Đưa văn học Việt ra thế giới, phải vẽ cho nó một lộ trình

Đưa văn học Việt ra thế giới, phải vẽ cho nó một lộ trình
TP - Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam sắp diễn ra (5/1/2010 -10/1/2010) với trên 300 đại biểu (trong đó có trên 100 dịch giả, nhà văn nước ngoài đến từ 32 quốc gia).
Đưa văn học Việt ra thế giới, phải vẽ cho nó một lộ trình ảnh 1
Di Li

Đây là một hoạt động rất lớn nhằm đẩy mạnh việc trao đổi văn hoá thông qua công tác dịch thuật văn học. Tiền Phong Cuối tuần đã trao đổi với ba dịch giả trẻ: Hữu Việt, Nguyễn Lệ Chi và Di Li xung quanh một số vấn đề đáng chú ý về nền dịch thuật Việt Nam hiện nay.

Anh/ chị có thể cho một nhận xét chung về nền dịch thuật của Việt Nam (không phân biệt dịch giả ở trong nước hay là Việt kiều ở nước ngoài)? Nếu chỉ nhận xét bằng một câu thì câu đó là gì?

Nguyễn Lệ Chi: Đó là một nền dịch thuật chỉ có nhập, chưa có xuất, hàng ngoại ít, hàng nội nhiều, mất cân đối trầm trọng.

Di Li: Số lượng dịch giả (chưa nói chất lượng) đông đảo. Chỉ vì chúng ta phải dịch nhiều sách của nước ngoài.

Chúng ta hầu như chỉ mới hội nhập văn học một chiều. Việc đưa văn học Việt Nam ra thế giới chưa thấm tháp gì. Theo quý vị, vì đâu có hiện trạng đó? Chúng ta chưa giới thiệu tốt văn học Việt Nam? Chưa làm việc một cách chuyên nghiệp với các nhà xuất bản của các nước? Chưa quan tâm đào tạo?...

Hữu Việt: Có những nền văn học và ngôn ngữ mang sức hấp dẫn tự thân sẽ được xuất khẩu miễn phí và nhập khẩu tự nguyện. Trong tình thế hiện nay,  việc chúng ta “hội nhập một chiều” cũng là điều dễ hiểu.

Các nhà xuất bản với tư cách một doanh nghiệp sẽ phải xuất bản những cuốn sách bán được. Vì vậy, không thể trông chờ ở họ được đâu.

Để giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài, không thể chỉ dựa vào hảo tâm của những người bạn mà chúng ta mời đến hội nghị Quảng bá văn học Việt Nam lần này. Có thể coi đây  là sự tri ân, một cuộc hội kiến, một cơ hội lắng nghe các dịch giả cần chúng ta hỗ trợ những gì  và kinh nghiệm của họ để văn học của ta đến với công chúng nước ngoài.

Lệ Chi: Do chúng ta chưa thực sự coi trọng vấn đề này. Bởi rất đơn giản, nếu chúng ta coi trọng nó, ắt sẽ có những hành động thiết thực hơn là kêu gọi suông hoặc gấp gáp tổ chức một vài hội thảo trong tình trạng cuống quýt, thiếu hụt.

Nếu coi trọng việc đưa văn học VN ra thế giới, ắt phải vẽ trước cho nó một lộ trình, phải có một cơ quan chuyên trách đảm nhiệm và giám sát để đảm bảo lộ trình đó đi đúng hướng đã vẽ ra.

Tiếp đó là khâu dịch tóm tắt các tác phẩm này ra tiếng nước ngoài, chào cho các NXB nước ngoài, thuyết phục cho họ thấy được cái hay, cái xuất sắc của chúng, để từ đó liên kết xuất bản với họ. Khâu này chắc chắn ở nước ta cũng chưa có.

Đội ngũ dịch giả là vô cùng quan trọng. Nếu không có các chương trình đào tạo dịch thuật chuyên nghiệp và lâu dài, đặc biệt chú trọng dịch ngược, không có những khóa bồi dưỡng các kiến thức tổng hợp về xã hội, văn hóa, chính trị… cho các dịch giả thì e rằng vài năm nữa, đội ngũ dịch giả ở VN sẽ phát triển tự phát và tự triệt.

Di Li: Chúng ta có thiệt thòi là vì ta đang nói và viết một ngôn ngữ hiếm. Nếu ta muốn tìm một tác phẩm Pháp, Mỹ đang bán chạy trong năm thì cứ lên Google mà tìm.

Còn người nước ngoài quan tâm đến văn học của ta thì tìm ở đâu, khi mà trên máy tính của họ thậm chí còn không cài phông chữ tiếng Việt? Rồi đến khi họ tìm được một cuốn sách hay rồi lại không tìm được người dịch từ tiếng Việt. Gian nan lắm.

Có vài tác phẩm của ta đã được dịch ra nước ngoài thì phần lớn vẫn là tác phẩm chiến tranh. Muốn tác phẩm phổ biến thì ta phải tự thân vận động.

Đừng nghĩ là những nền văn học lớn như Pháp, Đức, Mỹ cũng chờ “hữu xạ tự nhiên hương”. Họ có chiến lược quảng cáo cho những tác phẩm của các tác gia hàng đầu với ngân sách không phải là ít, và còn làm rất bài bản nữa.

Đưa văn học Việt ra thế giới, phải vẽ cho nó một lộ trình ảnh 2
Hữu Việt

Vậy theo anh/ chị nên làm gì? Bằng kinh nghiệm phong phú của anh/ chị khi tiếp xúc với các nền văn minh khác, anh/ chị có thể cho biết ý kiến của mình? Chẳng hạn, để giới thiệu một nền văn học như Việt Nam, nên làm gì? Một Hội nghị trong vài ngày liệu có đủ?

Hữu Việt: Về phía mình, chúng ta cần có sự đầu tư bài bản (ở cấp nhà nước), sự  phối hợp của  cơ quan chuyên trách (có thể là cần một Viện dịch thuật và quảng bá Văn học VN chẳng hạn).

Viện này chỉ nên là cơ quan quản lý thay mặt nhà nước tập hợp những người có tài và chuyên môn, phối hợp  theo hình thức làm việc nhóm, để quyết định:

Dịch ai? Dịch cái gì? Dịch thế nào? Dịch cái gì trước, cái gì sau? Làm sao để có một sản  phẩm dịch thuật tốt nhất, thể hiện được đầy đủ những cái hay, cái đẹp của văn học Việt Nam và  những gì chúng ta muốn thế giới biết đến.

Ngoài ra, cũng cần có cơ chế phù hợp, sòng phẳng và minh bạch để huy động các nguồn tài chính khác, thông qua xã hội hóa. Các doanh nghiệp sẽ mở túi tiền, bởi vì về mặt lâu dài, họ là những người cũng sẽ được hưởng lợi với tư cách nhà đầu tư cho xuất khẩu văn hóa.

Di Li: Lẽ ra đây là công việc của các nhà xuất bản. Nhưng tôi biết các NXB của ta rất thiếu chuyên nghiệp trong mảng này. Vì thế ta cần phải có một trung tâm bản quyền văn học với những thành viên đủ chuyên nghiệp để giao dịch với nước ngoài.

Cá nhân tôi cũng biết nhiều tổ chức nước ngoài muốn xin truyện của nhà văn Việt Nam về nước in. Tôi cũng tự giới thiệu sách của tôi và vài tác giả khác. Nhưng một mình tôi thì làm rất manh mún và tự phát, có tháo vát mấy cũng bị động và thiếu chuyên nghiệp.

Một hiệp hội dịch giả có cần không? Nếu có thì nên tổ chức ra sao?

Hữu Việt: Hội hè nên trở về đúng với bản chất của nó là các tổ chức tự nguyện, do những nhóm người có chung ý thích, mục tiêu  và hiểu biết. Chỉ khi ấy nó mới giúp ích cho công việc dịch thuật, còn thành lập nó như một tổ chức “để cho có” thì chỉ tốn thời gian và tiền của mà thôi.

Lệ Chi: Rất nên, đây cũng là một tâm nguyện mà tôi muốn thành lập trước đây. Tuy nhiên Hiệp hội dịch giả phải đảm bảo các tiêu chí sau: phải đảm bảo công việc và quyền lợi của dịch giả, phải tôn vinh được vị trí và vai trò của dịch giả trong xã hội, phải chỉ ra được đạo đức nghề nghiệp, những vinh quang và cả khó khăn cho người dịch trước khi bước chân vào để họ xác định có đi theo nghề một cách nghiêm túc hay không.

Di Li: Các lĩnh vực đều nên có hiệp hội, hoạt động theo phương châm hỗ trợ lẫn nhau dựa trên một tiếng nói chung. Tuy nhiên, điều cần nhất vẫn là tính chuyên nghiệp.

Dịch một tác phẩm văn chương là một công việc nhọc nhằn, nhưng nhuận bút lại không tương xứng. Vì sao anh/ chị vẫn theo đuổi công việc này?

Hữu Việt: Do yêu thích, nó giống như một bài thể dục văn chương khi mình đang nghỉ ngơi vì chưa viết được cái gì của riêng mình.

Lệ Chi: Vì vẫn còn yêu. Khi còn yêu, người ta còn say mê và thường quên lãng những điều người ta phải hi sinh để có được tình yêu đó.

Có ý kiến đánh giá, mặt bằng dịch thuật hiện nay có sự mất cân đối, rất nhiều dịch giả chạy theo các best-seller, đồng nghĩa với quảng bá các tác phẩm bình dân? Theo quý vị, nên làm gì để khắc phục, giúp công chúng được tiếp cận nhiều hơn nữa với những tác phẩm đỉnh cao của thế giới?

Hữu Việt: Một vấn đề không dễ có lời giải. Phải thẳng thắn thừa nhận là, sách dịch hiện nay đang bị thị trường phát hành thao túng và dẫn dắt. Các nhà xuất bản và các công ty sách vẫn phải nuôi mình bằng những cuốn sách bán chạy. Các dịch giả vẫn phải làm theo đơn đặt hàng của NXB nếu không  muốn những gì mình dịch ra bị xếp xó.

Lệ Chi: Điều này không nên trách các dịch giả, mà hãy hỏi các đơn vị xuất bản. Hiện nay, một thực tế đáng buồn là các đơn vị xuất bản tư nhân lại chịu khó mua bản quyền nước ngoài hơn là các NXB nhà nước. Số NXB nước ta chịu mua bản quyền chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Thậm chí có rất nhiều NXB mặc dù đã tồn tại mấy chục năm qua nhưng chưa hề mua bản quyền một cuốn sách nước ngoài nào, dù sách họ xuất bản vẫn ra ầm ầm.

Di Li: Cá nhân tôi thấy, mình cũng chỉ có quyền lựa chọn trong số đầu sách mà các NXB đã mua bản quyền.

Đưa văn học Việt ra thế giới, phải vẽ cho nó một lộ trình ảnh 3
Nguyễn Lệ Chi

Có những người viết trẻ, đã và đang tổ chức dịch tác phẩm của mình ra tiếng nước ngoài, nhằm tự quảng bá. Anh/ chị đánh giá công việc này ra sao (nên - không nên, hay - dở...). Nếu được liên hệ để làm công việc này, anh/ chị có hợp tác để làm không? Vì sao?

Hữu Việt: Đây là công việc rất nên. Trong một thế giới lạm phát thông tin như hiện nay thì các nhà văn nên chủ động hội nhập thay vì thụ động ngồi chờ. Nhiều nhà văn nước ngoài đã chủ động sáng tác bằng tiếng Anh, cũng chỉ là để tác phẩm của họ nhanh chóng đến với thế giới đấy thôi.

Lệ Chi: Cũng tốt bởi trong trường hợp không ai cứu mình, không ai giúp mình thì mình phải tự làm thôi. Tuy nhiên việc làm này thường khó lâu bền và chỉ thực hiện được lẻ tẻ, không phải tất cả các người viết trẻ đều có điều kiện như vậy.

Tùy trường hợp tác phẩm được mời dịch có thực sự khiến tôi yêu thích hay không mới nhận lời.

Di Li: Tôi vẫn đang làm việc ấy. Rất nên chứ. Nhưng mà như tôi đã nói ở trên, tự mình làm thì nó manh mún, tự phát lắm. Người ta nhìn vào đã thấy là thiếu chuyên nghiệp.

Lê Anh Hoài
Thực hiện

MỚI - NÓNG