Đua nhau 'xé rào' đào tạo cao đẳng, đại học

Đua nhau 'xé rào' đào tạo cao đẳng, đại học
TP - Hàng loạt cơ sở giáo dục tại TPHCM dù chỉ được cấp phép đào tạo các khóa học nghề ngắn hạn nhưng lại 'xé rào' đào tạo cả trình độ CĐ, ĐH quốc tế.

> Cần phân loại các trường đại học

Học viện kinh doanh và công nghệ Kent không có giấy phép hoạt động nhưng vẫn quảng bá tuyển sinh rầm rộ (ảnh chụp tại trụ sở Học viện ở đường Nguyễn Văn Thủ, quận 1, TPHCM). Ảnh: Quang Phương
Học viện kinh doanh và công nghệ Kent không có giấy phép hoạt động nhưng vẫn quảng bá tuyển sinh rầm rộ (ảnh chụp tại trụ sở Học viện ở đường Nguyễn Văn Thủ, quận 1, TPHCM). Ảnh: Quang Phương.
 

Vượt chức năng

Trung tâm dạy nghề đào tạo thiết kế Raffles trụ sở tại đường Trương Định, Q.3, TPHCM (tạm gọi Raffles) được cấp giấy phép hoạt động đào tạo các nghề ngắn hạn. Hiện nay Raffles đổi địa chỉ về đường Nguyễn Văn Trỗi, Q.3, nhưng tại địa điểm này, trung tâm vẫn chưa có giấy phép hoạt động.

Ngoài hình thức dạy nghề, trung tâm còn đào tạo chui hàng loạt ngành học bậc CĐ quốc tế 3 năm như: Quản trị kinh doanh, Quản trị Marketing, Tài chính, Du lịch khách sạn. Bằng cấp đều do các trường ở Singapore cấp.

Trong vai thí sinh có nhu cầu nhập học, tôi được nhân viên của trường khuyên: nên nộp hồ sơ ngay để trường test trình độ tiếng Anh và đến đầu năm 2012 sẽ chính thức nhập học theo chuyên ngành đã đăng ký.

Tương tự, Trường kinh doanh Melior dù giấy phép chỉ cho phép đào tạo các nghề ngắn hạn: Quản trị kinh doanh căn bản, nâng cao, Quản trị du lịch và khách sạn căn bản, nâng cao, nhưng từ năm 2009, đơn vị này cũng tuyển sinh học viên hệ CĐ. Nếu học viên muốn có bằng ĐH thì có thể sang Singapore hoặc Úc để học tiếp.

Những ngành nghề mà trường này tuyển sinh không phép là Quản trị kinh doanh, Quản trị Marketing, Quản trị du lịch và Khách sạn với mức học phí 10.000 USD/18 tháng học. Mức phí trên chưa gồm tiền học chương trình tiếng Anh: (3.000 USD) cho những học viên chưa đủ trình độ tiếng Anh theo yêu cầu.

Theo nhân viên tư vấn của đơn vị này, sau khi hoàn tất chương trình CĐ, học viên có thể học tiếp lên chương trình ĐH với thời gian học là 16 tháng, học phí là 15.600 USD.

Khác với các trung tâm trên, Trường CĐ Quốc tế PSB Việt Nam (Nguyễn Biểu, Q.5, TPHCM) dù có một số ngành đã được bộ cho phép đào tạo cử nhân CĐ quốc tế nhưng trên thực tế trường lại công khai quảng bá thông tin tuyển sinh thêm một số ngành như: Quản trị truyền thông công chúng, Quản lý giám sát.

Bà Bùi Minh Diễm Châu, hiệu trưởng trường, thừa nhận: các ngành trên chưa có phép của Bộ GD&ĐT, nhà trường quảng bá như thế chỉ để thăm dò nhu cầu học viên. Trong khi đó, Trung tâm Anh ngữ Ila cũng đang triển khai tuyển sinh chương trình Quản trị kinh doanh do Trường Martin College (Úc) cấp bằng, thời gian học 52 tuần, mức học phí “khủng” 150 triệu đồng.

Bà Trần Trúc Uyên, quản lý chương trình này xác nhận qua điện thoại: hiện chương trình trên chưa có phép của Bộ GD&ĐT.

Tự lập viện để chiêu sinh

Trung tâm nghiên cứu Việt Nam- Đông Nam Á thuộc ĐH Khoa học Xã hội Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) chỉ được ĐH Quốc gia TPHCM cho phép liên kết với Học viện Kent (Úc) “triển khai các khóa học về kỹ năng mềm, kỹ năng nghề”.

Tuy nhiên, từ năm 2010, Trung tâm này lại tuyển sinh và đào tạo ngành quản trị kinh doanh với thời gian học 18 tháng. Năm 2011, trung tâm tiếp tục triển khai tuyển sinh các ngành quản trị kinh doanh, kế toán với thời gian đào tạo 18 tháng, dự kiến khai giảng vào giữa tháng 11.

Tiến sĩ Trần Đình Lâm - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam - Đông Nam Á, thừa nhận đây là sự “nhầm lẫn” trong việc tổ chức tuyển sinh, đào tạo của trung tâm. Ông Lâm cho biết giao cho Thạc sĩ Nguyễn Quốc Y làm trưởng điều phối chương trình Kent.

Thạc sỹ Nguyễn Quốc Y tự lập Hoc Viện kinh doanh và công nghệ Kent (Úc), có trụ sở tại đường Nguyễn Văn Thủ, Q.1, để chiêu sinh. Học viện này cũng quảng bá khá rầm rộ tuyển sinh các ngành ở bậc CĐ như: Công nghệ thông tin, Quản trị doanh nghiệp, Quản trị Marketing, Quản trị kế toán với thời gian đào tạo 18 tháng, bằng cấp quốc tế do Học viện kinh doanh và công nghệ Kent Úc cấp.

Tiếp xúc với phóng viên Tiền Phong, ông Y thừa nhận: học viện hiện không có giấy phép hoạt động. Trước đó, đơn vị này từng ký kết đào tạo với một số cơ sở khác như trường CĐ iSpace, ĐH Kinh tế kỹ thuật Bình Dương…

Cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại TPHCM cho biết, đang rà soát các đơn vị vi phạm trong liên kết đào tạo trong nước lẫn quốc tế để báo cáo Bộ GD&ĐT. Theo dự kiến, trong tuần tới, Cục Đào tạo với nước ngoài và thanh tra Bộ GD&ĐT sẽ thanh tra các cơ sở liên kết tuyển sinh, đào tạo không đúng quy định này.

Trường ĐH Bình Dương được phép liên kết đào tạo quốc tế với 2 trường ĐH

Sau khi Tiền Phong có bài viết “Cuộc đua không phép” (TP ngày 13-10), Trường ĐH Bình Dương đã có văn bản phản hồi một số thông tin về trường đã nêu trong bài. Qua xác minh và hồ sơ nhà trường cung cấp thì đến nay, trường được Bộ GD&ĐT cấp phép đào tạo liên kết với 2 trường ĐH nước ngoài là: ĐH Assumption (Thái Lan) và ĐH Benedictine.

Một số trường khác như: ĐH Apollos (Hoa Kỳ), ĐH Audirium (Singapore), ĐH Hang Kyong, CĐ Kyung Buk, Fausang (Hàn Quốc)… chỉ mới là những bản ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các trường này với Trường ĐH Bình Dương.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Căn cứ lực lượng an ninh ở Iraq bị không kích
Căn cứ lực lượng an ninh ở Iraq bị không kích
TPO - Lực lượng Huy động Nhân dân (PMF) Iraq - một lực lượng an ninh chính thức - cho biết sở chỉ huy của họ tại căn cứ quân sự Kalso (cách thủ đô Baghdad khoảng 50 km về phía nam) đã hứng chịu một vụ nổ lớn vào tối 19/4. Hai nguồn tin an ninh cho biết vụ nổ là kết quả của một cuộc không kích.