Đức Tiến & ca khúc lạ thường

Đức Tiến & ca khúc lạ thường
TP - Những ca khúc ấy không có những ca từ dung tục ầm ĩ của những cái đầu xanh đỏ, nó không phải dành cho những ma - nơ- canh biết đi của đường phố... Nó là những bài thơ nhỏ, những đồng dao nhỏ, của một gã đàn ông đầu xanh tuổi trẻ.

Những ca khúc lạ thường này cô đơn như bông hoa dại nhoi lên từ một bãi rác, nó như không thuộc về thế giới âm thanh hỗn tạp lộn xộn này, nó được cất lên từ một quán cà phê hoang vắng bởi những giọng hát buồn như không màng đến nắng hay mưa, buồn hay vui, dù vắng lặng hay đông đúc, nó vẫn được ngân lên bất chấp thời tiết.

Hắn có tên là Đức Tiến, một cái tên không lạ chút nào nếu không muốn nói là đụng hàng tùm lum.

Tôi nói với hắn là cái tên ngó bộ không khá nổi vì có quá nhiều nghệ sĩ thành danh nhờ cái tên. Hắn chỉ cười cười: “em cũng muốn đổi lắm nhưng cha mẹ sinh ra thế nên chịu”. Thì chịu, miễn là không “cầm nhầm” trong sáng tạo là được rồi.

Đức Tiến là một trường hợp lạ vì ca khúc của hắn – Khúc thức giai điệu ca từ - không giống ai, âm nhạc của hắn, hình như phải đau lắm buồn lắm trầm tư lắm mới đẻ ra được.

Lần đầu nghe Đức Tiến hát cùng bạn bè trong một đêm ra mắt ở quán cà phê Phong Nguyệt (Nguyễn Đình Chiểu, Q3, Sài Gòn).

Đêm nhạc được sự giới thiệu của nhạc sĩ Tuấn Khanh và nhà thơ Trần Tiến Dũng cùng với những giọng ca đẹp như. . . bóng tối,vì họ - Quỳnh Như, Hoàng Trang, Minh Thúy hát rất hay nhưng không biết đến bao giờ họ có thể có một cơ may để vượt ra khỏi nỗi buồn bốn bức tường của quán xá.

Nhưng cũng chính vì thế nên ở đó - Nhạc của Đức Tiến đã nở ra như một bông hoa lạ thường, như một con chim có bầu trời riêng, có đường bay riêng có tiếng hót riêng.

Tôi có cảm giác rờn rợn rằng con chim này sẽ hót cho đến chết, cho đến giọt máu cuối cùng của mình, lần đầu tiên.

Trong đó, dường như có một cái gì đó quen quen - giai điệu của những bài hát bất hủ trong kí ức - nhưng cũng có một cái gì đó lạ lạ của một cái mới không tầm thường.

Nó được sáng tạo bởi một một cây bút mới, mới toanh trong cái đất Sài Gòn mênh mông với rất nhiều nhạc sĩ ca sĩ mì ăn liền.

Đức Tiến - tên thật Trần Đức Tiến sinh năm 1984 tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Lang thang vào Sài Gòn và sáng tác từ năm 2000. Tiến chia sẻ, anh thích những nơi “tiếng ca phố thị đang từng ngày bỏ mặc”.

Hình như Đức Tiến cũng không muốn bị ngộ nhận chút nào, cho dù nhạc của Đức Tiến đang được (hay bị) người ta hát ở các nơi từ hải ngoại đến các quán xá trong nước.

Mở mạng dễ thấy tên của Đức Tiến với ca khúc “Người đàn bà đi nhặt mặt trời”.

Ca khúc này đã được giải Nhất giải thưởng chuyên nghiệp dành cho cuộc thi sáng tác ca khúc Việt của cộng đồng người Việt ở hải ngoại do một đài truyền hình tổ chức (năm 2009). Chưa hết, Đức Tiến cũng đã từng lọt vào top 30 của Vietnam Idol 2007.

Những ca sĩ có nghề ở quán “Căn nhà xưa (Đà Lạt), khi nghe tôi giới thiệu bài hát của Đức Tiến họ đã phì cười. Họ nói, không biết Đức Tiến là ai nhưng đã hát bài hát này rất lâu rồi”.

Tôi đã nghe Tiến hát lần thứ hai ở quán BỆT (Tú Xương, Q3, TP Hồ Chí Minh). Dân dã như cái tên, BỆT nghĩa là ai đến đây nghe hát đều phải bỏ giày dép - ngồi bệt xuống sàn để nghe các nhạc sĩ ca sĩ diễn “mộc” không micro không âm thanh điện tử, với một lượng khách khiêm tốn.

