Dùng hạ khô thảo chữa tràng nhạc

Dùng hạ khô thảo chữa tràng nhạc
TPO - Tôi nghe một số cụ già nói, cây hạ khô thảo có tác dụng chữa tràng nhạc rất tốt. Cây thường mọc ở đâu, hình dạng thế nào và còn có thể dùng chữa bệnh gì khác?

+ Đáp:

Ở nước ta, cây hạ khô thảo - Brunella (Prunella) vulgaris L., họ Hoa môi (Lamiaceae), phân bố ở một số vùng núi cao từ 1000m trở lên, như Tam Đảo, Sa Pa, Mường Khương, Bát Sát, Bắc Hà, Đồng Văn, Mèo Vạc, Sìn Hồ, Mù Cang Chải ...

Nhận dạng: Hạ khô thảo là một cây thảo, sống nhiều năm, cao 20-30cm. Thân đứng, vuông, màu hơi tím đỏ. Lá mọc đối. Hình trứng hay hình mác dài, gốc thuôn, đầu nhọn hoặc hơi tù, dài 4-5cm, rộng 1,2-1,5cm. Mép nguyên hoặc hơi có răng cưa, có ít lông ở thân và lá. Cụm hoa mọc ở đầu cành, thành bông xim co, hình trụ, dài 2-3cm= giống như bông, do nhiều hoa có cuống ngắn mọc vòng, mỗi vòng có 5 -6 hoa. Đài hoa có 2 môi, môi trên có 3 răng, môi dưới có 2 răng, hình 3 cạnh. Cánh hoa màu tím nhạt hình môi, môi trên như cái mũ, môi dưới xẻ ba, thùy giữa rộng hơn. Nhị 2 dài, 2 ngắn, đều thò ra khỏi tràng. Bầu có bốn ngăn. Vòi nhỏ dài. Lá bắc có màu tím đỏ. Quả nhỏ cứng.

Dùng hạ khô thảo chữa tràng nhạc ảnh 1

Để sử dụng làm thuốc, vào mùa hạ, khi một số quả đã chín, người ta hái những cành mang hoa và quả, đem phơi hay sấy khô, để dùng dần. Theo người xưa, sau tiết Hạ chí (giữa mùa hạ) thì cây khô héo, nên gọi là “hạ khô thảo”; Trên thực tế ở nước ta, suốt mùa hạ cây vẫn tươi tốt.

Theo Đông y, hạ khô thảo có vị cay, đắng, tính lạnh; Vào 2 kinh Can và Đảm. Có tác dụng thanh nhiệt tả hỏa, minh mục, tán kết tiêu thũng; Dùng chữa mắt đỏ sưng đau, đau đầu chóng mặt, đêm đến đau con ngươi mắt, loa lịch (tràng nhạc), anh lựu (u bướu), nhũ ung thũng thống (áp xe vú), giải trừ nhiệt độc ở tử cung và âm hộ, ...

Sử dụng hạ khô thảo để chữa tràng nhạc là một kinh nghiệm đã được lưu truyền trong dân gian từ rất lâu đời. Bệnh "tràng nhạc" trong Đông y gọi là "loa lịch". Ban đầu ở vùng cổ, trước và sau tai thấy nổi một hoặc vài hạch nhỏ, cỡ như hạt đậu, da không biến sắc, ấn vào cứng rắn, đẩy có di chuyển, không có cảm giác đau hoặc nóng. Sau vài tháng hoặc vài năm, hạch to dần, kết lại với nhau thành từng mảng, ấn vào hơi đau, không thấy di động; kèm theo những chứng trạng toàn thân như ngực sườn đầy tức khó chịu, kém ăn. Khi mưng mủ thì sắc da đỏ thẫm nhưng sờ không thấy nóng, ấn vào thấy di động; kèm theo sốt nhẹ, người mệt mỏi, chán ăn ... Để chữa tràng nhạc, có thể sử dụng hạ khô thảo theo một số phương pháp như sau:

(1) Dùng hạ khô thảo 20g, sắc lấy nước đặc, chia ra 2 lần uống trước khi ăn cơm 2 giờ.

(2) Dùng hạ khô thảo 12g, cam thảo 6g, nước 600ml, sắc còn 200ml chia 3 lần uống trong ngày, trước khi ăn cơm.

(3) Dùng hạ khô thảo, hương phụ, bối mẫu, viễn chí, mỗi thứ 10-15g, sắc lâý nước đặc, chia ra uống trong ngày.

Tràng nhạc - Loa lịch, là một bệnh phức tạp, để chữa trị cần tìm đến Khoa Đông y ở các bệnh viện, hoặc các phòng khám Đông y có uy tín, để được các thầy thuốc chẩn đoán và chữa trị một cách toàn diện. Các bài thuốc trên chỉ có tính tham khảo.

Hạ khô thảo còn là vị thuốc chữa nhức mắt về đêm rất tốt. Trong sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của GS Đỗ Tất Lợi, có viết như sau: “Sách Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân (thế kỷ 16) có kể một trường hợp ông dùng chữa bệnh nhức mắt rất công hiệu như sau: Có một người con trai đau ở trong con ngươi, nhức cả bên quãng xương đầu lông mày và sưng đau thêm nửa đầu, dùng hoàng liên nhỏ vào lại càng đau thêm, uống các thứ thuốc khác cũng đều không công hiệu, liền dùng ngải cứu ở các huyệt quyết âm, thiếu dương tức thời khỏi đau ngay, nhưng cách đó chỉ nửa ngày lại đau, cứ nhùng nhằng như thế tới hơn một tháng, liền dùng hạ khô thảo 2 lạng (80g), hương phụ (củ gấu) 2 lạng (80g), cam thảo 4 đồng cân (16g). Các vị cùng tán bột, mỗi lần uống 1 đồng rưỡi (6g) hòa với nước chè, uống khỏi miệng, đau nhức bớt ngay. Tiếp đó chỉ uống 4 - 5 lần nữa bệnh khỏi hẳn".

Lương y Hư Đan
Tri Thức Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG