Đừng đưa học sinh ra làm 'chuột bạch' nữa

TPO - Đại biểu Quốc hội Dương Minh Tuấn (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, thực nghiệm trong giáo dục nghe qua thì rất nhân văn và cần thiết, nhưng quy định như dự thảo Luật Giáo dục là chưa đầy đủ.

Thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) chiều 11/6, ĐBQH Dương Minh Tuấn (Bà Rịa – Vũng Tàu), thời gian qua, nhiều phụ huynh tỏ ra rất dị ứng với những từ như “thực nghiệm” “thí nghiệm” “thí điểm”, điển hình nhất là mô hình trường học mới (VNEN).

“Chương trình được thí điểm từ 2012 – 2015, và đến nay đại trà áp dụng cho 54 tỉnh thành. Thế nhưng kết quả mang lại cho thấy nhiều địa phương không muốn con em tiếp tục theo học chương trình này nên phụ huynh đồng tình và làm đơn xin rút khỏi chương trình.

Cá biệt có địa phương có 100% phụ huynh đề nghị tạm dừng chương trình. Họ còn thắc mắc rằng tại sao lại đem con tôi ra làm “chuột bạch” thí nghiệm”, đại biểu Tuấn dẫn chứng.

Cũng theo ông Tuấn, sau khi các địa phương phản ứng, chính Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận rằng VNEN đã thực hiện có phần nóng vội. Để khắc phục, bộ có công văn yêu cầu địa phương nào có đủ điều kiện thì thực hiện, còn tỉnh nào chưa đủ điều kiện thì dừng triển khai.

“Chúng ta làm thí điểm theo hướng mô hình nào không thành công thì dừng triển khai hoặc đổi. Đó là cách làm của chúng ta, còn học sinh thì không phải học thử mà chỉ có một cửa duy nhất, đó là học thật. Vì nếu học không được thì phải ở lại lớp hoặc theo chương trình khác. Việc học thử nghiệm trong một năm có thể ảnh hưởng đến những năm học sau, từ làm ảnh hưởng cả một thế hệ học sinh” – đại biểu Tuấn nêu quan điểm.

Từ những nhận định trên, đại biểu Dương Minh Tuấn kiến nghị dự thảo Luật Giáo dục phải quy định nội dung về thử nghiệm giáo dục theo hướng bổ sung: ấn định tỉ lệ phần trăm tối đa với cơ sở giáo dục, cũng như quy định chặt chẽ về phạm vi, đối tượng áp dụng thử nghiệm.

MỚI - NÓNG