả thế kỷ 20… và mới đây nhất Bùi Giáng, nhà thơ của các nhà thơ”.

Theo Bùi Văn Nam Sơn, không phải các tác giả đều nhất trí trong cách hiểu, đánh giá về Bùi Giáng, nhất là về thơ ông dù cùng chia sẻ niềm cảm thông, trân trọng. Có người khảo sát thơ ông trong mối tương quan mật thiết với hồn thơ dân tộc, với các truyền thống tư tưởng Đông Tây.

Không ít tác giả thử nghiệm hệ khái niệm tinh vi của phê bình văn học đương đại, để diễn thơ Bùi Giáng dưới nhiều bầu khí và ánh sáng khác nhau. Nói cách khác, “Bùi Giáng trao tặng cho những ai đến với ông chiếc kính vạn hoa. Ai cũng thấy mình vui hơn, đẹp hơn, sâu hơn”.

Nguyễn Trọng Tạo đến muộn, theo cách nói hài hước của Phạm Xuân Nguyên chắc do đọc thơ Bùi Giáng và ngủ quên, vẽ chân dung Bùi Giáng: “Người ta nói ông điên, nhưng điên mà tuôn ra thơ, múa ra triết thì chắc nhiều kẻ muốn điên như ông. Và ông trở thành người nổi tiếng mãi mãi cùng những cuốn sách, những giai thoại bất tận ngay lúc bình sinh và cả sau khi từ giã cõi trần… Những câu thơ hay và cô đơn như thế rất nhiều trong thơ lục bát của ông. Đôi lúc tôi nghĩ, thơ lục bát của Bùi Giáng câu hay nhiều hơn bài hay”. Thực tế, các nhà biên soạn đưa vào khá nhiều câu thơ lẻ được trích dẫn nhiều của Bùi Giáng: Đười ươi tại hạ ra đời/Thời gian rạch xé tô bồi cho em (Xuân ra đi).

Nhiều người nói thơ ta ít tính triết học, thiếu vắng những tư tưởng lớn. Theo cách đánh giá của Nguyễn Trọng Tạo, đọc thơ Bùi Giáng sẽ thấy không hề như vậy. “Người bước về đây năm ngón chân/Tôi buồn người bảo có tay nâng/Bàn tay người có đầy năm ngón/Người đứng xa tôi tiến lại gần”. Bốn câu thơ hay mở đầu Người về, theo giới phê bình, tóm gọn hiện tượng luận của Heidegger trong cuốn Những con đường rừng. Đó là nhà triết học người Đức ưa thích và Bùi Giáng dịch khá nhiều tác phẩm.

Đười ươi chân kinh

Thiên Hải Đoạn Trường Nhân-Nguyễn Nhật Anh - là người tuyển chọn và giới thiệu Bùi Giáng đa dạng, từ thơ đến phê bình văn học, tiểu luận và Bùi Giáng dịch trong duy nhất Đười ươi chân kinh. “Không dưới 100 tác phẩm thơ và văn xuôi của Bùi Giáng xuất bản, trong đó lượng tác phẩm xuất bản trước 1975 khó kiếm và hiếm. Bùi Giáng là tác giả khó tiếp cận, với số lượng tác phẩm khổng lồ đó cả người đọc mới lẫn cũ khó nắm bắt đâu là Bùi Giáng thực sự”, người tuyển chọn giải thích.

Mục đích xuất bản cuốn sách tuy tốt, nhưng chưa đủ và khó đánh giá hết tài thơ Bùi Giáng, nhất là những bài thơ đưa vào có thể chỉ hay theo đánh giá chủ quan của người chọn, theo nhận xét của nhà phê bình sân khấu Nguyễn Văn Thành.

Dù vậy, đây cũng là một trong số tập thơ trình bày đẹp của Nhã Nam, có cả ảnh và thủ bút của Bùi Giáng, thi thoảng điểm vài tranh minh họa của họa sĩ Thành Phong-tác giả Sát thủ đầu mưng mủ. Không hiểu có phải chủ ý của tác giả hay không, mà bìa sách vẽ Bùi Giáng cô đơn ngồi trên quả địa cầu gợi nhắc đến Hoàng tử bé - tác phẩm Bùi Giáng dịch thành công, tái bản không biết bao lần.

Lời phi lộ của phía xuất bản gợi mở cho người đọc cảm giác yên tâm, vui vui và háo hức khám phá họa đồ Đười ươi chân kinh để tìm ra Đười ươi thi sĩ là ai. Một Bùi Giáng hiện lên trong bức phác họa trong dáng ngồi thiền, gợi nhắc bản đồ tu luyện với các phần phân chia tương ứng sáng tác của ông: Phật kinh-Triết ngoại vi, nói lái đại pháp, Kim Vân Kiều truyện, các nàng thơ (Nam Phương hoàng hậu, Brigitte Bardot, Marilyn Monroe, Phùng Khánh, nghệ sĩ Kim Cương, ca sĩ Hà Thanh, Nường Mọi Nhỏ), thi ca cổ điển/thơ mới, libido, chứng cuồng. Phần Thơ, thơ lẻ chủ yếu tinh tuyển từ các tập Mưa nguồn, Lá hoa cồn, Ngàn thơ rớt hột, Màu hoa trên ngàn, Bài ca quần đảo, Trường ca, Sa mạc phát tiết…

Đọc Đười ươi chân kinh, độc giả lật giở nhiều góc cạnh Bùi Giáng từ cao cấp tới bình dân. Không chỉ kế thừa của hồn thơ lục bát Nguyễn Du thời văn học trung đại, giới phê bình đánh giá, sau Hồ Xuân Hương, Bùi Giáng kế tiếp tinh thần thơ bình dân, nghệ thuật nói lái: Bùi Giáng ám ảnh nhiều hình ảnh cô gái đi tiểu, các bộ phận, bị libido “vây khốn” tạo ra nhiều tiếng cười nhất cho thi ca hiện đại Việt Nam.

Bùi Giáng dù có nhiều giai thoại gắn với sự điên của mình, vẫn được miêu tả như ông già hiền triết và phiêu bồng giữa đường, giữa phố, thể hiện rõ nhất qua cách xưng danh: Hỏi tên rằng Biển dâu ngàn-Hỏi quê rằng xứ Mơ màng đã quên hay Hỏi tên rằng Biển xanh dâu-Hỏi quê rằng Mộng ban đầu đã xa”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG