Dùng hoa cúc áo chữa đau răng

Dùng hoa cúc áo chữa đau răng
TP - Tôi nghe nói, cây cúc áo chữa đau răng rất tốt. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết có đúng? Cây cúc áo thường mọc ở đâu, ngoài tác dụng chữa đau răng còn có những tác dụng chữa bệnh gì khác ?

+ Đáp:

Cây cúc áo mọc hoang ở khắp, thường hay gặp nhất ở những nơi đất ẩm, như bờ ao, bờ mương, bờ ruộng .... Cây còn có tên là "cỏ the", "cây hoa cúc áo", "ngổ áo", "cúc áo hoa vàng", "nụ áo lớn", "nút áo" (miền Nam), "phắc chạt" (dân tộc Thái), "thiên văn thảo", "tán huyết thảo", "hoàng hoa thảo", "qúa hải long" ... Tên khoa học là Spilanthes acmella L., thuộc họ Cúc.

Cây cúc áo là một loại cây nhỏ, cao chừng 40-70cm. Lá hình trứng thon dài, mép có răng cưa to hay hơi lượn sóng; phiến lá dài khoảng 3-7cm, rộng 1-3cm. Cụm hoa hình đầu, mọc ở đầu cành, hình nón, màu vàng, dài 10-15mm. Quả bế màu nâu, dẹt, mép có gờ, dài 2-8mm.

Toàn cây có vị cay tê - cây mọc hoang cay tê hơn cây trồng trong vườn. Đặc biệt hoa tự có vị rất cay, tê nóng, gây chảy nước dãi rất nhiều. Thường người ta dùng hoa tự hái vào mùa hè và mùa thu. Có nơi dùng toàn cây. Dùng tươi hay phơi khô.

Theo Đông y, cúc áo có vị cay, đắng, tính hơi ấm. Có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, chỉ khái định suyễn (chống ho, suyễn), tiêu thũng, chỉ thống (giảm đau). Dùng chữa cảm sốt, viêm phế quản mạn tính, hen suyễn, ho gà, viêm ruột, kiết lỵ, đòn ngã chấn thương, khớp xương đau nhức do phong thấp, đau bụng, đau răng, mụn nhọt sưng đau.

Trong dân gian, thường hay dùng nhất là hái hoa đem giã nhỏ, ngâm rượu, để ngậm khi bị nhức răng, sâu răng - có tác dụng giảm đau rất tốt; có người còn dùng loại rượu này thay thuốc tê để nhổ răng. Có nơi còn dùng lá giã đắp trên mi mắt bị sưng đau. Ngoài ra, nước ép của lá hay nước sắc của lá có thể dùng đắp lên các vết thương, vết loét. Một số địa phương còn dùng lá cúc áo làm rau ăn và cho rằng có tác dụng chữa bệnh scorbut (chảy máu chân răng).

Một số đơn thuốc có dùng cây cúc áo:

- Chữa hóc xương gà, xương cá: Hoa hoặc lá cây cúc áo 50g, lá mảnh cộng 50g, lá dưa chuột ma 50g, giấm thanh 3 thìa cà phê (chừng 20ml). Ba thứ lá hái tươi về rửa sạch, giã nát, thêm giấm thanh vào, trộn đều, đợi 20 phút, vắt lấy một chén con nước. Cho bệnh nhân uống một ít nhưng chủ yếu là ngậm. Ngày chỉ ngậm 1 liều trên. Nặng có thể ngậm tới 3 liều (kinh nghiệm của cụ Hà Thị Oanh, Y học thực hành 8-1962: 21).

- Chữa cảm sốt, đau đầu, ho: Dùng cúc áo tươi 4-12g, sắc nước uống. Có thể phối hợp cũng với một số vị thuốc khác như bạc hà, kinh giới, hoắc hương ...

- Chữa đau răng, viêm họng: Dùng hoa cúc áo tán nhỏ, ngâm rượu ngậm; hoặc ngậm hoa hoặc lá tươi, có thể nuốt chút nước.

- Chữa tê thấp: Dùng rễ cúc áo, rễ xuyên tiêu, rễ kim cang, rễ chanh, qủa màng tang, mỗi thức 4-8g, sắc nước uống trong ngày.

Lương y Hư Đan
Tri Thức Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG