Củ bình vôi |
Củ bình vôi, còn gọi là “củ một”, “củ mối trôn”, “ngải tượng”, “tử nhiên”, “củ gà ấp”, “cà tom” (đồng bào Thổ); tên khoa học là Stephania rotunda Lour, họ Tiết dê (Menispermaceae).
Cây củ bình vôi là một loại dây leo, phần dưới thân phát triển thành củ to, bám vào núi đá, có củ rất to, nặng tới hơn 20kg. Da thân củ màu nâu đen, xù xì giống như hòn đá.
Hình dáng thay đổi tuỳ theo nơi củ phát triển. Nếu mọc ở đất thì củ nhỏ hơn, thường gọi là “củ gà ấp”. Từ thân củ mọc lên những thân màu xanh, nhỏ, mềm. Lá mọc so le, hình bầu dục hay hình tim hặc tròn, đường kính 8-9cm, cuống lá dài 5-8cm.
Hoa nhỏ mọc thành tán. Hoa đực cái khác gốc. Hoa cái có cuống tán ngắn, còn hoa đực có cuống tán dài. Quả chín hình cầu màu đỏ, tươi, trong chứa một hạt hình móng ngựa.
Cây bình vôi thường ưa mọc ở những vùng có núi đá tại các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Hoà Bình, Hà Tây (cũ), Nam Hà, Ninh Bình, Hải Phòng, Cao Bằng, Lạng sơn, Thanh Hoá v.v...
Củ bình vôi có thể thu hái quanh năm, đem về cạo bỏ vỏ đen, thái mỏng phơi khô rồi ngâm rượu hay sắc uống. Không phải chế gì khác.
Kết qủa nghiên cứu cho thấy: Củ bình vôi có tác dụng an thần, gây ngủ và chống co quắp, hạ huyết áp; tác dụng rõ rệt nhất là gây ngủ và an thần.
Trong suốt kháng chiến chống thực dân Pháp, các thầy thuốc đã sử dụng củ bình vôi điều trị có kết quả một số trường hợp đau tim, mất ngủ, hen, đau bụng, lỵ amíp ...
Trong dân gian, củ bình vôi thường được dùng dưới dạng sắc, ngâm rượu chữa mất ngủ, ho, hen, kiết lỵ, sốt, đau bụng...
Để tránh bị "say", tức ngộ độc, chỉ nên sử dụng với liều nhỏ: Người lớn ngày uống từ 3 đến 6g. Trẻ nhỏ dùng với liều lượng 0,02 - 0,025g đối với trẻ 1-5 tuổi; 0,03-0,05g đối với trẻ 5-10 tuổi.