Cũng cần phải nói thêm rằng ở đại chiến Gạch-Gỗ hôm rồi, các cầu thủ Đồng Tâm.LA không hề chơi bạo lực, không cần đá xấu nhưng họ vẫn có thể “khóa” Công Phượng. Đấy là chi tiết cho thấy V-League cũng muốn thay đổi, theo hướng bớt bạo lực hơn, đẹp hơn để có đất dụng võ cho những người cầu thủ giàu kỹ thuật.
Nhưng dù thay đổi kiểu gì đi chăng nữa, V-League nói riêng hay bóng đá đỉnh cao nói chung vẫn không thể tách khỏi quá trình phát triển chung của xu thế bóng đá toàn cầu. Xu thế đấy nằm ở chỗ hướng đến kết quả tốt, người ta còn đá bóng bằng mưu mẹo, bằng chiến thuật và bằng cả sự biết người biết ta, chứ không thể phát triển đơn thuần dựa trên kỹ thuật.
Công Phượng bị vô hiệu hóa dễ dàng vì có thể các đối thủ hiểu quá rõ về Công Phượng, trong khi bản thân cầu thủ này chưa hiểu tường tận thế nào là bóng đá đỉnh cao.
Bóng đá đỉnh cao khác hẳn những bài giảng đơn thuần về lý thuyết của học viện HAGL-Arsenal.JMG, những trận cầu trong bóng đá đỉnh cao cũng đầy mưu mẹo, khác hẳn với những trận bóng đá trẻ.
Công Phượng lạc lỏng trên sân vì bản thân cầu thủ của HA Gia Lai còn không hòa hợp được với những đồng đội cùng đứng chung một chiến hào với anh. Công Phượng đúng là rất ăn ý với Tuấn Anh, Xuân Trường, Hồng Duy, Thanh Tùng, vì họ đã đá chung với nhau 7 – 8 năm nay rồi, nhưng còn với Hoàng Thiên, Lukanovic thì sao?
Bóng đá đỉnh cao chắc chắn không phải chỉ bao gồm một nhóm nhỏ cầu thủ theo nhau từ nhỏ đến lớn. Bởi, kiểu gì thì nhóm nhỏ cầu thủ ấy phải làm quen với những đồng đội mới, chắc chắn sẽ rất khác nhau, trong quá trình họ đá bóng nhiều năm trời nữa.
Đừng chăm như chăm cây kiểng
Cũng 7 – 8 năm qua, người ta chỉ thấy Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Đông Triều, Hồng Duy, Thanh Tùng, Văn Sơn… đá bóng chung với nhau, từ cấp độ đội trẻ cho đến đội lớn, từ cấp độ CLB cho đến đội tuyển.
Khi đôn lứa cầu thủ này từ học vện HAGL-Arsenal.JMG lên đội một, bầu Đức đôn nguyên cả lứa, thay vì làm từ từ theo kiểu thế hệ trước dìu thế hệ sau. Khi bắn tiếng cho VFF gọi cầu thủ của mình lên đội tuyển, bầu Đức cũng muốn nguyên cả nhóm được gọi, chứ không phải một hay một vài người riêng lẻ. Rồi sử dụng cũng phải sử dụng cùng lúc, chứ không sử dụng rời rạc từng người.
Thử hỏi trên khắp thế giới, người ta có triệu tập đội tuyển quốc gia theo cách ấy không? Ngay đến Barcelona thời đỉnh cao, dù có thế hệ Xavi, Iniesta, Puyol từ lò La Masia cực kỳ xuất sắc, người ta còn phải pha trộn thêm nhiều thế hệ khác nhau (Messi, Pedro thuộc thế hệ sau), nhiều trường phái khác nhau (Henry, Eto’o, Abidal, Alves, Mascherano… đến từ nước ngoài).
Hay như thế hệ tài năng của Manchester United gồm những Beckham, Scholes, Butt, anh em nhà Neville, cũng còn cần thêm sự hợp sức của Giggs, Roy Keane, Stam, Schmeichel… mới tạo nên thành công năm 1999.
Cả thế giới bóng đá người ta làm như vậy, phải hòa trộn phong cách chơi bóng của nhiều người vì chẳng có lò đào tạo nào là xuất sắc tuyệt đối, cũng không có phong cách nào hơn phong cách nào. Điều quan trọng là sự kết hợp các phong cách chơi bóng để tạo nên sự hoàn thiện.
Cả thế giới bóng đá làm như vậy cũng là để các cầu thủ có dịp thích nghi với những cách chơi khác nhau, những đồng đội khác nhau, điều đó nói cho cùng cũng là để làm lợi cho sự phát triển của bản thân từng cầu thủ.
Người ta không xây dựng một đội bóng với một nhóm cầu thủ chỉ biết một kiểu đá, chỉ biết tấn công mà không biết phòng ngự, chỉ mạnh về kỹ thuật mà kém về khả năng tranh chấp, chỉ giỏi đá nhỏ chứ không biết đá dài.
Một đội bóng gồm toàn những cầu thủ như thế khi bị chia cắt thấy rõ là vô dụng đến mức nào. Vấn đề là đừng bắt bóng đá đỉnh cao phải thay đổi để phù hợp với một hay một nhóm nhỏ cầu thủ, đấy gần như là điều không tưởng và đi ngược lại quy trình phát triển.
Muốn trụ vững ở bóng đá đỉnh cao, trước tiên phải hiểu và phải biết cách thích nghi với môi trường đỉnh cao. Ở đời, nhập giang tùy khúc, nhập gia tùy tục!