Tiến và bạn bè vẫn hát. Tôi có cảm giác họ là những người gieo giống trong mùa giông bão, đầy đam mê và hoan lạc, kiên trì và hồn nhiên, họ đang hát bằng một đức tin.

Có thể hiểu được những thông điệp mà Đức Tiến và những người bạn mình muốn gởi đến hôm nay - rằng hãy sáng tạo cho dù phải cô đơn, rằng hãy gieo những hạt giống tốt để ngày mai con người có thể thu gặt được những mùa màng tươi tốt.

Đối với họ được hát như một cách để có thể được sống hồn nhiên với nghệ thuật cho dù có nghèo xơ xác. Họ là “những đại lộ đón gió, mây bay là bay rồi”.

Họ có thể là những “đồng ca nhỏ” hát “trên những đống gạch tàn” [+]để báo cho chúng ta biết rằng con người đang sống trong một thế giới bất an bởi những thiên tai động đất sóng thần dịch bệnh vì những thờ ơ hủy hoại của chính con người gây ra.

Những suy nghĩ về thân phận con người: “thế giới hỡi sao mãi im lặng trong nghĩ suy của mình... Bởi vì sao hôm nay thế giới lao đao trong từng cơn bão - Bởi vì sao hôm nay thế giới hư hao trên từng trang báo... Thế giới hỡi đừng để im lặng - ngủ yên trong nghĩ suy của mình...” [+] Những câu hát về thân phận tình yêu mà nếu đào bới trong mớ ca khúc trong những mối tình tay ba tay tư miệng lưỡi hiện nay thì không thể kiếm ra được dù chỉ một lời…

Đức Tiến vẫn không có cái gì ngoài một cây đàn sau lưng. Tôi thấy hắn vẫn lang thang xuôi ngược giữa lòng phố Sài Gòn đông đảo người ngợm xe hơi xe máy, vẫn trên một chiếc xe đạp cà tàng.

Tiến vẫn còng lưng đạp xuống đời, loạng quạng vừa đạp xe vừa nghe điện thoại vừa nghêu ngao ca hát.

Tôi chợt nghĩ đến những nhạc sĩ thực, họ cũng đã bắt đầu từ sự cô đơn như Đức Tiến, chỉ một mình với một cây đàn, họ độc sáng trong bóng tối, họ không có kim chỉ nam cho những sáng tạo vì sự sáng tạo phải do người nghệ sĩ tự vạch cho mình một con đường để đi. Để đến một “đại lộ đón gió” với “sẽ có những lúc khi trời hoàng hôn - Một mình ta đi trên con đường mòn - Chiều vàng nắng tắt ta đi trong thinh lặng - Ta đi trong chốn mơ hô... trong sa mạc khô cằn... Sẽ có những lúc khi trời bình minh - Trời đổ nắng mai trên đôi vai trần - Đại lộ đón gió ta đi trong sớm mai này - Qua đi qua đi hoang mang héo hắt linh hồn - hôm nay tôi đi đi xa nơi chốn mơ hồ... tạm biệt những hư vô... Qua đi qua đi Đại lộ đón gió riêng mình - Không buồn tình không buồn mình không buồn đời - Tạm biệt những hư vô...” (+)

(+) Nhạc và lời Đức Tiến trong Album “Đồng Ca Nhỏ” tác giả tự xuất bản không bán.

“Đồng ca nhỏ”

(Album tập hợp 10 ca khúc được Đức Tiến sáng tác từ đầu năm 2000 tới nay)

1. Đại lộ Đón Gió (Sáng tác & Trình bày: Đức Tiến); 2. Giấc mơ bay (Đức Tiến - Thanh Hương); 3. Tuổi teen nơi miền quê nghèo (Đức Tiến); 4. Bài đồng ca nhỏ (Đức Tiến - Hợp ca); 5. Ngày em vào đại học (Trình bày: Trần Lê Quang); 6. Đống gạch tàn (Đức Tiến); 7. Người đàn bà đi nhặt mặt trời (Đức Tiến); 8. Chim câu lạc đường (Đức Tiến); 9. Người thi sĩ sống nơi lỗi thời (Đức Tiến); 10. Mây bay là bay rồi (Đức Tiến - Diên An).

Một số ca khúc của Đức Tiến như “Đại Lộ Đón Gió, Tuổi Teen nơi miền quê nghèo, Giấc mơ bay, Người đàn bà đi nhặt mặt trời, Mây bay là bay rồi, Đống gạch tàn”,… được nhiều ca sĩ ở TPHCM hát trong các phòng trà khắp thành phố, nay chính tác giả, nhạc sĩ – ca sĩ Đức Tiến trình bày với phong cách mộc mạc rất riêng. Theo Đức Tiến, tinh thần của du ca là âm nhạc phải mang tính dự báo, đồng cảm và chia sẻ với thân phận, với xã hội.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.