Có mặt tại buổi lễ trên, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ nói đại ý: Con số này rất có ý nghĩa nếu so với tổng lợi nhuận năm 2010 chỉ 200 tỷ, hoặc 6 tháng đầu năm 2011 lỗ hơn 650 tỷ, 6 tháng cuối năm có nhiều giải pháp và sự hỗ trợ của Chính phủ mới có lãi mức 62 tỷ đồng.
Bộ trưởng Huệ còn nói: “Một tổng công ty hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực vận tải biển, hàng năm nếu cứ báo cáo con số lãi chỉ 60 - 70 tỷ đồng, thì chúng ta nghĩ trách nhiệm của đơn vị và với đất nước như thế nào? Đây là một câu hỏi rất khó chịu, nhưng phải đối diện, không còn cách nào khác là phải trả lời”.
Người đứng đầu Bộ Tài chính cũng cho biết, tới đây sẽ ban hành quy chế giám sát tài chính đối với DNNN. Theo đó, việc lỗ, lãi, trách nhiệm của Tập đoàn và tổng công ty nhà nước sẽ được công khai, kể cả việc xếp loại doanh nghiệp.
“Làm giám đốc DNNN mà doanh nghiệp đó 2 năm liên tiếp thua lỗ sẽ xem xét trách nhiệm của người đứng đầu. Chúng ta phải làm gương cho các thành phần kinh tế khác, trong bối cảnh kinh tế đất nước đang khó khăn như hiện nay”, ông Huệ nói.
Tham dự buổi lễ trên, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cũng nói với Vinalines: “Toàn thể cán bộ công nhân viên, phòng ban… phải vào cuộc, chứ không phải làm vì phong trào. Tôi dùng hình ảnh như vào rừng thông ấy, ở trên cứ vi vu, véo von, nhưng gió hơi lay nhẹ một chút là quả thông đã vội rơi. Rồi bảo, trên các ông đang tiết giảm chi phí đấy”. Ông Thăng cũng yêu cầu Vinalines nên cổ phần hóa bớt doanh nghiệp, đặc biệt bán bớt những cảng nhỏ, thu hồi vốn tập trung đầu tư cho cảng lớn theo chỉ đạo của Thủ tướng, như Lạch Huyện và Cái Mép - Thị Vải.
Thâm ý của các bộ trưởng ai cũng hiểu, nhưng vấn đề là các DNNN như Vinalines có tiết giảm thực chất hay không. Như câu chuyện nhiều “quả đấm thép” đang đua nhau tổ chức tiết giảm chi phí, để xem sau một năm tổng kết thực chất thế nào. Người dân hy vọng đó không phải là câu chuyện hô hào phong trào.